Vào nội dung chính
HOA KỲ - CHÂU Á

Hàn - Nhật bất đồng : Chính sách châu Á của Mỹ bị trở ngại

Trong những ngày gần đây, quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã bất ngờ căng thẳng hẳn lên, đặc biệt là sau hành động của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak hôm thứ Sáu tuần trước, bay ra một hòn đảo thuộc nhóm Dokdo/Takeshima đang tranh chấp giữa hai nước để khẳng định chủ quyền của Seoul.

Tổng thống Hàn Lee Myung Bak và thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda (Reuters)
Tổng thống Hàn Lee Myung Bak và thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda (Reuters)
Quảng cáo

Theo các chuyên gia phân tích, cơn sốt bất ngờ giữa hai đồng minh đều thân thiết của Hoa Kỳ sẽ gây trở ngại cho Washington trong việc triển khai chính sách mới của họ tại châu Á mà mục tiêu là nhằm đối phó với đà vươn lên của Trung Quốc. 

Trước hết, phải nói là trong chiến lược của Tổng thống Mỹ Barack Obama chuyển trọng tâm quân sự qua vùng Châu Á Thái Bình Dương, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nhân tố rất quan trọng, vì là nơi có các căn cứ của Mỹ, với một lực lượng đồn trú lên đến hơn 75.000 quân. 

Trong thời gian qua, Hoa Kỳ cũng đã cố gắng dàn xếp để lôi kéo Seoul và Tokyo vào trong một thế liên kết được gọi nôm na là "vòng cung dân chủ" bao quanh Trung Quốc, gồm các nước thân thiện với Mỹ, trải dài từ Úc, lên đến Nhật, Hàn Quốc và kéo tới Ấn Độ. 

Mới cách đây vài tháng, mọi sự có vẻ rất thuận buồm xuôi gió : Tháng sáu vừa qua, chính quyền Hàn Quốc đã chuẩn bị ký kết một thỏa thuận lịch sử với Nhật Bản về việc chia sẻ thông tin tình báo nhậy cảm, một hiệp ước quân sự đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 1945. 

Thế nhưng vào giờ chót, Seoul đã đình hoãn việc ký kết vì áp lực nội bộ, đặc biệt là từ dân chúng, vẫn chưa quên các hành vi tàn ác của quân đội Nhật Hoàng thời trước năm 1945. Sự kiện Hàn Quốc sẽ bầu cử tổng thống vào tháng 12 tới đây không xa lạ gì với bước thụt lùi của Seoul trong quan hệ với Tokyo. 

Ông Bruce Klingner, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại trung tâm nghiên cứu Heritage Foundation của Mỹ cho rằng việc hiệp ước quân sự kể trên không được ký kết là một thất lợi cho cả ba đồng minh vì lẽ hiệp ước sẽ cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ thông tin về quân đội Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, và hỗ trợ Mỹ trong kế hoạch phát triển một lá chắn tên lửa cho hai đồng minh. 

Theo chuyên gia này, « căng thẳng bùng lên giữa Seoul và Tokyo sẽ tác động về mặt an ninh đối với cả hai nước, cũng như cản trở mục tiêu an ninh của Mỹ ở châu Á ». Theo ông Klingner, Hoa Kỳ nên cẩn thận, không được đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp, mà phải tìm cách khuyến khích hợp tác ba chiều. 

Chuyên gia này khuyến cáo Washington gia tăng các cuộc tập trận hỗn hợp giữa quân đội cả ba quốc gia ; đồng thời hình thành cơ chế đối thoại hàng năm kết hợp các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của cả ba nước, thay vì chỉ giữa Mỹ với riêng từng quốc gia như hiện nay. 

Dẫu sao thì các chuyên gia đều cho rằng cơn sốt hiện nay trong bang giao Nhật - Hàn chỉ mang tính chất tạm thời, trong thời gian Hàn Quốc vận động tranh cử mà thôi. Theo ông Scott Snyder, thuộc Trung tâm nghiên cứu Council on Foreign Relations thì vị tổng thống mới của Hàn Quốc chắc chắn sẽ lại tìm cách thúc đẩy trở lại quan hệ với Nhật Bản. 

Vấn đề theo ông là từ nay đến đó, cả Washington lẫn Seoul và Tokyo đều phải làm sao cho các căng thẳng đang nổi cộm trở lại đừng đi quá trớn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.