Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Áp lực quốc tế buộc Miến Điện điều tra thêm về bạo động đối với dân Rohingya

Dưới sức ép ngày càng mạnh của cộng đồng quốc tế, trong đó có khối ASEAN, Miến Điện hôm nay, 18/08/2012, loan báo thành lập một ủy ban mới, chịu trách nhiệm điều tra về « tình hình bạo động giữa các cộng đồng ». Cách xử lý của Miến Điện trước các vụ bạo động nhắm vào cộng đồng Rohingya ở bang Rakhine trong thời gian qua đã bị quốc tế cực lực chỉ trích.

Lính biên phòng Bangladesh chặn lại những người Rohingya, chạy trốn các vụ bạo động 18/08/2012 (REUTERS)
Lính biên phòng Bangladesh chặn lại những người Rohingya, chạy trốn các vụ bạo động 18/08/2012 (REUTERS)
Quảng cáo

Đây là ủy ban thứ hai liên quan đến vấn đề này được lập ra. Vào tháng Sáu vừa qua, chính quyền Miến Điện cũng đã cho hình thành một ủy ban điều tra. Ủy ban đó trên nguyên tắc đã hoàn tất công việc vào cuối tháng Sáu, thế nhưng các kết luận của cuộc điều tra không hề được Tổng thống Miến Điện Thein Sein công bố. 

Theo nhật báo chính thức New Light of Myanmar, số ra hôm nay, ủy ban mới có 27 thành viên, bao gồm mọi giới, trong đó có cả những người trước đây thuộc phe đối lập ly khai. Ủy ban này có nhiệm vụ « làm sáng tỏ những những nguyên nhân thực sự » gây ra những vụ bạo động và đề xuất các giải pháp giúp các cộng đồng « sống chung hòa bình ». 

Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Maung Aye, Chủ tịch Đảng Phát triển các Dân tộc tại Rakhine tỏ ý vui mừng : « Việc thành lập một ủy ban độc lập trong nước là một quyết định tốt, cho thấy là người Miến Điện có thể tự quyết định vận mệnh của đất nước mình ». 

Còn ông Hkun Htun Oo, Chủ tịch Liên đoàn Dân tộc Shan vì Dân chủ thì thận trọng hơn : « Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì rất nhanh chóng bởi vì vấn đề này đã dai dẳng từ bốn, năm thập kỷ nay. Đây là một vấn đề liên quan đến tôn giáo, cho nên chúng tôi phải rất cẩn thận ».

Xin nhắc lại là bạo lực giữa người Phật giáo và Hồi giáo ở bang Rakhine đã khiến khoảng 80 người thiệt mạng hồi tháng Sáu, theo một báo cáo chính thức. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ cho rằng số nạn nhân thực sự còn cao hơn rất nhiều, và có thêm nhiều người khác bị chết vào đầu tháng Tám trong một số sự cố mới. 

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cáo buộc lực lượng an ninh Miến Điện đã lạm dụng quyền lực để đánh vào người Rohingya, một thiểu số người Hồi giáo không quốc tịch và không được chính quyền Miến Điện công nhận là một sắc tộc ít người của nước này. 

Người Hồi giáo chính thức chiếm 4% dân số Miến Điện nơi mà 89% theo đạo Phật. Quan hệ căng thẳng ngấm ngầm giữa hai cộng đồng tôn giáo này đã từng dẫn đến một loạt các vụ bạo động chống người Hồi giáo tại Miến Điện trong vòng 15 năm qua, đặc biệt là ở bang Rakhine, giáp giới Bangladesh. 

Liên Hiệp Quốc đã chính thức bày tỏ mối quan ngại về một chiến dịch đàn áp người Hồi giáo, và công nhận rằng người Rohingya là một trong những sắc dân thiểu số bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới. 

Chính quyền Naypyidaw đã bác bỏ tất cả những lời tố cáo, nhưng vẫn phải chịu sức ép từ mọi phía. Vào hôm qua, sau một thời gian im lặng, đến lượt Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN mà Miến Điện là thành viên lên tiếng. 

Trong một bản thông cáo, công bố tại Phnom Penh, thủ đô nước chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, các Ngoại trưởng Đông Nam Á đã nhắc nhở Miến Điện rằng « tính chất hài hòa » của các cộng đồng khác nhau trên đất nước là « một phần không thể tách rời của tiến trình cải cách và dân chủ hóa đang diễn ra ở Miến Điện ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.