Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Bắc Kinh : phong tướng để cài thân tín vào trong quân đội

Về thời sự quốc tế, báo Le Monde quan tâm đến tình hình Trung Quốc. Trước thềm đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18, sắp diễn ra vào tháng 10 năm nay, Bắc Kinh đã tổ chức lễ thăng hàm cho nhiều tướng lĩnh quân đội. Về sự kiện này, báo Le Monde chạy tựa « Đảng cộng sản Trung Quốc tái khẳng định sự kiểm soát quân đội ».

Ván bài chính trị là ông Hồ Cẩm Đào phải thiết lập trong quân đội một nhóm thân tín (DR)
Ván bài chính trị là ông Hồ Cẩm Đào phải thiết lập trong quân đội một nhóm thân tín (DR)
Quảng cáo

Kể từ cuối tháng 7 vừa qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tụ họp tại Bắc Đới Hà, nằm gần Bắc Kinh, nơi diễn ra giai đoạn cuối cùng của các cuộc thương thảo, trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào tháng 10 tới.

Ngoài việc bầu lại Ban Thường vụ – cơ chế lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản, việc thành lập Quân ủy Trung ương sắp tới là một trong những chủ đề chủ chốt cho các buổi thảo luận. Quân đội Giải phóng Nhân dân là do Đảng Cộng sản kiểm soát, thông qua một dàn chỉ huy đôi, bao gồm các ủy viên chính trị và một ban lãnh đạo.

Do đó, Quân ủy Trung ương sẽ nằm dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu Đảng Cộng sản, tức Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào. Và Phó chủ tịch là ông Tập Cận Bình, người được chỉ định sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào sau Đại hội Đảng vào mùa thu này.

Theo Le Monde, hai ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là những thành viên duy nhất của Ban thường vụ có mặt trong Quân ủy Trung ương. Một vị trí đảm bảo tính ưu việt của họ so với bảy vị « Hoàng đế » khác trong Ban thường vụ. Theo gót chân của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, ông Hồ Cẩm Đào có lẽ sẽ duy trì quyền lãnh đạo Quân ủy Trung ương trong 1 hay 2 năm nữa, dù rằng ông sẽ phải nhường chiếc ghế lãnh đạo Đảng cho Tập Cận Bình. Mục đích ? Giám sát di sản chính trị của mình.

Hai ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là cũng hai thành viên dân sự duy nhất trong Quân ủy Trung ương. Trong khi đó, ông Lương Quang Liệt, bộ trưởng Quốc phòng chỉ đơn giản là một thành viên. Số còn lại là các quân nhân. Như vậy, sau Đại hội Đảng lần này, 7 trong số 12 thành viên sẽ được thay mới.

Với quân số đông đảo 2,3 triệu người, nhưng trong quân đội lại không có sự hiện diện của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Do đó, ván bài chính trị là ông Hồ Cẩm Đào phải thiết lập trong quân đội một nhóm thân tín khác, thông qua việc thăng hàm cho nhiều quân nhân chủ chốt.

Vì vậy, ngay giữa lòng Quân đội giải phóng Nhân dân, người ta thấy một lượng đông các vị « thế tử » (nghĩa là con cái của những nhà lãnh đạo phong trào cách mạng). Do có cùng gốc, các vị « thế tử » này có thể liên hợp lại tạo thành nhiều phe nhóm khác nhau ngay trong lòng Đảng cộng sản vì những tham vọng đôi khi đi quá đà như trường hợp của ông Bạc Hy Lai là một minh chứng.

Le Monde cho rằng trong bối cảnh chính trị đặc biệt tế nhị hiện nay : vô hình chung vụ tai tiếng Bạc Hy Lai đã tựu mọi quyền lực vào tay bộ tứ « Hu Wen Xi Li » (họ của bốn nhà lãnh đạo Hu Jintao-Hồ Cẩm Đào, Wen Jiabao – Ôn Gia Bảo, Xi Jinping – Tập Cận Bình và Li Keqiang – Lý Khắc Cường). Giai đoạn chuyển tiếp đến gần đã làm trỗi dậy niềm hy vọng dân chủ hóa một phần và có kiểm soát.

Nếu như cách đây nhiều năm, đấy còn là một chủ đề cấm kỵ, thì nay tính nhất thiết của việc cải cách chính trị tại Trung Quốc đang là đề tài nhận được nhiều sự ủng hộ ngày càng rộng lớn. Tuy nhiên, Le Monde cho rằng cường độ đấu đá nội bộ cũng đang làm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc sôi lên sùng sục. Phe nào nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của quân đội xem như đã nắm chắc trong tay mọi quyền lực.

Samsung bị tố cáo bóc lột sức lao động của trẻ vị thành niên

Điều kiện làm việc khắc nghiệt, lương bổng thấp là những gì các trẻ em dưới 16 tuổi phải hứng chịu. Đây là một trong những nội dung của bản báo cáo điều tra do tổ chức phi chính phủ Mỹ China Labor Watch thực hiện. Tổ chức này tố cáo tập đoàn HEG Electronics của Trung Qu ốc, chuyên gia công cho Samsung đã vi phạm luật lao động Trung Quốc khi sử dụng lao động trẻ em chưa đến tuổi thành niên trong các công xưởng của tập đoàn.

Theo giải thích của Libération, một nhân viên điều tra của tổ chức CLW đã được HEG Electronics tuyển dụng làm việc trong vòng hai tháng tại một nhà máy của họ tại Trung Quốc. Trong vòng hai tháng, nhà điều tra này đã có dịp quan sát và hỏi han nhiều người. Ngay trong vị trí người này được tuyển dụng, ông này đã xác định được ít nhất có 7 em chưa tới 16 tuổi. Bên cạnh đó, bên ngoài khu vực nhà máy, còn có 3 điều tra viên khác lân la hỏi han để thu thập các thông tin về điều kiện làm việc trong nhà xưởng.

Về bản thân tập đoàn HEG Electronics, Libération cho biết đây là một trong những tập đoàn Trung Quốc chuyên gia công cho Samsung. Tập đoàn này sở hữu nhiều nhà xưởng trên toàn quốc. Nhà xưởng bị điều tra ở thành phố Huệ Châu chuyên lắp ráp các loại điện thoại, máy đọc đĩa DVD, các loại thiết bị Hi-fi và các loại máy đọc MP3. Nhà máy này không những nhận gia công cho Samsung, mà còn có hợp đồng với các thương hiệu lớn như Motorola hay LG.

Theo ước tính của China Labor Watch, trong suốt các kỳ nghỉ hè hay nghỉ đông, lượng lao động sinh viên học sinh có thể đạt đến mức 80%. Những mùa còn lại, số lao động này dao động xung quanh khoảng 60%. CLW cho rằng đa phần số lao động này đều chưa đến 18 tuổi.

China Labor Watch chỉ rõ chính sự thiếu vắng các kênh tuyển dụng và việc doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề thường xuyên lạm dụng lao động trẻ em là nguyên nhân chính của hiện tượng này. Theo CLW, dù biết rằng có nhiều lao động trẻ em sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo để xin việc làm, nhưng tập đoàn HEG Electronics vẫn nhắm mắt làm ngơ và không có một biện pháp xử lý nào. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở đào tạo nghề đã cung cấp cho tập đoàn nhân công với giá rẻ mạt « dưới chiêu bài thực tập tại doanh nghiệp ».

CLW liệt kê tên của tám cơ sở trong đó có trường Kỹ thuật và Chuyên nghiệp Viễn Đông tại tỉnh Hồ Nam. Cơ sở này liên kết với nhiều nhà máy, thậm chí các giáo viên không ngần ngại cung cấp giấy tờ giả mạo. Nghiêm trọng hơn nữa là « HEG đã không ký hợp đồng làm việc với số lao động sinh viên-học sinh, mà ký trực tiếp với các giảng viên của trường », theo như tố cáo của CLW.

Về điều kiện làm việc, CLW nêu rõ « mọi sự lơ là chẳng hạn như là có cử chỉ chậm, làm sai hay trễ trong thao tác trật tự, có thể làm cho đốc công nổi giận. Mỗi ngày, nhân viên nào bị phạt phải đứng suốt một ngày, viết bản tự kiểm hay phải nộp tiền phạt ». Ngoài ra, phải làm việc hơn 11 tiếng trong 6 ngày liên tục là chuyện thường xuyên xảy ra.

Ngay khi bản báo cáo được công bố, tập đoàn Samsung đã ủy nhiệm cho văn phòng kiểm toán Intertek tiến hành điều tra. Tuy nhiên, cơ quan này cho là không tìm thấy điều gì bất thường. CLW tố cáo văn phòng này đã nhận hối lộ.

Pháp do dự xin đăng cai Thế vận hội 2024

Thành công của Thế vận hội 2012 tại Luân Đôn khiến Pháp cũng muốn trở thành nước tổ chức một sự kiện thể thao quốc tế quan trọng như thế. Thế nhưng, kinh nghiệm về sự thất bại ê chề trong đợt vận động đăng cai năm 2005 lại kìm hãm sự khát khao đó.

« 2024, Pháp vẫn còn đang trong giai đoạn suy ngẫm » là nhận xét của Libération. Thành công của Luân Đôn khơi dậy tranh luận về cơ hội Paris có thể trở thành ứng viên đăng cai Thế vận hội 2024. Từ nhiều tuần này, câu hỏi đó cứ đeo bám các nhà lãnh đạo Pháp, từ tổng thống François Hollande, rồi đến Thủ tướng Jean Marc Ayrault và cuối cùng là bà Bộ trưởng Thể thao Valérie Fourneyron. Tất cả đều trả lời : « Ừ, tại sao không », nhưng không muốn nhìn thấy thất bại lần thứ sáu liên tiếp.

Pháp vẫn chưa thể nào quên được thất bại của Paris cho các thế vận hội năm 1992, 2008 và 2012 ; của Lille cho 2004 và Annecy cho Thế vận hội mùa đông 2018. Theo Libération, Paris cũng có lý do khi muốn đăng cai Thế vận hội 2024. Bởi vì, cách đây 100 năm, năm 1924 là lần cuối cùng Pháp tổ chức Thế vận hội.

Thế nhưng, cũng có nhiều nguyên nhân khiến Pháp vẫn còn phải ngần ngại khi nộp đơn đăng cai. Vào năm 2013, Ủy ban Olympic quốc tế sẽ trao quyền đăng cai Thế vận hội 2020 cho một trong ba thành phố ứng viên gồm Madrid (Tây Ban Nha), Tokyo (Nhật Bản) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Nếu như không may CIO trao quyền cho Madrid, thì gần như chắc chắn Paris cũng sẽ gặp thất bại do nguyên tắc luân phiên châu lục.

Trong khi đó, Mỹ cũng có ý định ra giành quyền đăng cai cho năm 2024 với ứng viên là thành phố New York, bởi một lý do rất đơn giản là quốc gia này đã không đón tiếp một Thế Vận hội nào kể từ năm 1996.

Nguyên nhân ngoại giao kém cũng là một yếu tố dẫn đến thất bại cho năm 2012. Vì vậy, để có thể giành được quyền đăng cai, Pháp cũng phải có một đại sứ tầm cở như ông Sebastian Coe đã từng làm cho Thế vận hội Luân Đôn 2012.

Thất bại trong việc giành quyền đăng cai Thế vận hội 2012 đã minh chứng rằng chất lượng của bộ hồ sơ đã không đầy đủ. Rằng ảnh hưởng của người Pháp lên các thể chế thể thao quốc tế còn quá yếu. Cuối cùng, Libération cho rằng kinh tế cũng là một yếu tố kìm hãm niềm khao khát của người Pháp.

Trang đầu báo chí Pháp

Thời sự Pháp và Thế vận hội 2012 là các chủ đề chính trên các trang báo Pháp hôm nay. Trên Le Monde, « Hollande: Bầu trời châu Âu trở nên quang đãng », sau khi Hội đồng Bảo Hiến thông qua quyết định: Pháp không cần phải sửa đổi Hiến pháp để thông qua "quy tắc vàng" về ngân sách châu Âu. « 100 ngày sau khi đắc cử. Hollande : mối ngờ vực bắt đầu hiện rõ » là tít trên Le Figaro. « Luân Đôn : nữ hoàng của các cuộc đua » là chủ đề trên Libération.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.