Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Vụ án Cốc Khai Lai : Tham nhũng và mưu đồ chính trị

Thời sự châu Á hầu như là chủ đề chính trên các trang quốc tế các báo Pháp số ra hôm nay.Trong đó, tâm điểm là vụ tư pháp Trung Quốc tuyên án tử hình treo bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh về tội mưu sát tham vấn người Anh, ông Neil Heywood. Hầu hết các báo Pháp nhận định rằng đâu đó trong vụ xử lần này còn có bóng dáng của « tham nhũng » và « đấu tranh bè phái ».

Bà Cốc Khai Lai được dẫn giải ra tòa án Hợp Phì, tỉnh An Huy ngày 20/08/2012.
Bà Cốc Khai Lai được dẫn giải ra tòa án Hợp Phì, tỉnh An Huy ngày 20/08/2012. REUTERS/CCTV
Quảng cáo

Các điểm tối xung quanh bản án

Báo Le Monde nhận định « Tại Trung Quốc, bản án dành cho Cốc Khai Lai không làm sáng tỏ tất cả các điểm tối », đây cũng là tựa đề của bài viết. Tờ báo ghi lại các nghi vấn của một số luật gia và chuyên gia phân tích Trung Quốc về những điểm vẫn còn mù mờ xung quanh phiên xử. Chẳng hạn như, tại sao Bạc Qua Qua không đến tố giác với chính quyền Anh quốc nếu như bị đe dọa, vì như vậy bà Cốc Khai Lai sẽ gây án. Theo các luật gia, « bản án này không tuân theo luật lệ, bởi vì bà Cốc Khai Lai đã lên kế hoạch từ đầu cho đến cuối. Đây là một kẻ giết người, vì vậy không có lý do gì bà ta được giảm án ».

Còn theo bà tổng biên tập tờ Caixin Media, « câu chuyện mẹ hy sinh để bảo vệ con khó có thể chấp nhận được. Mặt khác, cảm giác không bị trừng phạt lạ thường giải thích rõ phần nào sự dung túng của cả mạng lưới quan chức cao cấp trong hàng ngũ lãnh đạo tỉnh Trùng Khánh ». Bà còn nhấn mạnh điểm « số tiền lớn trong vụ án đã làm lộ rõ vấn đề tham nhũng ».

Tham nhũng – đấu đá nội bộ qua phiên xử Cốc Khai Lai

Về điểm này, L’Humanité cũng có cùng quan điểm, khi cho rằng phiên xử lần này buộc chính quyền Trung Quốc phải lao vào một cuộc chiến chống tham nhũng không thương tiếc, « một sự đảm bảo có tính sống còn cho tiến trình cải cách, mở cửa và hiện đại hóa xã hội », theo như lời bình của Tân Hoa Xã.

Một khía cạnh khác đã được L’Humanité quan tâm đến qua phiên xử lần này. Theo tờ báo « Phải chăng ông Bạc Hy Lai là điềm chỉ các cuộc đấu đá nội bộ ? ». Cái bóng của nhà lãnh đạo tỉnh Trùng Khánh bao trùm lên toàn bộ phiên xử bà Cốc Khai Lai, đến mức có nhiều tin đồn đãi cho rằng phiên xử này minh chứng có sự cạnh tranh ngay trong lòng nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc.

Còn theo bài viết « Án tử hình treo cho Cốc Khai Lai » trên tờ Libération, ông Bạc Hy Lai, từng là biểu tượng của phong trào « hồi sinh cách mạng », qua việc khôi phục lại các bài ca cách mạng truyền thống thời Mao Trạch Đông và dẫn đầu các chiến dịch hùng hậu chống tham nhũng ngay tại Trùng Khánh, thì giờ đến phiên ông cũng bị buộc tội « tham ô ».

Xử Cốc Khai Lai là để che đậy tai tiếng chính trị

Về đề tài này, báo Le Figaro đã dành hẳn nguyên trang 5 trên mục Quốc tế cho ba bài viết. Trong bài viết thứ nhất đề tựa « Trung Quốc : Bản án che đậy một vụ tai tiếng », Le Figaro cho biết, một mặt, bản án đã làm cho dân chúng hài lòng; mặt khác, nó cũng chặn được nguy cơ bùng nổ chiến tranh chính trị thật sự ngay trong lòng nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngoài việc thuật lại tình tiết vụ án, Le Figaro nhận định bản án đưa ra không chỉ đơn giản là có sự thanh trừng lẫn nhau giữa những kẻ liên quan bất hạnh mà còn là một trong những vụ tai tiếng chính trị lớn nhất của đất nước Trung Hoa hiện đại.

Vụ đào thoát của Vương Lập Quân, cựu giám đốc sở công an tỉnh Trùng Khánh vào lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô hồi tháng hai năm nay đã mang tai vạ đến cho Bạc Hy Lai, vốn không được đông đảo đối thủ ưa thích vì những « chiến dịch đỏ » do ông ta thực hiện và việc quá phô trương trên giới truyền thông.

Các tiết lộ về vụ mưu sát Neil Heywood đã tạo ra một cái cớ để lấp trống vụ xì-căng-đan chính trị và tập trung sự chú ý của báo chí vào một vụ án hình sự. Giờ đây, cựu lãnh đạo Trùng Khánh đang đợi Ban kỷ luật Đảng xét xử, một kiểu xét xử kín, khác với vợ ông là bị đem ra xử công khai. Các nhân vật quyền thế đang tìm cách xử lý số phận của viên chức thất sủng này một cách bất đắc dĩ, kẻ vẫn còn là một trong những người đồng chí của họ.

Tuy nhiên, do ông Bạc Hy Lai đã duy trì nhiều mối quan hệ bạn bè thân thiết ngay trong lòng nội bộ Đảng và nhất là trong lòng Quân đội Giải phóng Nhân dân. Do đó, ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước, cũng không muốn làm mếch lòng quân đội. Bởi lẽ, ông hy vọng sẽ tiếp tục điều hành quân đội thêm hai năm nữa nhân kỳ Đại hội này, dù rằng ông sẽ phải nhường chiếc ghế lãnh đạo Đảng lại cho Tập Cận Bình.

Cốc Khai Lai trở thành người phụ nữ cần phải hạ gục

Liên quan đến thân phận của bà Cốc Khai Lai, Le Figaro có bài viết thứ hai, mô tả chi tiết đề tựa « Nửa nàng tiên cá - nửa rồng, Cốc Khai Lai trở thành người phụ nữ cần phải hạ gục ».

Theo ông Paul French, tác giả của nhiều quyển sách về xã hội Trung Quốc, hồ sơ cá nhân của bà không phải là điều mới mẻ gì trong lịch sử Trung Quốc. Ông nói : « Trong truyền thống Trung Quốc, luôn tồn tại hiện tượng các quý bà biến thành quỷ dữ». Mà ví dụ điển hình gần đây nhất chính là Giang Thanh, người vợ góa của Mao Trạch Đông, người chịu trách nhiệm chính của phong trào Cách mạng Văn hóa.

Le Figaro cho biết, khác xa với hình ảnh một bà nội trợ đảm đang mà người ta thường thấy. Bà Cốc Khai Lai là một trong những vị phu nhân hiếm hoi của các nhà lãnh đạo Trung Quốc chịu núp sau cái bóng của người chồng đầy quyền uy. Bà đã lột bỏ chiếc áo luật gia từ hơn mười năm nay để mở rộng đường cho những tham vọng chính trị của chồng. Bà cũng muốn theo dõi chuyện học hành của cậu quý tử, đứa con độc nhất của đôi vợ chồng, sắp sửa lên đường đi du học tại một trường danh tiếng « đại học Havard ». Thế nhưng, bà vẫn giữ một chân trong các phi vụ kinh doanh, với người bạn Anh quốc, Neil Heywood, hay với kiến trúc sư người Pháp Patrick Devillers, từng ở Đại Liên trong những năm 1990.

Nhờ các vụ mua bán và chuyển nhượng địa ốc tại Luân Đôn, bà Cốc đã tạo cho mình một chút gia sản nhỏ, trị giá khoảng 100 triệu euro, thậm chí là còn hơn nữa, theo như nhật báo Yomiuri.

Trang phục rất theo mốt, nhã nhặn với khách mời và giỏi tiếng Anh, nhưng Cốc Khai Lai cũng là một người phụ nữ đáng sợ. Bà tỏ ra cáu gắt khi có một bài viết gây nguy hiểm cho một trong những người bạn của bà. Theo một nhà báo từng bị kết án tù 6 năm vì đã dám viết bài về sự tham nhũng của Bạc Hy Lai và hiện đang sống tị nạn tại Canada, « bà Cốc Khai Lai biết điều khiển mọi người để đạt được chính xác những gì bà ta muốn ».

Dù là nàng tiên cá hay rồng, tính cách của Cốc Khai Lai còn phức tạp hơn như những gì đã được biết đến. Tòa án Trung Quốc đã phác họa chân dung của bà như là một người phụ nữ yếu ớt, có « vấn đề về tâm lý ». Le Figaro cho rằng, có lẽ cũng nên nghĩ đến những đau khổ mà bà đã gánh chịu từ thời thơ ấu.

Xuất thân là một « công nương đỏ », con gái của một vị tướng trong Quân đội giải phóng Nhân dân, lúc 7 tuổi, bà Cốc đã chứng kiến cảnh cha mẹ mình bị ném vào lao ngục và bốn người chị bị đưa đi trại cải tạo trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Làm đủ nghề để sinh sống, từ người bán thịt, chơi đàn luýt và công nhân xây dựng, bà sống lây lất cho đến khi được xếp vào hàng ngũ những khóa thanh niên có bằng luật học đầu tiên vào năm 1980.

Le Figaro kết luận, dĩ nhiên quá khứ đó đã dạy cho bà Cốc hiểu rằng chuyện gió đổi chiều nhanh chóng cũng là lẽ thường tình.

Một vụ án làm lộ rõ sự đồi bại của cả hệ thống

« Một vụ án làm lộ rõ sự đồi bại của hệ thống » là nhận định và cũng là tựa đề bài viết số ba của Le Figaro. Theo thông tín viên Arnaud de la Grange, vụ án Bạc Hy Lai không những không tạo chút ấn tượng đẹp nào ở người dân về việc truy quét và sạch hóa hàng ngũ Đảng viên đã được thực hiện nhanh chóng, mà nó còn làm cho nỗi ngờ vực giữa người dân và đảng viên ngày càng bị đào sâu thêm.

Theo Le Figaro, cách xử lý khôn khéo vụ tai tiếng chính trị lớn nhất lần này chỉ nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại. Mặc dù chính quyền đã ra sức kiểm duyệt chặt chẽ và giữ kín vụ việc, nhưng vụ án Bạc Hy Lai cũng đã làm cho cả nước căng thẳng theo dõi. Bởi vì, từ rất lâu, đây là lần đầu tiên, đấu đá bè phái và chuyện « thâm cung bí sử » bị phơi bày thô bạo trước ánh sáng công chúng.

Tác động của vụ án mạnh đến nỗi Bạc Hy Lai buộc phải phá lệ, tìm kiếm cho mình một tính hợp pháp bên cạnh quần chúng cũng như là ở bộ máy. Qua việc thanh trừ Bạc Hy Lai và trừng phạt Cốc Khai Lai, chính quyền Trung Quốc muốn chứng tỏ là ngay cả những người quyền thế nhất cũng không thể vượt qua các quy định và đạo đức.

Nhưng Le Figaro cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã thất bại. Người dân Trung Quốc đã nhận thấy rằng tình trạng không bị trừng phạt đã kéo dài từ lâu tại một quốc gia mà ai cũng biết đến. Cách điều hành của phe Bạc Hy Lai mang dáng dấp của một tiểu hệ thống trong cả hệ thống cộng sản hiện nay. Gia đình trị, vượt quá quyền hạn, cả họ làm giàu, tiền gởi ở nước ngoài, tất cả những mặt đó hầu như đã được chia đều trong giới quý tộc đỏ.

Nếu như Bạc Hy Lai và vợ ông ta có thể bẻ cong luật pháp, chính bởi vì chế độ đã không dung thứ cho bất kỳ sự phản đối nào. Việc Bạc Hy Lai đe dọa hay tống ngục các nhà báo và luật sư cũng là chuyện thường thấy. Người Trung Quốc không quên chuyện một bộ phận các lãnh đạo Trung Quốc đã khen ngợi chiến dịch chống tội phạm và những kẻ suy đồi đạo đức.

Le Figaro nhận xét, vụ xử Bạc Hy Lai khó có thể nào gây được cảm tình đẹp nơi dân chúng. Nó sẽ còn làm cho mối nghi ngờ giữa dân và các lãnh đạo càng thêm sâu thẳm.

Châu Á : Thiên đường cho các sòng bạc ?

Không phải bất cứ lãnh vực nào cũng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, ngoại trừ ngành cờ bạc. Tại châu Âu, các sòng bạc có mức tăng trưởng tỷ lệ nghịch với tăng trưởng kinh tế (tăng 6%, trong khi tăng trưởng kinh tế đang tiến dần về số 0). Mặc dù vậy, trung tâm của ngành trò chơi may rủi này đang có xu hướng chuyển dịch dần về phía châu Á, khiến cho khu vực này trở thành trung tâm sòng bạc hàng đầu trên thế giới, vượt qua mặt cả Hoa Kỳ và Châu Âu trong năm 2012 này. Về chủ đề này, phụ san kinh tế tờ Le Figaro có bài viết giải thích đề tựa « Các sòng bạc dịch chuyển về châu Á ».

Các con bạc châu Á tiêu tiền nhiều hơn con bạc Mỹ và châu Âu (một người châu Á chi gấp 6 lần một người Mỹ). Họ thích đánh bạc (trò chơi cò quay, black jack, ném xúc xắc …) hơn là các máy đánh xu. Đứng đầu danh sách thiên đường sòng bạc châu Á là Macao, vùng lãnh thổ duy nhất tại Trung Quốc cho phép các các hoạt động sòng bạc, là đầu tàu tăng trưởng cho cả châu lục với 35 cơ sở. Nhờ biết kết hợp hoạt động sòng bạc với mua sắm, Ma Cao trở thành điểm shopping hạng sang, chủ yếu thu hút các khách hàng Trung Quốc giàu có đến từ các vùng duyên hải. Thu nhập hàng năm của Macao bằng cả Las Vegas và Atlantic City gộp lại.

Dĩ nhiên, miếng bánh ngon không thể nào chỉ để một mình Macao hưởng. Singapore, Philippines và Việt Nam cũng muốn được chia phần. Từ hai năm nay, các quốc gia này đua nhau xây dựng các khu liên hợp sang trọng có cả sòng bạc, khách sạn, nhà hàng, trung tâm hội nghị và cửa hàng cao cấp.

Nếu như các cơ sở sòng bạc vẫn duy trì thế độc tôn của mình, thì các trò đánh bạc qua mạng internet cũng tăng trưởng với tốc độ nhanh, nhất là tại Nhật Bản (do cá cược thể thao và đánh bài qua mạng được chính phủ cho phép) và Hàn Quốc. Tại hai quốc gia này, thu nhập của các ngành sòng bạc tăng 15%/năm nhờ các trò đánh bạc trên các điện thoại thông minh.

Pháp : Giá cả tăng, sinh viên lãnh đòn

« Sinh viên nghèo nhanh gấp hai lần so với bộ phận dân chúng còn lại tại Pháp » là kết luận của bản điều tra về chi phí sinh hoạt do các nghiệp đoàn sinh viên Pháp thực hiện. Mặt khác, bản điều tra cũng nêu rõ, trong khi vật giá tăng vù vù, sinh viên vẫn là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất, được hưởng tiền bảo trợ xã hội thấp nhất. Đề tài này được nhật báo Công giáo La Croix phản ảnh lại dưới tiêu đề « Vật giá tăng, sinh viên lãnh đòn nặng »

Theo các nghiệp đoàn, chi phí đắt đỏ là do giá nhà thuê đã tăng lên 3,7% trong năm nay (10,8% tại Paris và 2,3% tại các vùng khác) và do lạm phát ở các sản phẩm thường dùng như : thực phẩm tăng 3,2% và quần áo 4%. Ngoài ra, mức lệ phí nhập học cũng tăng lên đến 50% trong vòng 10 năm, trong khi đó, trong cùng thời điểm, mức bảo trợ xã hội chỉ tăng có 23%.

Mặt khác, điều tra cũng cho thấy là chỉ có khoảng 20% trên tổng số sinh viên là được hưởng học bổng đại học. Vì là sinh viên, nên họ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp và do chưa đến 25 tuổi, họ cũng không được hưởng tiền trợ cấp xã hội RSA.

Hậu quả là tại Pháp ngày càng có nhiều sinh viên đi làm hưởng lương. Tỷ lệ sinh viên này đã tăng vọt từ 48% vào năm 2006 lên 73% vào năm 2012. « Điều này đã làm cho rủi ro thất bại của một sinh viên đi làm hưởng lương cao gấp đôi so với một sinh viên không đi làm », theo như lời khẳng định của người đứng đầu một nghiệp đoàn sinh viên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.