Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Tổng thống Miến Điện làm việc với nhà đối lập Aung San Suu Kyi

Theo AFP, hôm qua, 12/08/2012, nhà đối lập Aung San Suu Kyi đã có cuộc gặp đầu tiên trên tư cách nghị sĩ Quốc hội với tổng thống Miến Điện Thein Sein tại thủ đô Naypyidaw.

Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi (T) và tổng thống Miến Điện Thein Sein
Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi (T) và tổng thống Miến Điện Thein Sein (DR)
Quảng cáo

Thông tin trên được ông Zaw Htay, chánh văn phòng tổng thống thông báo, nhưng không cho biết chi tiết nội dung cuộc gặp. Ông cũng cho biết thêm, bộ trưởng bộ Đường sắt Aung Min, người được giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề xung đột sắc tộc ở Miến Điện, cũng có mặt trong buổi làm việc này.

Tại Miến Điện, các dân tộc thiểu số chiếm 1/3 dân số 60 triệu dân của cả nước. Xung đột sắc tộc vẫn luôn là vấn đề nan giải của Miến Điện. Trở lại chính trường từ sau cuộc bầu cử Quốc hội gần đây, bà Aung San Suu Kyi cố gắng theo đuổi chủ trương hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên, nhiều sắc tộc thiểu số ở Miến Điện vẫn nhìn bà bằng con mắt dè chừng và coi bà là đại diện cho dân tộc chiếm đa số trong nước.

Chính phủ của tổng thống Thein Sein, từ hơn một năm nay, đang tiến hành nhiều cải cách chính trị cũng như kinh tế, đã có nhiều cố gắng hòa giải với các nhóm sắc tộc thiểu số ly khai. Trong khi đó, các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn ở tiểu bang Kachin sát biên giới với Trung Quốc.

Hồi tháng 5 vừa qua, tại tiểu bang Rakhine, nằm sát biên giới với Bangladesh, lại bùng lên cuộc xung đột sắc tộc tôn giáo dữ dội giữa người Rohingyas theo đạo Hồi với những người dân địa phương theo đạo Phật, làm 80 người chết và hàng chục nghìn người lâm vào cảnh không nhà cửa.

Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã tố cáo lực lượng an ninh Miến Điện lợi dụng cuộc xung đột cộng đồng này để trấn áp người Hồi giáo Rohingyas. Cộng đồng thiểu số này có khoảng 800 000 người, sống ở vùng sát với biên giới với Bangladesh. Chính quyền Miến Điện từ lâu nay vẫn không thừa nhận người Rohingyas là một trong những dân tộc của nước này, mà chỉ coi họ là những người nhập cư, bị khoanh vùng định cư trong tiểu bang Rakhin.

Các vụ xung đột tại tiểu bang miền tây của Miến Điện đang được quốc tế cũng như cộng đồng các nước Hồi giáo đặc biệt quan tâm và có thể gây ảnh hưởng không tốt đối với những cố gắng cải cách của chính quyền Miến Điện trong thời gian vừa qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.