Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - NHẬT BẢN

Đảng cầm quyền Hàn Quốc chỉ trích Nhật Bản về tranh chấp biển đảo

Hôm qua 11/08/2012, Tokyo thông báo sẽ đưa hồ sơ tranh chấp đảo Dokko/ Takeshima lên Tòa án quốc tế La Haye. Seoul chưa có phản ứng chính thức, nhưng đảng Tân Biên Giới tại Hàn Quốc gọi đây là động thái « thiếu thận trọng » của Nhật Bản sau vụ Tổng thống Lee Myung Bak đi thăm và tuyên bố khẳng định chủ quyền tại quần đảo gây xung khắc giữa hai lân bang từ nhiều thập niên.

Cầu thủ Hàn Quốc Park Jong Woo (thứ hai từ phải sang) giơ cao bảng "Dokdo là lãnh thổ của chúng tôi" sau trận thắng 2-0 trước đội Nhật tại Olympic Luân Đôn ngày 10/08/2012.
Cầu thủ Hàn Quốc Park Jong Woo (thứ hai từ phải sang) giơ cao bảng "Dokdo là lãnh thổ của chúng tôi" sau trận thắng 2-0 trước đội Nhật tại Olympic Luân Đôn ngày 10/08/2012. REUTERS/Seo Jae-hoon/Newsis
Quảng cáo

Sự kiện Tổng thống Hàn Quốc tới đảo Dokko mà tên Nhật là Takeshima hôm thứ Sáu vừa qua, tiếp tục gây tranh cãi giữa hai bên. Ngày hôm qua, trong loạt phản ứng bất bình, Tokyo triệu đại sứ Hàn Quốc lên Bộ Ngoại giao để nghe phản đối, triệu hồi đại sứ Nhật tại Seoul về nước và tuyên bố đưa vấn đề tranh chấp này ra Tòa án quốc tế tại Hà Lan.

Chính phủ Hàn Quốc chưa phản ứng về lời đe dọa của Nhật, nhưng tại Seoul, đảng Tân Biên Giới đang chiếm đa số tại Quốc hội nhận định « đây là một hành động thiếu thận trọng » của Nhật Bản. Không dừng lại ở lời chỉ trích này, đảng cầm quyền tại Hàn Quốc nhắc lại vết thương cũ, kêu gọi phía Nhật Bản phải « sám hối » về tội lỗi đã gây ra trong thời kỳ chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến khi đầu hàng vì thua trận Thế chiến thứ hai năm 1945.

Phát ngôn viên đảng Tân Biên Giới, Hong Il Pyo cũng nhắc lại là cho đến nay Nhật vẫn « chưa xin lỗi » các phụ nữ người Hàn bị bắt ép làm gái bán dâm phục vụ binh lính Thiên Hoàng, và trong sách sử ký dành cho học sinh vẫn còn nhiều điều « gian dối ».

Theo AFP, thực ra thì Nhật không thể đưa vấn đề quần đảo Dokko/ Takeshima ra Tòa án La Haye nếu không có sự đồng ý của phía Hàn Quốc. Đây cũng là lập trường của Seoul từ thập niên 1950 tới nay.

Từ khi giành được độc lập vào năm 1945, Hàn Quốc kiểm soát hòn đảo Dokdo/Takeshima rộng không đến 19 mẫu vuông. Các cuộc khảo sát gần đây thẩm định trữ lượng khí đốt rất dồi dào.

Tinh thần bảo vệ chủ quyền cũng lan đến tận Thế vận hội Luân Đôn. Sau trận chung kết bóng đá tranh huy chương đồng với Nhật Bản mà phần thắng về tay đội tuyển Hàn Quốc với tỷ số 2-0, một cầu thủ Hàn Quốc đã đưa biểu ngữ « Dokko là lãnh thổ của chúng tôi ». Hệ quả là vận động viên này bị ban tổ chức phạt không được bước lên bục nhận huy chương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.