Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Các nước Hồi giáo đưa vấn đề người Rohingya ra trước Liên Hiệp Quốc

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Mecca (Ả Rập Xê Út) vào sáng sớm hôm nay 16/08/2012, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) đã quyết định đưa hồ sơ cộng đồng người Rohingya theo đạo Hồi tại Miến Điện ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Biểu tình trước văn phòng đại diện LHQ tại Saana, đòi Miến Điện ngưng đàn áp cộng đồng Rohingya (REUTERS)
Biểu tình trước văn phòng đại diện LHQ tại Saana, đòi Miến Điện ngưng đàn áp cộng đồng Rohingya (REUTERS)
Quảng cáo

Đại diện của 57 quốc gia Hồi giáo trên thế giới đồng thời lên án mạnh mẽ việc chính quyền Miến Điện « tiếp tục sử dụng bạo lực đối với các thành viên của sắc dân thiểu số đó và từ chối công nhận quyền công dân của họ. »

Quyết định đưa vấn đề tình trạng của người Rohingya tại Miến Điện ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc đã được thông qua trong bối cảnh Chính quyền Miến Điện mới đây đã đồng ý cho OCI giúp đỡ người tỵ nạn Rohingya trên nước mình.

Chính quyền Naypyidaw đã bật đèn xanh cho chiến dịch cứu trợ kể trên sau cuộc hội kiến hôm thứ sáu 10/08 giữa một phái đoàn của OCI với Tổng thống Miến Điện Thein Sein về điều được các quốc gia Hồi giáo gọi là « tình hình nhân đạo tồi tệ tại bang Rakhine (ở Miến Điện) » trong một bản tuyên bố của mình.

Cùng với đại diện của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ của Kuwait và Qatar, phái đoàn đại biểu OCI đã đảm bảo với ông Thein Sein rằng các tổ chức cứu trợ nhân đạo Hồi giáo sẽ chăm lo cho mọi người dân sống ở bang Rakhine, mà « không phân biệt đối xử ».

Ngay sau đó, Quốc vương Abdullah của Ả Rập Xê Út, hôm 11/08, đã quyết định tháo khoán 50 triệu đô la cho cộng đồng người Rohingya, mà theo hãng tin chính thức của Ả Rập Xê Út, đang là nạn nhân của những vụ « vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc thanh lọc chủng tộc, giết người, hãm hiếp và lưu đày. »

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới đã tố cáo các hành động bạo lực của lực lượng an ninh Miến Điện nhắm vào người Rohingya trong khi và sau khi nổ ra những vụ xung đột giữa cộng đồng này với những người theo Phật giáo, chiếm đa số tại Miến Điện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.