Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - NHẬT BẢN

Quan hệ Nhật-Hàn bị thử thách vì một hòn đảo nhỏ

Mặc dù Tokyo kêu gọi đình hoãn, nhưng thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak vẫn đến thăm quần đảo mà hai bên tranh chấp, gọi theo tiếngHàn là Dokko và Takeshima, theo tiếng Nhật. Chuyến viếng thăm lịch sử này đã gây bất bình cho Nhật Bản và không tránh khỏi làm tổn hại đến chiến lược an ninh khu vực của Hoa Kỳ. Vấn đề là bản thân Nhật Bản cũng có một phần trách nhiệm để cho láng giềng thừa nước đục thả câu.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak (G) xem sơ đồ các đảo Dokdo/Takeshima, 10/08/2012
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak (G) xem sơ đồ các đảo Dokdo/Takeshima, 10/08/2012 REUTERS/Korea Pool/Yonhap
Quảng cáo

Ngày 10/08/2012 rất có thể sẽ được ghi nhớ trong quan hệ Nhật –Hàn như là cột mốc của những bất trắc trong tương lai. Bất chấp khuyến cáo của Tokyo, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak vẫn thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử quần đảo Dokko/Takeshima nằm trên biển Nhật Bản, cách đều hai nước.

Quần đảo do núi lửa tạo thành chỉ rộng không tới 19 mẫu vuông, chỉ có hai người dân cao tuổi cư trú, nhưng lại là mối bất hòa giữa hai lân bang.

Phủ tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh đến ưu tư bảo vệ môi trường trên quần đảo này và khu vực chung quanh có lẽ để xoa dịu Nhật Bản. Tuy nhiên, Tokyo không phải dễ bị đánh lừa. Thêm vào đó, lời tuyên bố « đảo này là của chúng ta và phải hết lòng bảo vệ » của Tổng thống Hàn Quốc đã gây thịnh nộ tại quần đảo Phù Tang. Trong lúc ông Lee Myung Bak đang du hành trên đảo, chính phủ Nhật đưa ra một lúc ba động thái : Triệu hồi đại sứ tại Seoul về nước, mời đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo lên bộ Ngoại giao để phản đối và chiều hôm đó, Tokyo cho biết quyết định sẽ nhờ Tòa án quốc tế La Haye phân xử.

Câu hỏi đầu tiên là tại sao Tổng thống cánh hữu của Hàn Quốc lại có động thái gây bất bình cho Nhật Bản, một đối tác kinh tế chủ yếu, một đồng minh chiến lược trước những đe dọa chung từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ?

Động thái của Tổng thống Hàn Quốc được đảng cầm quyền Tân Biên Giới và công luận theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa ủng hộ. Ngay tại Thế Vận Hội Luân Đôn, một cầu thủ trong đoàn vận động viên bóng đá Hàn Quốc đã giương biểu ngữ « Dokko là đất của chúng tôi » sau khi đá bại Nhật Bản trong trận tranh hạng ba.

Trong khi đó, phe đối lập tại Hàn Quốc xem chuyến du hành gây tranh cãi này là nằm trong chiến thuật chính trị của đảng Tân Biên Giới. Vào cuối tháng 12, Hàn Quốc bầu lại tổng thống. Tổng thống Hàn Quốc chỉ được nắm quyền có một nhiệm kỳ, nhưng ông phải củng cố uy tín cho đảng bảo thủ tiếp tục lãnh đạo Hàn Quốc. Biết rõ tâm lý người dân đa số chưa quên thời kỳ 35 năm, 1910-1945, bị Nhật đô hộ, ông Lee Myung Bak và đảng Tân Biên Giới chọn quần đảo tranh chấp với Nhật để đánh bóng uy tín.

Trong năm bầu cử này, chính phủ Lee Myung Bak nhiều lần khai thác quan hệ với Nhật để thu phục nhân tâm. Giới quan sát lưu ý sự kiện trong năm nay, hai lần Seoul đình hoãn vào giờ chót lễ ký kết với Nhật một hiệp ước hợp tác an ninh với lý do công luận Hàn Quốc chưa sẵn sàng. Thế mà hợp tác an ninh Nhật-Hàn là một viên gạch trong chiến lược Thái Bình Dương của Mỹ.

Vấn đề là do đâu mà giới lãnh đạo Seoul không làm gì để thuyết phục dân chúng mà còn tạo thêm căng thẳng qua cuộc thăm viếng đảo Dokko ? Đây là lần đầu tiên từ khi Nhật bản trao trả độc lập, một nguyên thủ Hàn Quốc đặt chân đến quần đảo có tranh chấp chủ quyền này.

Theo thẩm định thì trữ lượng khí đốt dưới lòng đất lên đến nhiều tỷ đôla. Nhưng bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên thúc đẩy Seoul độc chiếm quyền lợi trời cho, còn có nhiều nguyên nhân sâu xa khác mà Nhật Bản có một phần trách nhiệm .

Trước hết, là cho đến nay, Nhật Bản vẫn không xin lỗi và bồi thường cho các phụ nữ Triều Tiên bị ép buộc phục vụ quân đội Thiên Hoàng.

Thứ hai , theo nhận định của giáo sư Masao Okonogi, đại học Keio ở Tokyo thì về biển đảo, nước Nhật không phải chỉ tranh chấp với Hàn Quốc mà còn phải đương đầu với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và với Nga, quần đảo Kuril, ở phía bắc .

Hai nước láng giềng lợi dụng Nhật Bản gặp khó khăn kinh tế và bị khủng hoảng chính trị liên tục nên tìm cách lấn lướt. Tổng thống Hàn Quốc đã thấy Nhật chỉ phản ứng yếu ớt khi lãnh đạo Nga Medvedev đến Kuril. Vụ Dokko/Takeshima chắc chắn sẽ được Bắc Kinh và Bình Nhưỡng phân tích sâu rộng.

Giáo sư Hideshi Takesada, đại học Yonsei, Hàn Quốc không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại với Seoul để cô lập Nhật Bản.

Liệu Washington, đồng minh chiến lược của Tokyo và Seoul có khoanh tay điềm nhiên tọa thị hay không ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.