Vào nội dung chính
CHÂU Á

Yếu tố chính trị nội bộ làm tăng căng thẳng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Đông Á

Gần 70 năm sau khi quân đội Nhật Hoàng đầu hàng quân đồng minh, những thay đổi chính trị sắp diễn ra ở Đông Á làm trỗi dậy mạnh mẽ những tranh chấp lãnh thổ mà các nước liên quan đã kế thừa từ sau đệ nghị thế chiến. 

Người biểu tình xé  cờ Nhật  thời quân phiệt trước Đại sứ quán Nhật tại Hồng Kông, ngày 16/08/ 2012, sau khi  14 người Trung Quốc bị Nhật bắt giữ  do đến đảo Điếu ngư/Senkaku.
Người biểu tình xé cờ Nhật thời quân phiệt trước Đại sứ quán Nhật tại Hồng Kông, ngày 16/08/ 2012, sau khi 14 người Trung Quốc bị Nhật bắt giữ do đến đảo Điếu ngư/Senkaku. REUTERS/Bobby Yip (
Quảng cáo

Từ vài tuần qua, các tranh chấp vốn có từ lâu giữa Tokyo, Bắc Kinh, Seoul lại nổi lên và ngày càng trở nên gay gắt khi càng gần đến những thời điểm có các sự kiện chính trị quan trọng tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đây là thời điểm lý tưởng để các chính trị gia ở những nước nói trên tỏ thái độ cứng rắn, khai thác lá bài dân tộc chủ nghĩa.

Vào dịp châu Á kỷ niệm 67 năm ngày quân đội Nhật Hoàng đầu hàng (15/08/1945), Bắc Kinh và Seoul đòi Tokyo phải thừa nhận những tội ác đã phạm phải trong quá khứ và tranh thủ dịp này để nhắc lại các đòi hỏi về chủ quyền đối với các quần đảo.

Ông Takashi Terada, chuyên gia về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, thuộc đại học Doshisha Kyoto (phía tây Nhật Bản) nhận định : Sự sụp đổ bức tường Berlin vào năm 1989 đã báo hiệu sự chấm dứt các chia rẽ vốn nẩy sinh trong thời kỳ chiến tranh lạnh ở châu Âu. Thế nhưng, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết tại châu Á. Nếu châu Âu ít nhiều đã giải quyết di sản của thời kỳ chiến tranh, thì những hậu quả của nó vẫn còn hiện rõ ở châu Á. Nhiều bất đồng về lãnh thổ vẫn luôn luôn tồn tại, bởi vì trong vùng này, người ta thường tránh né các quyết định khó khăn và để cho hậu thế giải quyết.

Đối với giáo sư Cổ Khánh Quốc, chuyên gia về quan hệ quốc tế ở đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, thì việc sẽ có thay đổi lãnh đạo tại Bắc Kinh và Seoul làm sống lại và đào sâu thêm những chia rẽ ở châu Á.

Cuối năm nay, Hàn Quốc có bầu cử tổng thống. Còn nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc đang thương lượng, sắp xếp nhân sự, để chuyển giao quyền lực lãnh đạo cho thế hệ mới, nhân Đại hội toàn quốc, có thể được tổ chức vào mùa thu tới. Giáo sư Cổ Khánh Quốc nhấn mạnh, do các vấn đề chính trị nội bộ, chính quyền Trung Quốc và Hàn Quốc không thể bỏ qua các tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ. Nguợc lại, họ khai thác tối đa chủ đề này.

Quyền lực chính trị tại Nhật Bản cũng có thể thay đổi. Chiếc ghế thủ tướng của ông Yoshihiko Noda đang bị đe dọa bởi vì trong tháng Chín, đảng Dân Chủ bầu lại chủ tịch đảng. Mặt khác, không loại trừ khả năng Nhật Bản sẽ có các cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn vào cuối năm nay.

Chuyên gia Vương Vũ, đại học Hồng Kông chia sẻ nhận định của giáo sư Cổ Khánh Quốc : « Hiện nay, tất cả mọi người phải có thái độ diều hâu, họ phải chứng tỏ với những người ủng hộ rằng họ sẽ không nhân nhượng cường quốc nước ngoài ».

Nói tóm lại, bây giờ là thời điểm của những phát biểu và hành động khiêu khích.

Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, nằm cách bờ biển Đài Loan khoảng 200 km. Những hòn đảo này không có người ở, nhưng vùng biển lân cận được đánh giá là có nhiều nguồn hải sản và đáy biển có thể có trữ lượng dầu khí lớn.

Ngày 15/08 vừa qua, hơn một chục nhân vật thân Bắc Kinh đã đổ bộ lên một trong những hòn đảo này để cắm cờ Trung Quốc, trước khi bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ.

Tuần trước, tổng thống Lee Myung Bak đã bay tới đảo Dokdo mà người Nhật gọi là Takeshima và khẳng định có chủ quyền đối với nơi đây. Để phản đối hành động này của Seoul, chính quyền Tokyo đã gọi đại sứ của mình ở Hàn Quốc về nước và đình chỉ mọi cuộc gặp gỡ cấp cao song phương.

Vài ngày sau, tổng thống Lee Myung Bak lại còn đòi Hoàng đế Nhật Bản phải xin lỗi về những tội ác trong thời kỳ chiến tranh, nếu một ngày nào đó, ông muốn công du Hàn Quốc. Khẩu chiến trở nên dữ dội hơn, khi đúng vào ngày 15/08, hai bộ trưởng Nhật Bản tới đền Yasukuni, ở Tokyo, nơi thờ phụng các binh sĩ Nhật chết trong các cuộc chiến, nhưng lại có linh vị của 14 người bị quân đồng minh tử hình vì phạm tội ác chiến tranh.

Câu hỏi đặt ra là vì sao lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc lại có thể chỉa mũi nhọn vào Nhật Bản để phục vụ lợi ích chính trị nội bộ ? Theo chuyên gia Takashi Terada, việc thay đổi liên tục thủ tướng, 6 người trong 6 năm, đã làm suy yếu vị thế của Nhật Bản, kể cả trong các cuộc tranh cãi về chủ quyền với các nước láng giềng. Họ nghĩ rằng có thể gây sức ép mà Nhật Bản không thể có phản ứng mạnh được.

Tuy nhiên, giáo sư Hideshi Takesada, chuyên gia về châu Á ỏ đại học Yonsei, Hàn Quốc, lại cảnh báo là không ngoại trừ nguy cơ làn sóng dân tộc chủ nghĩa tại Nhật Bản trỗi dậy và dẫn đến đối đầu với Trung Quốc. Cuối tháng Bẩy, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã tuyên bố sẵn sàng đưa quân đội đến bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nếu nơi đây bị Trung Quốc tấn công.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.