Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

Tokyo phản đối vụ xe đại sứ Nhật tại Bắc Kinh bị tấn công

Vào lúc quan hệ Tokyo- Bắc Kinh thêm căng thẳng về vấn đề chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hàng chục các cuộc biểu tình bài Nhật liên tục diễn ra trong hai tuần qua, chiều ngày 27/08/2012 xe chở đại sứ Uichiro Niwa bị cướp cờ. Đại sứ Nhật không bị thương.

Biểu tình chống Nhật trước đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh, ngày 19/08/2012.
Biểu tình chống Nhật trước đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh, ngày 19/08/2012. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản cùng tuyên bố có chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo « phản đối mạnh mẽ » việc xe đại sứ Nhật bị cướp cờ và yêu cầu Bắc Kinh có biện pháp để tránh những hành động tương tự tái diễn. Ngoại trưởng Nhật coi đây là một sự cố « rất đáng tiếc »và cho rằng đã đến lúc đôi bên cần trao đổi về « quan hệ song phương, về tình hình chung tại khu vực ». Bắc Kinh cam kết cho điều tra « nghiêm túc » về sự cố vừa qua.

Trên nguyên tắc chiều nay Thứ trưởng Nhật sẽ đến Bắc Kinh, trao một bức thư của Thủ tướng Yoshihiko Noda gửi đến Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Nội dung bức thư không được công bố. Thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh, Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :

« Vào khoảng 4 giờ chiều ngày hôm qua, xe của đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh đã bị hai chiếc ô tô khác chận lại. Một người đàn ông xé cờ Nhật trên chiếc xe của đại sứ Uichiro Niwa và đã chạy thoát ngay sau đó

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một thông cáo cho biết sẽ « điều tra nghiêm túc » về vụ tấn công vừa qua đồng thời nhấn mạnh là Bắc Kinh luôn « tuân thủ đúng Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao, bảo vệ an toàn của các sứ quán và nhân viên ngoại giao ».

Sự cố diễn ra vào lúc quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh thêm căng thẳng : trong những ngày vừa qua một số các thành phần dân tộc chủ nghĩa đã xuống đường biểu tình, khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Điếu Ngư mà người Nhật gọi là quần đảo Senkaku. Khoảng 5 ngàn người đã tuần hành trên đường phố Thẩm Quyến, 3 ngàn ở Hàng Châu và khoảng một ngàn người tại Đông Hoàn, thuộc tỉnh Quảng Đông. Nhiều hành vi bài Nhật cũng đã liên tục xảy ra. Một nữ diễn viên Trung Quốc bị chụp mũ là ‘phản bội’ chỉ vì tuyên bố trên mạng cô thích ăn sushi. Xã luận của tờ báo Nhật Yomiuri Shimbun chỉ trích Bắc Kinh ngầm khuyến khich các cuộc biểu tình bài Nhật. Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc dường như có vẻ lo ngại trước nguy cơ các cuộc xuống đường vượt quá tầm kiểm soát. Tại Đông Hoàn chẳng hạn, hôm Chủ nhật vừa qua, cảnh sát chống bạo động đã phải can thiệp, để giải tán nguời biểu tình. Hơn 20 000 bức điện thư kêu gọi tham gia đã được phát tán trên mạng internet.

Trước Đại hội đảng, giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn tránh để xảy ra mọi cuộc biểu dương lực lượng có thểm làm xấu đi hình ảnh ‘một xã hội hài hòa’ mà ông Hồ Cầm Đảo đã vạch ra. Bản thân tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, số đề ngày 24/08/2012 cũng đã tìm cách xoa dịu dư luận khi nhắc lại ‘từ thập niên 30 thế kỷ trước, chính nhờ tín dụng của Nhật Bản mà Trung Quốc đã xây dựng được nhiều sân bay hải cảng, đường sắt, xưởng thép và nhiều trung tâm điện lực’

Một tờ báo khác số đề ngày hôm nay (28/08/2012) thì coi việc tấn công xe đại sứ Nhật Bản là một việc làm ‘ngu xuẩn’. Trước mắt luận điểm của các tờ báo chính thức Trung Quốc chưa xoa dịu được tinh thần bài Nhật của người dân. Một ông tài xế tắc-xi quan niệm là ‘chính quyền Bắc Kinh quá mềm yếu’ trên vấn đề chủ quyền trên biển ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.