Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Cảnh sát Hồng Kông tấn công Hội Tam Hoàng

Những xấp tiền còn mới tinh, mã tấu, thanh sắt, máy vi tính, cờ mạc chược, thuốc phiện, thuốc lá giả và đĩa hình khiêu dâm là kết quả mà cảnh sát Hồng Kông thu được trong chiến dịch chống băng đảng quy mô, có tên gọi là « Cú sấm sét ». Nhưng theo Le Monde, cuộc chiến chống hội Tam Hoàng còn lâu mới kết thúc. 

Địa bàn hoạt động của Hội Tam Hoàng gồm khu vực biên giới Ma Cao, thành phố Châu Hải, Thẩm Quyến và phía bắc Quảng Đông (Reuters)
Địa bàn hoạt động của Hội Tam Hoàng gồm khu vực biên giới Ma Cao, thành phố Châu Hải, Thẩm Quyến và phía bắc Quảng Đông (Reuters)
Quảng cáo

Theo bài viết « Cảnh sát Hồng Kông tấn công Hội Tam Hoàng tại vùng châu thổ Châu Giang » của báo Le Monde, số ra hôm nay, trong vòng một tháng , từ ngày 09/07 cho đến ngày 08/08 vừa qua, cùng với sự phối hợp của lực lượng an ninh Ma Cao và tỉnh Quảng Châu, cảnh sát Hồng Kông đã tấn công vào 1700 điểm đáng nghi ngờ bao gồm các sòng bạc mạc chược, các quán bar hoạt động trái phép, nhà chứa, phòng mát-xa, hộp đêm, sòng bài, khách sạn, nhà riêng và kho bãi của các băng đảng.

Hơn 15 000 cảnh sát tham gia vào đợt tung lưới quy mô và gần 1200 người trong độ tuổi từ 14 đến 73 tuổi đã bị bắt giữ. Trong buổi họp báo hôm thứ Năm ngày 16/8, cảnh sát Hồng Kông cho biết rất « hài lòng » với kết quả đạt được. Theo người đứng đầu cơ quan chống các tổ chức băng đảng, ông Kwok Ho-fai, ranh giới hoạt động của Hội Tam Hoàng tập trung chủ yếu giữa khu vực biên giới Ma Cao và các sòng bạc ở phía tây thành phố Châu Hải, Thẩm Quyến và phía bắc tỉnh Quảng Đông, biên giới với Trung Quốc và Hồng Kông, phía đông trung tâm tài chính.

Hoạt động chính của các hội kín Trung Quốc, trong đó có những băng đảng có từ rất lâu, như băng « 14K », có nguồn gốc từ trăm năm nay, tập trung chủ yếu trong các lãnh vực buôn lậu, cướp giật, làm hàng giả, hoạt động mại dâm, cờ bạc… Cũng theo ông Kwok Ho-fai, từ năm 1990, kê-ta-min, một loại thuốc an thần dành cho ngựa đang chiếm lĩnh thị trường thuốc phiện tại Hồng Kông. Đây là loại thuốc được nhiều thanh niên Hồng Kông thích dùng, chủ yếu là vào chiều tối, do tác dụng chống ức chế.

Cảnh sát Hồng Kông cho biết, việc cài người vào các tổ chức băng đảng vẫn là phương pháp ưa thích nhất trong công tác chống các nhóm băng đảng. Vào đầu tháng Tám này, lực lượng an ninh của ba thành phố Ma Cao, Hồng Kông và Quảng Châu đã tập trung tấn công vào các chủ sòng bài và các khách hàng tại Ma Cao, bắt giữ hơn 100 đối tượng chủ yếu liên quan đến các tội danh rửa tiền. Trước đó, vào cuối tháng Sáu, ông Ng Man-sun 65 tuổi, gương mặt nổi cộm của ngành sòng bạc, đã bị một nhóm khoảng chừng 5, 6 người xúm lại đánh đập dã man.

Sau vụ hành hung này, đã liên tiếp diễn ra 3 vụ ám sát trong tháng Bẩy. Và theo tờ South China Morning Post, điều đó đã châm ngòi cho chiến dịch « Cú sấm sét » của cảnh sát Hồng Kông. Le Monde nhắc lại là vào năm 1999, Ma Cao đã nếm trải những giờ phút đen tối, hơn 40 người có dính líu đến ngành công nghiệp cờ bạc và các băng đảng tội phạm đã bị giết hại.

Le Monde cho biết, sắp tới đây, việc thủ lãnh băng 14K, ông Wan Kuok-koi, biệt danh là « Răng Sún », sắp mãn hạn tù sẽ còn làm cho tình hình thêm bất ổn. Bởi vì, Ng Man-sun và Răng Sún là những kẻ thù không đội trời chung.

Cuộc chiến chống lại các băng đảng tại Hồng Kông còn lâu mới giành được thắng lợi. Ba ngày sau khi chiến dịch « Cú sấm sét » kết thúc, cảnh sát Hồng Kông lại lao vào một chiến dịch khác mang tên « Landchaser », truy lùng các băng đảng chuyên sản xuất rượu lậu. Bởi vì, hơn 600 chai rượu Whisky và Vodka của nhiều thương hiệu nổi tiếng khác nhau, được bán trong các quán bar đã bị tịch thu.

Vậy mà, Hồng Kông lại được xếp là một trong những thành phố an toàn nhất trên thế giới, với mức tỷ lệ tội phạm cực kỳ là thấp….

Máu chảy tại một hầm mỏ ở Nam Phi

Ít nhất 30 người thiệt mạng trong vụ cảnh sát Nam Phi tấn công những thợ mỏ đình công gần thủ đô Johannesburg. Nếu như giới chủ các hầm mỏ cho rằng « vụ đình công này là mang tính chất gây rối trật tự hơn là xung đột xã hội », thì một số nhà quan sát lại nhận định rằng « đằng sau xung đột xã hội ẩn chứa một cuộc chiến khốc liệt giữa hai nghiệp đoàn ».

« Máu đổ tại một hầm mỏ tại Nam Phi » Le Monde chạy tít. Ngày thứ Năm đen đã trở thành một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử Nam Phi, thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc. « Hơn 30 thợ mỏ » bị hạ gục trong vụ cảnh sát tấn công người biểu tình tại Marikana, hôm thứ Năm 16/8 vừa qua. Các hình ảnh truyền tải trên các kênh truyền hình khiến cho công chúng hoàn toàn bị sốc. Nó gợi nhắc lại nhiều các vụ can thiệp vũ trang giết người của cảnh sát tại những khu đô thị nghèo dưới chế độ do thiểu số da trắng cầm quyền.

Cảnh sát Nam Phi khẳng định đã hành động « trong tình trạng tự vệ hợp pháp ». Còn tổng thống Jacob Zuma tuyên bố là « bị sốc và kinh hoàng trước vụ bạo lực khó hiểu này ».

Le Monde nhắc lại, vụ đình công xảy ra trước đó một tuần đã làm thiệt mạng 10 người, trong đó có 2 cảnh sát. Một con số đáng buồn. Theo ông Roger Phillimore, chủ tịch tập đoàn Lonmin, một trong những nhà khai thác bạch kim lớn thế giới, chủ nhân khu mỏ tại Marikana, biện minh rằng « rõ ràng đây là một vụ gây bất ổn trật tự hơn là một vụ xung đột xã hội ». Trước đó, Lonmin đã từ chối đàm phán đòi tăng lương và ra lệnh cho 3000 người đình công phải quay lại làm việc nếu không muốn mất việc làm.

Theo lời thuật lại của nhiều người tham gia đình công xin giấu tên với báo Le Monde, họ xứng đáng được nâng mức lương từ 400 euro (mức trung bình) lên 1250 euro/ tháng. Họ cho biết là thợ mỏ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, sáu ngày trong tuần, 8 giờ mỗi ngày theo chính thức, nhưng thường xuyên chỉ được trả lương có 8 giờ sau 9 giờ bị vắt kiệt sức. Một người than phiền với Le Monde rằng với mức lương 580 euro/ tháng thì làm sao các con của ông có thể đặt chân được vào các trường đại học. Ông còn cho biết thêm là người thợ mỏ bám chặt vào công việc đến chết, nhưng khi có một chút đòi hỏi gì thì ban giám đốc giả điếc làm ngơ.

Bên cạnh đó, công tác an toàn lao động cho thợ mỏ cũng không được đảm bảo. Thợ mỏ không có các dụng cụ bảo hộ tốt để chống lại các vụ nổ trong hầm mỏ và bụi bặm.

Điều kiện sinh hoạt của các thợ mỏ cũng hết sức nghèo nàn : Sống tạm bợ trong các khu lán trại lợp tôn, điện nước thiếu thốn và mất vệ sinh.

Một nghiên cứu do tổ chức Bench Marks, phụ trách về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp khai thác thực hiện hồi đầu tuần này, đã cảnh báo về sự cách biệt quá cao giữa lợi nhuận rất cao của các tập đoàn khai thác bạch kim và mức độ bất công và đói nghèo mà thợ mỏ đang phải hứng chịu. Bản nghiên cứu cho rằng các « chính sách xã hội do các tập đoàn dựng lên chỉ là một sự ngụy tạo, nhằm đánh bóng hình ảnh của mình trước công chúng, nhưng hiếm khi nào các doanh nghiệp chịu lắng nghe các nhu cầu thật sự của thợ mỏ ».

Tuy nhiên, Le Monde cũng cho rằng đằng sau xung đột xã hội còn ẩn chứa một cuộc chiến khốc liệt giữa hai tổ chức : Nghiệp đoàn thợ mỏ quốc gia (NUM), nghiệp đoàn mạnh đang trên đà suy yếu, nguồn ủng hộ chính cho đảng Đại hội Dân tộc Phi, đảng cầm quyền và một nhánh ly khai, AMCU, ngày càng thu hút sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng thất vọng.

Theo nhận định của Le Monde, chỉ còn 4 tháng nữa là diễn ra đại hội bầu chọn của đảng Đại hội Dân tộc Phi. Rất có khả năng là cuộc đối đầu giữa các nghiệp đoàn lần này đã bị một bộ phận trong đảng thao túng, nhằm phản đối việc đề cử ông Zacob Zuma ra tranh cử một nhiệm kỳ hai. Mặt khác, AMCU tố cáo nghiệp đoàn NUM thông đồng với ban giám đốc chứ không bảo vệ quyền lợi công nhân.

Ông David van Wyk, nhà nghiên cứu cho quỹ Bench Marks lo ngại về việc ngày càng có nhiều chính trị gia có chân trong các hội đồng quản trị của các tập đoàn lớn.

Hillary Clinton hay Joe Biden : Obama trước ngã ba đường

Nếu như phe Cộng Hòa tại Mỹ hoan nghênh việc chỉ định một nhà bảo thủ trẻ tuổi Paul Ryan ra liên danh tranh cử với ông Mitt Romney, thì ê-kíp vận động tranh cử của ông Obama lại tỏ ra lúng túng về vị phó tổng thống sắp mãn nhiệm kỳ Joe Biden. Phe Dân Chủ tự hỏi liệu ông Joe Biden có còn mang đến một sức mạnh cho Obama như đã từng làm vào năm 2008 nữa hay không, thời điểm mà vị ứng viên tổng thống mới tập tễnh vào nghề rất cần đến kinh nghiệm 40 năm chính trường quý báu của vị Thượng nghị sĩ. Đề tài này được báo Le Figaro phản ảnh lại qua bài viết đề tựa “Hillary Clinton hay là Joe Biden : Obama trước ngã ba đường”.

Theo khẳng định của ông Edward Klein, chuyên gia phân tích trên đài truyền hình Mỹ thì ê-kip vận động tranh cử cho ông Obama đang lúng túng trước việc có nên đổi phó tổng thổng Joe Biden bằng bà Hillary Clinton hay không. Cũng theo vị này, thì ông Bill Clinton rất ủng hộ ý tưởng này và khuyến khích vợ mình đảm nhận. Nhưng bà Clinton dường như đã từ chối với lý do là 4 năm làm công tác ngoại giao đã khiến bà kiệt sức.

Còn theo bà Valerie Jarret, cố vấn của ông Obama, thì bà Clinton đã không nhận lời. Ông Klein cho rằng, “ Hillary nhắm đến năm 2016 ” và không chắc rằng việc xuất hiện trên tấm vé tranh cử lại là một chiến lược tốt.

Theo các chuyên gia phân tích, ông Obama cũng không còn thời gian để mà “thay ngựa giữa dòng”. Gạt bỏ Joe Biden lúc này chẳng khác nào là lời thừa nhận yếu kém.

Hôm thứ Tư tuần rồi, tại bang Virginia, ông Joe Biden đã lỡ lời lên án phe Cộng Hòa là muốn cùm chân quốc gia. Phát biểu đã tạo nên một tranh luận kịch liệt, cho rằng lời nhận xét mang nghĩa phân biệt chủng tộc. Ông Joe Biden và phe Obama phải ra sức bào chữa không hề ý định ám chỉ đến thời kỳ nô lệ mà chỉ muốn đề cập đến Wall Street. Phe Cộng Hòa cho rằng tổng thống Obama nên thừa dịp này thay vị phó tướng mới. Một đề nghị đã bị Nhà Trắng gạt phăng.

Le Figaro cho biết, đây cũng không phải là lần đầu tiên phó tổng thống Mỹ có những lời phát biểu “không giữ gìn ý tứ” như vậy. Vào tháng Năm vừa qua, ông từng tuyên bố là rất đồng tình với tổng thống Mỹ về ý tưởng “đám cưới đồng tính”. Lời phát biểu khiến cho ông Obama buộc phải lên tiếng ủng hộ và tuyên bố chính thức đưa đề tài này vào trong chương trình nghị sự một khi tái đắc cử.

Phát biểu “lỡ lời” trên của ông Joe Biden đã khiến cho nhiều cố vấn tổng thống bất bình, cho rằng điều này buộc tổng thống phải ra tay can thiệp mà không kịp suy nghĩ đến những hậu quả của chủ đề cực kỳ nhạy cảm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.