Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - BẮC TRIỀU TIÊN

Doanh nhân Trung Quốc tố cáo Bắc Triều Tiên tham nhũng và lừa đảo

Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là hai nước có chung biên giới, lại tương đồng về chế độ chính trị. Thế nhưng, vừa rồi doanh nhân Trung Quốc đã không còn ngại chỉ trích công khai trên báo chí chính quyền Bắc Triều Tiên quá ư nhũng nhiễu, làm ăn không chân thật với đối tác. Về hồ sơ này, nhật báo Le Monde có bài : « Tham nhũng và lừa đảo chính là những tai họa đối với doanh nhân Trung Quốc đến đầu tư tại Bắc Triều Tiên ».

Bắc Triều Tiên, một trong các nước độc tài khép kín nhất hành tinh, đang dần dần tìm cách mở cửa kinh tế
Bắc Triều Tiên, một trong các nước độc tài khép kín nhất hành tinh, đang dần dần tìm cách mở cửa kinh tế REUTERS/Carlos Barria
Quảng cáo

Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là hai nước có chung ranh giới, lại tương đồng về chế độ chính trị. Thế nhưng, trong khi Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, thì anh bạn láng giềng của mình vẫn còn èo uột. Bởi vậy trên trường quốc tế, Bình Nhưỡng luôn phải nhờ Bắc Kinh chống lưng. Ngay cả đến việc lập người kế vị mà cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il còn phải đích thân dẫn con trai Kim Jong-un đến tìm hậu thuẩn của Trung Quốc. Quan hệ chính trị có vẻ mặn mà là thế, nhưng hợp tác kinh tế còn khá lạt lẽo. Đến mức mà vừa rồi doanh nhân Trung Quốc đã không còn ngại chỉ trích công khai trên báo chí rằng chính quyền Bắc Triều Tiên quá ư nhũng nhiễu, làm ăn không chân thật với đối tác. Đi sâu vào hồ sơ nhạy cảm này, nhật báo Le Monde có bài phân tích với dòng tựa đáng chú ý : « Tham nhũng và lừa đảo chính là những tai họa đối với doanh nhân Trung Quốc đến đầu tư tại Bắc Triều Tiên ».

Phó chủ tịch quân ủy trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên ông Jang Sung-teak đã dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu đến thăm Trung Quốc để bàn về hợp tác kinh tế, nhất là về dự án xây dựng hai đặt khu kinh tế trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên có sự đầu tư của Trung Quốc. Đó là Khu kinh tế và thương mại Rason ở thành phố Rason, phía Đông Bắc Triều Tiên, tiếp giáp với tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc. Vùng kinh tế đảo Hwanggumphyong và Wihwa nằm gần cửa sông Áp Lục tại ranh giới hai nước. Không biết tình hình bàn thảo của lãnh đạo hai nước có suôn sẻ hay không, chứ viễn cảnh hợp tác có vẻ sẽ đầy u ám, bởi nhân chuyến công du này, đúng một ngày trước cuộc hội kiến giữa ông Jang Sung-Teak và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, thì tờ nhật báo kinh tế có tiếng của Trung Quốc, tờ 21 Century Business Herald đã cho đăng bài phàn nàn của tập đoàn khai thác mỏ Tây Dương của Trung Quốc về tình trạng tham nhũng, sách nhiễu và cách làm ăn gian dối trên đất nước Triều Tiên.

Số là vào năm 2007, tập đoàn Tây Dương đã kí thỏa thuận với phía Bắc Triều Tiên thành lập liên doanh khai thác và sản xuất bột sắt tại huyện Ongjin phía nam tỉnh Nam Hwanghae của Bắc Triều Tiên với giá trị đầu tư lên đến 240 triệu nhân dân tệ (30 triệu euro). Theo thỏa thuận ban đầu, phía Trung Quốc sẽ nắm giữ 75% cổ phần của liên doanh. Ấy thế mà, đến năm 2011, chỉ vài tháng sau khi liên doanh đi vào hoạt động, thì bất chợt chính quyền Bắc Triều Tiên bắt đầu kiếm chuyện gây khó dễ với lí do là theo luật Bắc Triều Tiên, người nước ngoài không được giữ trên 70% cổ phần của một công ty trên lãnh thổ nước này. Chưa hết, phía Bắc Triều Tiên còn tạo thêm rất nhiều kiểu đánh thuế, còn tăng giá điện, giá nước. Hai bên cãi nhau đến mức hiện tại liên doanh này vẫn còn bị dồn hàng đến 30 000 tấn bột sắn do không được nước chủ nhà cho xuất ra khỏi Bắc Triều Tiên. Nhiều thành viên Trung Quốc thuộc tập đoàn Tây Dương còn bị cắt điện cắt nước và cắt cả điện thoại. Tháng hai năm nay, phía Bắc Triều Tiên còn tuyên bố rằng, thỏa thuận năm 2007 giữa hai bên là vô hiệu lực. Rồi đến tháng Ba, giữa đêm khuya, một toán công an còn ập vào nhà các kĩ sư người Trung Quốc của liên doanh, sau đó dùng võ lực đưa họ sang biên kia biên giới.

Một khó khăn khác mà tập đoàn Tây Dương nêu ra, đó là vấn đề nhân công người Bắc Triều Tiên. Theo Tây Dương, công nhân Bắc Triều Tiên đúng là dốt đặc, bởi vậy khi sử dụng họ, phía Trung Quốc phải cử đến nhiều kĩ sư lành nghề để dạy họ về mọi thứ…

Hồi đầu tháng Tám này, tức nước vỡ bờ, tập đoàn Tây Dương đã công khai trên một trang blog về tệ nạn tham nhũng của đối tác Bắc Triều Tiên, theo đó tập đoàn này đã phải chạy chọt cho phía Bắc Triều Tiên đến 800 000 đô la cho đủ thứ việc nhằm bôi trơn cho hoạt động của liên doanh, trong đó có việc chi đến 80 000 đô la để mua một chiếc xế hộp Hummer cho ông Ri Seong-kyu, một doanh nhân Bắc Triều Tiên được cử điều hành liên doanh với Tây Dương. Chưa hết, mỗi bận ông Ri đến Trung Quốc, mỗi người Bắc Triều Tiên trong phái đoàn của ông còn phải được đối tác Trung Quốc trong liên doanh tặng nhiều quà cáp có giá trị.

Không chỉ riêng Tây Dương lâm nạn, mà tờ báo còn dẫn tên một công ty mỏ khác của Trung Quốc cũng chịu nhiều mất mát tại Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, cái khác biệt giữa hai công ty này là Tây Dương là của tư nhân, còn công ty nọ là doanh nghiệp nhà nước, có lẻ vì là doanh nghiệp nhà nước nên công ty đó không để ý nhiều đến việc thua lỗ, bởi vậy mới không phản ứng mạnh mẽ trên báo chí giống như là tập đoàn tư nhân Tây Dương.

Trong bối cảnh đó, một chuyên gia nghiên cứu về Bắc Triều Tiên thuộc Trường đảng trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc cảnh báo : «Vụ việc Tây Dương là một trường hợp tiêu biểu. Vì thế các doanh nhân Trung Quốc nên thận trọng, và đừng nên đầu tư một cách thiếu tính toán. Tại Bắc Triều Tiên, không phải lần đầu tiên xảy ra một vụ việc theo kiểu Tây Dương, và không chỉ xảy đến cho phía Trung Quốc. Bởi thế mà, rất ít quốc gia chịu bỏ tiền đầu tư vào lãnh thổ Bắc Triều Tiên ».

Le Monde nhận định : Trung Quốc vốn luôn khao khát tận dụng sự hé mở trầy trật của nền kinh tế Bắc Triều Tiên, và cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã mang đến cho hoài bão đó nhiều hi vọng, ấy thế mà đã nhiều lần nhà đầu tư Trung Quốc đã bị chơi xấu bởi chính những người đồng chí của mình.

Ấn Độ : Xung đột sắc tộc-tôn giáo bùng lên vào kỳ chay Ramadan

Mấy ngày qua tại Ấn Độ rộ lên tin đồn trên các trang mạng xã hội và qua tin nhắn SMS về việc những người Hồi Giáo sẽ bị tấn công sau khi tháng chay Ramadan kết thúc vào ngày hôm nay, 20/8/2012, bởi thế mà đã có hơn 17 000 người Hồi Giáo phải bỏ nhà bỏ cửa lên đường tìm chỗ lánh nạn. Các bến tàu xe lửa vì thế bị quá tải nghiêm trọng. Tìm hiểu về cội nguồn vụ việc, Le Monde có bài giải mã mang tên : « Tại Ấn Độ, Ramadan kết thúc với những căng thẳng cộng đồng sâu sắc ».

Tình hình căng thẳng đến mức mà thủ tướng Ấn Độ ông Manmohan Singh đã phải thừa nhận : « Khối đại đoàn kết của đất nước đang bị đe dọa. Quá trình hòa hợp dân tộc đang bị thử thách ». Ông này đã xuất hiện trên truyền hình cam kết sẽ làm hết sức mình để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tất cả mọi thành phần sắc tộc tôn giáo ở Ấn Độ.

Tuy vậy, theo Le Monde, tại hai thủ phủ kinh tế Bangalore và Bombay ở miền Nam và miền Tây Ấn Độ vẫn chưa xảy ra vụ tấn công nào như tin đồn nói trên. Riêng tại Bangalore, có đến 250 000 dân nhập cư đến từ miền Đông Bắc của đất nước. Nói về miền Đông Bắc, miền này có khoảng 42 triệu dân, là một vùng kém phát triển nhất Ấn Độ. Bởi vậy, mà nhiều người đã phải lìa bỏ quê hương tìm đến những vùng khác phát triển hơn. Tuy nhiên, người xứ này do có vóc dáng tương đồng với người ở những nước Đông Nam Á lân cận, do đó họ thường bị người bản địa đối xử kì thị.

Hồi tháng 7 rồi, xung đột sắc tộc-tôn giáo cũng đã rộ lên ở bang Assam miền Đông Bắc Ấn Độ. Tộc người Bodo bản địa chiếm thiểu số xung đột với người Hồi Giáo nhập cư từ Bangladesh. Xung đột đã làm thiệt mạng 70 người, khiến 400 000 người phải di tản. Xung đột ở Assam đã có từ cách này một thế kỉ khi mà người tộc Bengali đến lập nghiệp ở nơi này, khi ấy đây là một vùng do các bộ tộc bản địa cai quản. Còn đối với người Hồi Giáo tại đây, hơn 40 năm trước, họ đã tản cư đến từ Bangladesh. Cộng đồng người Hồi Giáo này và những người tộc Bodo lúc nào cũng có xung đột tiềm tàng. Xung đột đã lan đến đời sống chính trị của khu vực : mỗi bên đều đã thành lập đảng phái chính trị cho mình. Người Bodo cho rằng những người Hồi Giáo đến từ Bangladesh là « quân xâm lược », còn người nhập cư Hồi Giáo thì căm phẫn vì cho rằng người Bodo chiếm hết mọi quyền lợi trong vùng, từ kinh tế đến chính trị.

Lần đầu tiên xung đột giữa các sắc tộc tại bang Assam đã có một hệ quả ở tầm quốc gia. Tuần rồi, ở Bombay, người Hồi Giáo đã xuống đường phản đối việc người Bodo bị chèn ép ở Assam. Cuộc biểu tình đã dẫn đến xung đột làm 2 người chết và 50 người bị thương.

Tóm lại, trong bối cảnh các cường quốc Châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc đang phải lao đao với các hồ sơ tranh chấp lãnh hải với nước khác, thì Ấn Độ lại phải quằn mình với các vụ xung đột sắc tộc và tôn giáo trong nước.

Trung Quốc - Nhật Bản : nhà cầm quyền cố ý thổi bùng chủ nghĩa dân tộc để lấy lòng cử tri

Liên quan đến quan hệ Trung-Nhật, nhật báo Cộng Sản Pháp L’Humanité có bài : « Những hòn đảo gây ra mọi căng thẳng trên biển Hoa Đông ».

Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Phía Nhật Bản cho rằng, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu nắm quyền kiểm soát khu vực này từ năm 1895, và hồi năm 1884 một người Nhật đã đến Senkaku thành lập cơ sở đánh bắt cá với hơn 200 ngư phủ. Trúng chiêu bài của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng trưng ra bằng chứng lịch sử cho rằng Điếu Ngư đã có mặt trên bản đồ Trung Quốc từ thời nhà Minh (1368-1644).
Gần đây, tranh chấp trở nên hết sức căng thẳng. Tuần trước, 14 người Trung Quốc đã đến quần đảo này để khẳng định chủ quyền lập tức bị chính quyền Nhật bắt giữ. Do sức ép ngoại giao, Tokyo cuối cùng cũng ra lệnh trục xuất 14 người đó. Tưởng tình hình đã yên ổn, hay đâu ngày hôm qua, 19/8/2012, một nhóm người Nhật đã đến cắm cờ khẳng định chủ quyền trên đảo đang tranh chấp. Điều đáng chú ý là trong số những người đến có cả những dân biểu Nhật Bản. Khi ấy, một số dân biểu còn không ngại xuất hiện trước ống kính máy quay của nhiều hãng tin quốc tế để tuyên bố chủ quyền.

Đáp trả lại hành động này, phía Trung Quốc đã phản ứng kiên quyết và kêu gọi phía Nhật Bản « chấp dứt ngay mọi hành động làm phương hại đến chủ quyền quốc gia của Trung Quốc ». Ở nhiều thành phố Trung Quốc, người dân còn rầm rộ xuống đường phản đối Nhật Bản với những khẩu hiệu và lời lẽ cực kì mạnh bạo.

Trong bối cảnh đó, theo tờ báo, nhà cầm quyền hai nước có vẻ ra sức ủng hộ tinh thần dân tộc của người dân. Nhà cầm quyền muốn kích động dân tộc chủ nghĩa trong dân vì ở cả hai nước đều đang sắp chuyển giao quyền lực ở chóp bu. Ở Trung Quốc thì vào tháng 10 này sẽ diễn ra đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung quốc, còn ở Nhật Bản, sắp tới cũng sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội sau khi hồi tháng Bảy có hơn 50 nghị sĩ từ nhiệm phản đối chính phủ.

Tóm lại, tờ báo nhận định : quần đảo chỉ vẻn vẹn chưa quá 7 cây số vuông lại có thể đẩy hai cường quốc Châu Á vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng.

Còn đối với nhật báo cánh hữu Le Figaro, tuy diện tích quần đảo tranh chấp không lớn, nhưng có chứa nhiều tiềm năng kinh tế lớn đến mức mà hai nước có thể lâm vào khủng hoảng ngoại giao. Le Figaro chỉ rõ, tập đoàn dầu khí CNOOC Trung Quốc đã có những thăm dò bước đầu về trữ lượng dầu hỏa của khu vực này và cho rằng trữ lượng có thể lên đến 22 triệu thùng dầu thô và 67 triệu thùng khí đốt thiên nhiên.

Chiến trường Syria : nơi đụng độ của các cường quốc

Tiếp tục thông tin về chiến sự tại Syria, nhật báo Le Figaro có bài : «Trò chơi ngoại giao của các cường quốc làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng ở Syria ». Bài viết cho biết, bên cạnh một chiến trường bằng súng đạn giữa quân nổi dậy và chính phủ Damas, còn có một chiến trường khác cũng không kém phần sinh tử, đó là ván cờ ngoại giao của các cường quốc thế giới.

Theo tờ báo, cái chiến trường ngoại giao vừa nêu trên không ồ ào, không xuất hiện công khai trước ống kính truyền hình, đặc biệt cũng không hề lấy mục tiêu đấu tranh là dân chủ nhân quyền như thường nói, mà thật sự đó là một cuộc chiến trường tranh giành lợi ích chiến lược và kinh tế.

Trước hết đó là cuộc đối đầu giữa Iran và Ả Rập Xê Út. Iran thì ủng hộ chính phủ Assad, còn Ả Rập Xê Út thì hỗ trợ phe nổi dậy. Sự giúp đỡ của Iran dành cho chính phủ Damas trước tiên bởi vì chính phủ hai nước đều do dòng Hồi Giáo Shia lãnh đạo. Kế đến đó là bởi vì từ hơn 30 năm nay, do bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây nên Iran mất dần ảnh hưởng trong vùng, để cho Ả Rập Xê Út ngày càng tăng ảnh hưởng. Bởi vậy mà lần này, Iran nhân cuộc xung đột tại Syria, đã quyết chí bảo vệ cho bằng được chính quyền Assad để khôi phục dần ảnh hưởng trong vùng.

Nếu Iran thất bại, tức mất quyền ảnh hưởng ở Syria và sau đó là ở Liban, thì Ả Rập Xê Út và cả Thổ Nhĩ Kì sẽ tranh thủ cơ hội đó để dựng lên chính quyền của phe nổi dậy theo dòng Hồi Giáo Sunni.

Hai gương mặt cộm cán khác của chiến trường Syria là Nga và Mỹ. Theo Le Figaro, Nga có lợi ích chiến lược và kinh tế ở Syria. Cảng Tartus được là căn cứ quân sự ở nước ngoài duy nhất còn lại cho Nga trong hiện tại. Kế tiếp là Nga muốn dùng chính phủ Assad làm lá chắn chống lại phong trào Hồi Giáo cực đoan dòng Sunni, và để ngăn ngừa các cuộc nổi dậy tương tự ở vùng Caucase và vùng Trung Á, nơi mà Nga có nhiều ảnh hưởng. Mặt khác, Nga cũng nhân cuộc chiến Syria để khẳng định với Mỹ nói riêng và các nước phương Tây nói chung, rằng Nga vẫn là một cường quốc đúng nghĩa. Nắm được tử huyệt của hồ sơ can thiệp quốc tế vào Syria là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga dùng quyền phủ quyết bác bỏ mọi nghị quyết trừng phạt chính phủ Assad để cho phương Tây thấy rằng : « Nga mà chẳng đồng ý, thì phương Tây cũng không can thiệp được đâu ».

Bên cạnh Nga trong cuộc chiến này còn có Trung Quốc. Le Figaro nhận định, Bắc Kinh lo sợ, nếu để cho phe nổi dậy ở Syria thành công, thì đó sẽ là một tiền lệ không tốt cho nhà cầm quyền Trung Quốc. Để « tham chiến », Bắc Kinh luôn bảo vệ quan điểm là : muốn theo đuổi bằng được nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia. Thế nhưng, theo Le Figaro, cũng giống như ứng xử của Mỹ trong hồ sơ Libya, Trung Quốc đã cố tình rút êm để cho Nga một mình đương đầu với búa rìu dư luận của phương Tây.

Mỹ và Châu Âu cũng tỏ ra sốt sắng với hồ sơ Syria. Chủ tâm của họ, ngoài những lợi ích kinh tế khác, theo tờ báo, là muốn chính quyền Damas sụp đổ, vì như thế sẽ kiềm chế được Iran, và sẽ khiến cho hồ sơ hạt nhân Iran trở nên dễ dàng hơn. Tóm lại, chủ yếu là các toan tính, chứ các vấn đề nhân đạo chỉ là thứ yếu.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.