Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Trung Quốc kẹt giữa chiến thuật cương nhu của Hoa Kỳ

Ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh với hồ sơ biển Đông trên tay. Thái độ lạnh nhạt và tiêu cực của báo chí Hoa lục phản ánh sự lo ngại của đảng Cộng sản Trung Quốc. Cảm thấy bị Hoa Kỳ siết chặt gọng kềm nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên Bắc Kinh biết mình không thể lợi dụng bầu cử tại Mỹ để thoát vòng vây bằng chiến thuật cổ điển phân hóa hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa. 

Obama trên Vạn Lý Trường Thành trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11/2009.
Obama trên Vạn Lý Trường Thành trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11/2009. REUTERS
Quảng cáo

Vào lúc ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm viếng Trung Quốc trong hai ngày mùng 4 và 5 tháng 9 thì tại Hoa Kỳ, đảng Dân Chủ khai mạc đại hội chính thức đánh dấu cuộc vận động tranh cử nhiệm kỳ hai của đương kim tổng thống Obama.

Được đèn xanh của đảng Cộng sản Trung Quốc, báo chí Hoa lục sử dụng lời lẽ mạnh mẽ nhất để công kích chủ nhân Nhà Trắng sắp hết nhiệm kỳ thứ nhất như là một kẻ thích gây hấn. Nào là « chính quyền Obama có vẽ như tìm cách khiêu khích Trung Quốc » nào là « ngoại trưởng Hillary Clinton tìm cách liên kết các quốc gia Đông Nam Á vào một mặt trận chung và vững chắc hơn để đối đầu với Trung Quốc ».

Chuyến công du 10 ngày của ngoại trưởng Mỹ được Bắc Kinh diễn giải như là một hành động ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc đang gây căng thẳng trong khu vực có nhiều biển đảo đang bị Bắc Kinh tranh giành. Vấn đề của đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay là không thể lợi dụng bầu cử tại Mỹ để gây sức ép với Tổng thống Obama, hay cản trở chiến lược tái định vị của quân lực Mỹ tại Thái Bình dương.

Đúng là « yếu tố » Trung Quốc là một trong những chủ đề gây tranh cãi giữa hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ trong mùa bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, Trung Quốc bị bó tay không thể khai thác hay tìm cách « phân hóa » kẻ thù để làm « ngư ông đắc lợi ». Thứ nhất là trong quan hệ Mỹ- Trung không có « quan hệ đảng với đảng ». Thứ hai là lập trường của đảng Cộng Hòa còn mạnh mẽ hơn đảng Dân Chủ và đã xem«xung đột Mỹ -Trung đã diễn ra mà không bên nào lên tiếng ».

Chính sách tăng cường hiện diện quân sự song song với chiến lược mở rộng hợp tác kinh tế qua dự án Tự do Thương mại xuyên Thái Bình dương (TPP) do Hoa Kỳ chủ xướng được tất cả các quốc gia trong khu vực, ngay cả Việt Nam trong vị thế khá tế nhị, hoan nghênh. Chỉ có Trung Quốc lo ngại nhưng giới lãnh đạo Bắc Kinh có sự chọn lựa nào khác « tốt hơn » hay không ? Có hy vọng được Mitt Romney, nếu ứng cử viên đảng Cộng Hòa chiến thắng, đối xử mềm mỏng hơn hay không ?

Trong sáu tháng qua, ông Mitt Romney đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Obama thiếu cứng rắn với Bắc Kinh trong các hồ sơ vi phạm nhân quyền, đánh cấp phát minh hay bí quyết công nghiệp của nước ngoài và thao túng tỷ lệ hối đoái trợ giá xuất khẩu bất chính. Ứng cử viên đảng Cộng Hòa cam kết là nếu đắc cử, ông sẽ không cho « tên bạo chúa giàu có biến thế kỷ 21 thành thế kỷ của Trung Quốc ».

Về quân sự, Mitt Romney cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng, bán cho Đài Loan vũ khí hiện đại nhất. Về thương mại, ông sẽ có biện pháp trã đũa buộc Trung Quốc phải chấp nhận quy luật có qua có lại, sẽ bị trừng phạt nếu vẫn tiếp tục thao túng tỷ lệ hối đoái.

Theo giới phân tích Mỹ, chính sách Trung Quốc của chính phủ Obama, phối hợp áp lực quân sự, ngoại giao, thương mại, hiện nay đang « đi đúng hướng » và ngay nhiều người thân cận của ứng cử viên Mitt Romney, nhìn nhận bà Hillary Clinton có công rất lớn. Trong vòng công du, bà đã hơn một lần nhấn mạnh đến nhu cầu « hợp tác rộng lớn và tích cực » với Trung Quốc. Tuy báo chí Hoa Lục lên án Washington muốn « bao vây » Trung Quốc nhưng thứ trưởng ngoại giao Thôi Thiên Khải tỏ thái độ hòa giải. Ông nói là Trung Quốc chỉ muốn « làm việc chung với các nước để phát triển lâu dài ».

Có lẽ đây cũng là mục tiêu chiến lược xuyên suốt của Mỹ. Từ bao thập niên nay, Hoa Kỳ đã mở cửa thị trường, đã nhập khẩu hàng Trung Quốc đến mức thâm thủng cán cân thương mại, đã đón tiếp sinh viên Trung Quốc kể cả con em giới lãnh đạo với hy vọng Trung Quốc trở thành một cường quốc phồn vinh và « bình thường », điều kiện để « hợp tác bền vững ».

Cường quốc bình thường tức là bên trong phải tôn trọng dân chủ, dân quyền, bên ngoài không ức hiếp láng giềng, không cạnh tranh bất chính. Ngày nào Trung Quốc chưa thỏa điều kiện này, Bắc kinh còn bị áp lực cương nhu của Mỹ dù là Nhà Trắng nằm trong tay Cộng Hòa hay Dân Chủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.