Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - HÀN QUỐC

Nhật Bản sẵn sàng trả đũa Hàn Quốc về kinh tế vì tranh chấp lãnh thổ

Trong một động thái khác thường, Tokyo không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp trả đũa kinh tế trong tranh chấp với Hàn Quốc về chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima. Chánh văn phòng nội các kiêm phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Fujimura tuyên bố vào hôm nay, 20/08/2012, là Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đã yêu cầu nội các dự kiến những biện pháp khác ngoài các biện pháp ngoại giao truyền thống.

Các thành viên phong trào "Ganbare Nippon" biểu tình trước đại sứ quán Hàn Quốc ở Tokyo ngày 16/08/2012 chống việc Tổng thống Hàn Quốc thăm đảo Dokdo/Takeshima.
Các thành viên phong trào "Ganbare Nippon" biểu tình trước đại sứ quán Hàn Quốc ở Tokyo ngày 16/08/2012 chống việc Tổng thống Hàn Quốc thăm đảo Dokdo/Takeshima. REUTERS/Yuriko Nakao
Quảng cáo

Giới quan sát đang tìm hiểu xem Tokyo có thể áp dụng những biện pháp nào. Hãng tin AFP nhắc lại là Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi, đã ngầm ý hôm thứ Sáu vừa qua là Tokyo có thể xem xét lại thỏa thuận về hoán đổi tiền tệ giữa hai bên, ký vào năm ngoái, và trên nguyên tắc sẽ hết hạn vào tháng 10 tới đây.

Tuy nhiên hôm nay, ông Azumi đã không nêu lại vấn đề này, và theo các bộ trưởng khác, khả năng nói trên không được đề cập đến.

Các phương tiện truyền thông Nhật cho rằng chính phủ Nhật có thể xem xét lại việc mua công trái phiếu Hàn Quốc, được thỏa thuận trong khuôn khổ một cuộc hợp tác rộng lớn hơn về kinh tế tài chính giữa hai quốc gia.

Đối với nhiều người, việc Tokyo sử dụng lá bài kinh tế trong những vụ tranh chấp như Dokdo/Takeshima sẽ là một động thái « bất bình thường ». Theo Giáo sư chính trị học Koichi Nakano, Đại học Sophia : « Họ (chính phủ Nhật) nói nhưng tôi không chắc là họ sẽ làm. »

Tuy nhiên, giới quan sát công nhận Nhật đã phản ứng cứng rắn sau chuyến đi thăm Dokdo của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak. Ngoài việc triệu hồi đại sứ, Tokyo đã hủy bỏ chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Tài chính Azumi dự kiến vào tuần này, và cũng dời lại hai cuộc họp cấp bộ trưởng của hai bên dự kiến vào cuối tháng.

Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư : Đài Loan không đứng cùng Trung Quốc

Tổng thống Đài Loan, Mã Anh Cửu hôm nay, tuyên bố sẽ không đứng cùng với Trung Quốc trong tranh chấp đảo Senkaku/ Điếu Ngư.

Trả lời đài truyền hình NHK, Tổng thống Đài Loan cho là ông không « làm việc cùng với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp này để không tác hại đến quan hệ Nhật Bản - Đài Loan". Ông nhấn mạnh : « Chúng tôi muốn cho những người bạn Nhật Bản biết là chúng tôi rất xem trọng quan hệ Nhật Bản - Đài Loan ». Theo ông Mã Anh Cửu, điều quan trọng là tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp.

Lời khẳng định trên đây được đưa ra sau khi Đài Bắc triệu mời đại diện Nhật Bản tại Đài Loan lên để phản đối hành động khiêu khích của một số người Nhật đã đổ bộ lên một hòn đảo ở Senkaku.

Tình trạng thiếu lương thực tại Bắc Triều Tiên thêm nặng nề

Còn liên quan đến Bắc Triều Tiên, tình hình thiếu lương thực sẽ nghiêm trọng thêm với vụ mất mùa hiện tại. Theo báo cáo của Viện Kinh tế Nông nghiệp Hàn Quốc, công bố hôm nay, 21/08/2012, thu hoạch ngũ cốc của Bắc Triều Tiên năm nay có thể bị hụt đến 700.000 tấn. Riêng trong hai tháng Năm và Sáu, thu hoạch ngũ cốc và khoai đã giảm đi 200.000 tấn.

Thu hoạch bắp và lúa gạo sẽ mất đi khoảng 400.000 tấn, không kể đến cả trăm ngàn tấn nông sản khác. Lý do thất mùa là hạn hán kéo dài trong mùa xuân và mùa hạ năm nay.

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào tháng Sáu, một phần ba số trẻ em Bắc Triều Tiên dưới 5 tuổi bị còi cọc, và suy dinh dưỡng do nạn thiếu ăn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.