Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Bắc Triều Tiên: Cải cách kinh tế dưới sức ép của Trung Quốc

Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il qua đời vào cuối năm ngoái, con trai út của ông đã lên kế vị để lèo lái một đất nước Bắc Triều Tiên nghèo nàn và kém phát triển. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo mới Kim Jong Un sẽ mang lại làn gió mới cho đất nước, nhất là sẽ tiến hành mở cửa kinh tế rộng rãi hơn so với thời của cha mình. Nhật báo điện tử Ohmynews tại Seoul Hàn Quốc có bài nhận định về chủ đề này, được Courrier International trích dẫn vời dòng tựa : “Tại Bắc Triều Tiên : Kinh tế thị trường không còn là một từ bị cho là bậy bạ ”.

Kim Jong Un (phải) và Vương Gia Thụy (trái), trưởng ban quốc tế Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp gỡ tại Bình Nhưỡng ngày 02/08/2012.
Kim Jong Un (phải) và Vương Gia Thụy (trái), trưởng ban quốc tế Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp gỡ tại Bình Nhưỡng ngày 02/08/2012. REUTERS/KCNA
Quảng cáo

Tờ báo nhìn về viễn cảnh mở cửa kinh tế của Bắc Triều Tiên qua việc nhắc lại chương trình cải cách do vị tân lãnh đạo Kim Jong Un đề xuất hôm cuối tháng Sáu rồi. Ý tưởng chính của chương trình này là: Nhà nước sẽ không áp đặt chỉ tiêu sản xuất cho các doanh nghiệp nữa, mà các doanh nghiệp sẽ được tự do tổ chức sản xuất theo ý mình, được tự chủ quyết định giá sản phẩm làm ra, nông dân thì sẽ chỉ nộp vào quỉ chung 70% lượng sản phẩm làm ra, trong khi hiện tại là 100%.

Rõ ràng đây là những bước khởi đầu của một nền kinh tế thị trường. Thế nhưng, tờ báo nêu rõ, vấn đề này không phải mới mẻ gì, mà việc cải cách kinh tế đã được ông Kim Jong Il bắt đầu tiến hành từ năm 2002, nhưng bước đi èo ọt và đã thất bại. Vì vậy, hiện tại chương trình của Kim Jong Un là tiếp bước con đường mà cha mình còn dở dang.

Tờ báo nhận định, hiện tại khó mà biết được đề xuất trên của ông Kim Jong Un chỉ là thông báo suông hay là một quyết tâm cải tổ thật sự. Tuy nhiên, một vài nhà phân tích cho rằng đó là bước lấy đà của một quá trình cải tổ kinh tế có thể sẽ được chính thức xúc tiến vào mùa thu này. Một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết, chính quyền phía Bắc đang nghiên cứu về một định hướng mới cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên.

Dù sao đi nữa thì đề xuất của ông Kim Jong Un cũng thật sự thu hút sự chú ý của quốc tế. Bởi vì sau cái chết của cha ông, thế giới ngày đêm hồi hộp trông chờ tín hiệu thật sự của nhà lãnh đạo mới cho định hướng tương lai của một đất nước được mệnh danh là khép kín nhất hành tinh. Đối với bản thân ông Kim Jong Un, vừa kế vị cha mình chẳng bao lâu, ông phải làm sao khẳng định được tính chính danh và tạo được lòng tin trong dân chúng, mà vấn đề mấu chốt cần giải quyết trước tiên trong hiện tại không phải là việc cố gắng thử tên lửa thành công, mà theo tờ báo đó là việc nâng cao mức sống của người dân.

Cải cách dưới sự giám sát của Trung Quốc

Theo tờ báo, cũng có ý kiến cho rằng Bình Nhưỡng quyết định cải cách kinh tế là vì bị Trung Quốc thúc ép. Vốn là một nước bị cô lập nhất thế giới, người bạn “sinh tử chi giao” chính của Bắc Triều Tiên là Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bắc Triều Tiên cũng là Trung Quốc. Bắc Kinh gây sức ép buộc Bình Nhưỡng mở cửa rộng rãi hơn để các nhà đầu tư Trung Quốc vào làm ăn dễ dàng hơn ở nước này. Trong bối cảnh kinh tế bao cấp nghèo nàn, trong cái thế cô lập quốc tế, Bình Nhưỡng dĩ nhiên phải nghe theo anh bạn láng giềng để không mất đi chỗ dựa cuối cùng.

Để xúc tiến việc cải tổ kinh tế dưới sự hậu thuẫn của Trung Quốc, hồi tuần rồi, nhân vật số hai của chế độ Bình Nhưỡng là ông Jang Song Teak đã dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu gồm hơn 50 quan chức đến thăm Trung Quốc, mà trong đó đa phần là quan chức phụ trách các vấn đề kinh tế.

Mục tiêu chính của chuyến thăm là bàn về hợp tác kinh tế, và một thỏa thuận chính thức đã được ký kết về việc Trung Quốc hỗ trợ Bắc Triều Tiên phát triển hai vùng đặc khu kinh tế Rason và Hwanggumpyong trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Trong đó khu Rason sẽ ưu tiên cho công nghiệp, du lịch, khu thứ hai sẽ tập trung vào công nghệ truyền thông, nông nghiệp và dệt may. Hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA còn cho biết thêm, phía Trung Quốc cũng sẽ đầu tư xây dựng cảng và cơ sở hạ tầng tại đặc khu kinh tế Rason.

Qui mô hợp tác có vẻ to tát, thế nhưng viễn cảnh hợp tác chưa biết có tươi sáng không khi mà vừa rồi nhân chuyến thăm của ông Jang Song Teak tới Bắc Kinh, báo chí Trung Quốc đã đăng tải bài viết phơi bày nhiều kiểu làm ăn không mấy đàng hoàng của phía Bắc Triều Tiên đối với các nhà đầu tư Trung Quốc khi những người này đến kinh doanh trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên.

Nga, Mỹ và Trung Quốc: Ba câu chuyện, một bản chất

Với tựa đề “Những đế chế mong manh”, bài xã luận trên tuần san Courrier International có những nhận định lý thú về ba hồ sơ: Cốc Khai Lai ở Trung Quốc, Julian Assange ở Anh quốc và ba nữ ca sĩ của ban nhạc Pussy Riot tại Nga.

Tại Trung Quốc, bà Cốc Khai Lai là vợ của ông Bạc Hy Lai, nguyên là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, một nhân vật từng được cho là nhiều khả năng vào Bộ Chính trị trong kỳ đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng Mười tới. Vừa rồi, ông bị cách chức và đang bị điều tra tham nhũng. Báo giới cho rằng đây là kết quả của cuộc thanh trừng trong nội bộ Đảng cầm quyền trước thềm chuyển giao quyền lực trong nhiệm kỳ mới.

Bà Cốc Khai Lai thì bị buộc tội là đã đầu độc một thương gia người Anh. Trước tòa, bà đã thú nhận tội lỗi. Vừa rồi, tòa đã tuyên án tử hình dành cho bà, nhưng là án tử hình treo, tức tạm hoãn thi hành trong 2 năm. Dư luận cho rằng, đây là một chiêu bài của nhà cầm quyền Trung Quốc, vì sau hai năm có thể bà sẽ được giảm án xuống còn chung thân.

Còn đối với ông chủ trang mạng WikiLeaks Julian Assange, vì sợ nhà chức trách của Anh dẫn độ về Thụy Điển để bị đưa ra xét xử tội xâm hại tình dục, ông Assange vừa qua đã chạy vào tòa đại sứ quán Ecuador tại Luân Đôn và xin tị nạn chính trị. Tổng thống Ecuador đã chấp nhận đề nghị của Assange. Quyết định này lập tức gây căng thẳng ngoại giao giữa Anh, Thụy Điển và Ecuador. Thế là, hiện tại Assange vẫn lẩn trốn trong tòa đại sứ Ecuador, cảnh sát Anh thì rình rập bên ngoài.

Tại Nga, vừa qua ba nữ ca sĩ của ban nhạc Pussy Riot đã bị tòa án tuyên phạt 2 năm cải tạo vì đã tham gia vào buổi « cầu nguyện punk » chống Putin tại một nhà thờ Chính thống Giáo ở Matxcơva. Số là hồi đầu năm, 5 phụ nữ đội mũ bịt mặt đã vào bên trong nhà thờ Chúa Cứu thế tại Matxcơva, cầu nguyện xin Đức Mẹ đồng trinh « xua đuổi Putin». Nhân viên an ninh sau đó đã tới giải tán.

Ngoài 5 phụ nữ nói trên còn một số người khác cũng tham gia như để ghi hình lại sự kiện diễn ra tại nhà thờ. Ít ngày sau, cảnh sát đã bắt giữ ba thành viên của nhóm nhạc punk gồm Nadeja Tolokonnikova, 22 tuổi, Ekaterina Samoutsevitch, 30 tuổi và Maria Alekhina, 24 tuổi. Những ca sĩ này hôm 17/8 đã bị kết án mỗi người 2 năm cải tạo vì hành vi « côn đồ » và « kích động thù hận tôn giáo ».

Như vậy rõ ràng đây là ba sự việc hoàn toàn khác nhau: vụ Cốc Khai Lai là một “vụ án thanh trừng chính trị”, vụ Assange là “vụ án gián điệp mạng”, còn vụ Pussy Riot chỉ là “chuyện đời thường”. Thế nhưng, theo tác giả, ba câu chuyện này có nhiều điểm tương đồng

Nét tương đồng thứ nhất, đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian diễn ra ba vụ án. Thứ hai, đó là cả ba vụ việc điều thu hút đặc biệt sự chú ý của dư luận quốc tế.Thứ ba, và cũng là quan trọng nhất, đó là ba câu chuyện nói trên đã để lộ điểm yếu của ba đại gia hàng đầu thế giới: Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Đối với vụ án Assange, theo tác giả, cội rễ của vấn đề là vì anh này cách đây vài năm đã cho công bố trên WikiLeaks 250.000 tài liệu ngoại giao của Mỹ, bởi vậy đã gây hận thù cho chính quyền Washington. Không phải Assange sợ bị giải về Thụy Điển để bị xét xử về tội xâm hại tình dục, mà thật ra anh sợ sẽ bị từ Thụy Điển bị dẫn độ về Mỹ, và tất nhiên ở Mỹ số phận anh ta sẽ rất mong manh. Phía Mỹ thì luôn theo dõi sát sao vụ việc này. Qua đó mới thấy rằng, ngay cả đối với nước Mỹ thì không phải sự thật nào cũng có thể được tiết lộ.

Còn vụ án Pussy Riot cũng không hề đơn giản. Nhóm phụ nữ đến hát bài phản ứng Tổng thống Putin nhưng lại chọn địa điểm là nhà thờ Chính thống giáo. Theo tác giả, bởi thế mà chính quyền Putin không thể nào chấp nhận nhìn thấy nhà thờ Chính thống giáo lại biến thành nơi chống đối chế độ, vì rằng Giáo hội Chính thống giáo vốn dĩ được xem là một cột trụ đảm bảo sự ổn định xã hội Nga thời hậu Xô Viết.

Vụ án Cốc Khai Lai thì dính đến việc thanh trừng trên chóp bu quyền lực Đảng cầm quyền. Việc mang bà ra xét xử chẳng những không thuyết phục được mọi người tin tưởng vào tính công bằng của nền tư pháp Trung Quốc, mà trái lại nó lại để hở một chi tiết quan trọng. Đó là việc tòa án không chú ý đến việc xét hỏi chồng bà là ông Bạc Hy Lai để xem ông thật sự có liên can thế nào trong vụ việc. Tác giả cho rằng, chi tiết kỳ lạ này là do giới lãnh đạo Trung Quốc muốn cố giữ cái hình ảnh đoàn kết nhứt trí trong đảng, trước thềm đại hội đảng toàn quốc. Tác giả nhắc lại, đây là một vụ xì-căng-đan chính trị nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc từ hai thập kỷ nay.

Cuba : Đổi mới kinh tế chưa đáp ứng mong mỏi của quần chúng

Từ năm rồi, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã bắt đầu xúc tiến công cuộc cải cách kinh tế theo hướng kích thích lĩnh vực tư nhân để cứu nguy cho nền kinh tế bao cấp không còn hợp thời. Thế nhưng, người dân càng hy vọng bao nhiêu thì dường như tiến độ cải cách càng diễn ra chậm chạp bấy nhiêu. Tuần san Le Nouvel Observateur có bài phân tích chủ đề này với dòng tựa khá ấn tượng « Cuba : Cải cách hoặc là chết đói ».

Tờ báo ghi nhận Cuba đã có bước tiến trong lĩnh vực lĩnh vực tư nhân, tức đã cho mở rộng lĩnh vực này, người dân đã có thể bước ra làm ăn với tư cách cá nhân. Nhiều người Cuba đã hăm hở muốn lao vào kinh doanh trong lĩnh vực tư, muốn mở doanh nghiệp tư nhân; ấy thế nhưng trên thực tế, thủ tục rườm rà, tiến trình cải cách chậm chạp. Ngân hàng thì chưa cho vay tiền, lĩnh vực tư chỉ diễn ra trong phạm vi bán lẻ, chưa xuất hiện các nhà kinh doanh sỉ. Thêm vào đó là việc thiếu thốn nguồn nguyên liệu trong nước. Lĩnh vực bất động sản thì hiện tại cầu đang vượt cung. Trong nông nghiệp, năng suất và gía cả có tăng lên, nhưng, nhà nước vẫn còn kiểm soát về mọi mặt.

Trong việc tinh giảm bộ máy hành chính, lúc đầu chính phủ tuyên bố một số lượng cắt giảm biên chế khổng lồ, rồi sau đó lại không thực hiện đầy đủ như đã hứa do sợ xảy ra bất ổn xã hội. Lĩnh vực tư nhân hiện đã sử dụng khoảng 400.000 lao động, chiếm 8% dân số trong độ tuổi lao động, tức tăng gấp đôi so với năm 2010. Như vậy, đã có nhiều người từ lĩnh vực nhà nước mở cửa hàng tư nhân mua bán, thế nhưng trong thực tế, tiền kinh doanh chỉ đủ để trả tiền thuê mặt bằng và tiền thuế.

Trong bối cảnh đó, người Cuba tỏ ra nghi ngờ khả năng tiến hành cải cách của Chủ tịch Raul Castro. Họ lo sợ sẽ tái diễn kịch bản của những năm 1990, khi ấy ông Fidel Castro cũng ra lệnh tự do kinh tế, nhưng sau đó lại đóng cửa « một cách thô bạo ». Còn theo nhận định của Le Nouvel Oberservateur thì tình hình tại Cuba hiện tại có thể tóm lược như sau : chỉ cho phép kinh doanh tư nhân nhỏ lẻ chứ chưa cho phép những nhà kinh doanh sỉ, chỉ cho phép mở các cơ sở sửa chữa xe hơi mà chưa cho phép nhập khẩu phụ tùng, chấp nhận sản xuất nông nghiệp tư nhân nhưng phải dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Nhìn về tương lai sắp tới, tờ báo dẫn lại nhận định của một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chính phủ Cuba không tiếp tục mở rộng phạm vi tư nhân hóa nền kinh tế thì mục tiêu lĩnh vực kinh tế tư nhân chiếm từ 35% đến 40% tỉ trọng nền kinh tế quốc gia vào năm 2015 sẽ khó lòng mà đạt được. Theo các chuyên gia này, kinh tế Cuba hiện tại vẫn là một nền kinh tế tập trung theo kiểu Liên Xô trước đây. Tuy vậy, không phải tất cả đều u ám như nhận định của một nhà kinh tế cho rằng, Cuba buộc phải bước ra khỏi mô hình kinh tế bao cấp, nhưng sẽ bước đi một cách « tuần tự nhi tiến », bởi lẽ như lời nhận định của một giám đốc doanh nghiệp nhà nước tại Cuba : « Hoặc là cải cách, hoặc là chết đói ».

Thế giới phân vân giữa cái lợi và hại của ma túy

Ma túy gây hại cho con người, điều đó đã rõ rồi, nhưng ma túy cũng có thể có lợi cho con người trong trường hợp nó được sử dụng để giảm bớt đau đớn cho các bệnh nhân ung thư hay AIDS ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên các quốc gia trên thế giới hiện tại vẫn còn có vẻ chơi vơi giữa hai bờ lợi hại của ma túy, dẫn đến tình trạng việc sử dụng ma túy trong mục đích y học được mỗi nước làm một kiểu. Phản ánh sự việc này, tuần san Le Monde có bài chạy tựa : « Các liệu pháp chăm sóc tạm thời (bằng ma túy) ít được tiếp cận ở các nước nghèo ».

Tờ báo cho biết, hiện trên thế giới có đến hàng chục triệu bệnh nhân không được tiếp cận thuốc giảm đau. Theo số liệu của tổ chức Human Rights Watch (HRW) công bố hồi giữa năm ngoái, có 60% bệnh nhân chết mỗi năm ở các nước thu nhập thấp và trung bình cần dùng thuốc giảm đau, tức khoảng 33 triệu người, trong đó có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh ung thư hoặc AIDS giai đoạn cuối không được điều trị giảm đau đúng mức.

Nguyên nhân trước tiên đến từ Công ước về ma túy của Liên Hiệp Quốc thông qua hồi năm 1961 theo đó : « Việc sử dụng ma túy trong mục đích y học là cần thiết để giảm đau…Phải có biện pháp phù hợp để đảm bảo có ma túy dùng cho mục đích này ». Thế nhưng, công ước cũng nêu rõ : « Nghiện ma túy là một thảm họa cho mỗi cá nhân, là một mối nguy hại về kinh tế và xã hội cho nhân loại ».

Từ đó, một nhiệm vụ kép là làm sao có thể phòng chống nghiện ma túy, vừa phải đảm bảo có đủ ma túy cho liệu pháp giảm đau đã đè nặng lên các quốc gia. Và thực tế cho thấy, cuộc chiến chống ma túy đã thắng thế trước việc cần thiết có ma túy để giảm đau cho các bệnh nhân. Một chuyên gia nhận định : « Trong khuôn khổ cuộc chiến chống ma túy, các nước đã tạo ra nhiều luật lệ, vô tình gây cản trở cho cuộc chiến chống đau đớn ở các bệnh nhân, và thế là các bệnh nhân bỗng trở thành những nạn nhân không ai để ý ».

Theo Human Rights Watch, ở 35 quốc gia trên thế giới, chỉ có 1% bệnh nhân ung thư hoặc AIDS bị đau đớn được điều trị giảm đau đúng như yêu cầu. Phần lớn trong số này là ở những nước thuộc Châu Phi nam Sahara, số còn lại nằm rải rác ở Châu Á, Trung Đông, Bắc Phi và Trung Mỹ. Sự chênh lệch vùng lãnh thổ trong việc sử dụng ma túy giảm đau cũng rất lớn. Như việc sử dụng chất Morphine cho mục đích y tế, vùng Bắc Mỹ và Châu Âu chiếm đến 90% lượng Morphine được dùng trên thế giới, còn các nước có thu nhập thấp và trung bình chỉ chiếm có 6%. Trong khi  ở những nước này lại chiếm đến 50% lượng người bị ung thư và 90% lượng người nhiễm HIV trên thế giới.

Thế mới thấy, ma túy có thể hại người cũng có thể giúp người, cân bằng được hai mặt này một cách thỏa đáng thật không dễ chút nào. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.