Vào nội dung chính
CHÂU Á - XÃ HỘI

Unicef cảnh báo nạn bạo hành trẻ em tại châu Á - Thái Bình Dương

Ngày hôm qua 08/08/2012, tại Bangkok, Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc Unicef lần đầu tiên, đã công bố bản báo cáo phân tích các nghiên cứu về tình trạng ngược đãi trẻ em trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2012.

Một phụ nữ dắt con nhỏ trong khu phố Dhaka, Bangladesh (REUTERS)
Một phụ nữ dắt con nhỏ trong khu phố Dhaka, Bangladesh (REUTERS)
Quảng cáo

Đây là một công trình tổng hợp công phu từ 350 nghiên cứu của các chuyên gia thuộc nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ và phi chính phủ. Báo cáo kết luận thẳng thắn rằng tình trạng bạo hành đối với trẻ em diễn ra ở tất cả các nước nằm trong khu vực đông dân và rộng lớn nhất thế giới này. Đây là lời cảnh báo trước vấn nạn bạo hành trẻ em đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở nhiều nước châu Á Thái Bình Dương. Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus tường trình :

" Nạn bạo hành nhằm vào trẻ em rất phổ biến tại các nước trong vùng Châu Á Thái bình Dương. Đó là những vụ bạo hành về thể xác, tinh thần hay lạm dụng tình dục. Ở Trung Quốc, không chỉ các bậc cha mẹ có các hành động bạo hành với trẻ nhỏ mà ngay cả giáo viên cũng vậy. Trường học là nơi xảy ra đa số các vụ ngược đãi đối với trẻ nhỏ. Tại Việt Nam việc sử dụng hình phạt như đánh đòn cũng vẫn xảy ra thường xuyên trong các gia đình.

Các vụ bạo hành dù là về mặt thể chất hay tinh thần sẽ gây tác động lâu dài lên đứa trẻ cho tới tận khi chúng trưởng thành. Những vụ suy sụp về tinh thần và tự tử có xu hướng gia tăng ở giới trẻ. Phần đông họ là những người khi còn nhỏ đã phải chịu các vụ bạo hành tình dục hoặc thân thể thể.

Trong các vùng thôn quê Trung Quốc, nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các thiếu nữ là tự tử. Nghiên cứu cũng ghi nhận các vụ bạo hành đối với trẻ không chỉ xảy ra trong các gia đình nghèo khó mà còn lan rộng trong nhiều tầng lớp, nhiều giới trong xã hội.

Bản báo cáo này là bước đầu tiên nhằm đánh động ý thức của xã hội, của các chính phủ ở Á châu về quy mô của vấn nạn nói trên, giúp cho mọi người đấu tranh chống lại, như điều đã từng xảy ra ở châu Âu trước đây. "
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.