Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Bình Nhưỡng triệu tập họp Quốc hội để thông qua chính sách kinh tế

Theo AFP, hôm nay 05/09/2012, Bắc Triều Tiên thông báo triệu tập kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng này để thông qua các quyết sách tăng cường hợp tác kinh tế với nước láng giềng Trung Quốc, một đối tác thương mại và cũng là nhà tài trợ chủ yếu của chế độ Bình Nhưỡng.

Quốc hội Bắc Triều Tiên sẽ khai mạc kỳ họp ngày 25/09/2012 (Reuters)
Quốc hội Bắc Triều Tiên sẽ khai mạc kỳ họp ngày 25/09/2012 (Reuters)
Quảng cáo

Thông tấn xã chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA, loan báo, Quốc hội nước này sẽ khai mạc kỳ họp tới vào ngày 25/09/2012. Quốc hội Bắc Triều Tiên chỉ là nơi để thông qua lấy lệ các quyết định của đảng Lao động nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Kim Jong Un.

Thông thường cơ quan lập pháp này họp mỗi năm 2 kỳ để bỏ phiếu thông qua ngân sách, chỉ định lãnh đạo các cơ quan cao cấp của chính quyền hoặc các quyết sách mới của đảng.

Theo giáo sư Yang Moo-Jin chuyên nghiên cứu về Bắc Triều Tiên thuộc đại học Seoul, trong kỳ họp này, Quốc hội Bắc Triều Tiên sẽ phải thông qua một số bộ luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các thỏa thuận phát triển kinh tế mới được ký giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Tháng trước, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đã ký thỏa thuận xây dựng hai đặc khu kinh tế hỗn hợp tại vùng biên giới hai nước. Bình Nhưỡng hy vọng Trung Quốc sẽ cung cấp điện và đầu tư vào hai khu kinh tế này.

Trong khi đó, một thông tin khác không mấy tốt đẹp liên quan đến quan hệ kinh tế giữa hai nước. Hôm nay 05/09/2012, Bắc Triều Tiên đã phản ứng gay gắt trước những chỉ trích tập đoàn Tây Dương chuyên khai thác mỏ và luyện kim của Trung Quốc về môi trường đầu tư của Bắc Triều Tiên. Trong một thông cáo được đăng trên trang web của mình, tập đoàn Tây Dương đã đánh giá việc làm ăn với Bình Nhưỡng là một « cơn ác mộng ».

Tập đoàn khai thác mỏ Trung Quốc có  dự án liên doanh khai thác mỏ sắt tại Bắc Triều Tiên và đã đầu tư vào đó 37 triệu đô la Mỹ. Dự án bị chính quyền cho ngừng lại sau khi khi phía Bắc Triều Tiên yêu cầu sửa đổi phần lớn các điều khoản trong thỏa thuận ban đầu.

Lãnh đạo của Tây Dương đã khẳng định lấy làm tiếc đã đầu tư vào Bắc Triều Tiên theo chính sách khuyến khích đầu tư của Bắc Kinh vì mục đích địa chính trị. Tổng giám đốc của Tây Dương nói : "Không chỉ chúng tôi mà tất cả các công ty đầu tư vào Bắc Triều Tiên đều không có được điều kiện cần thiết dành cho đầu tư nước ngoài".

Đáp lại, thông tấn xã KCNA ra thông cáo khẳng định thất bại của dự án thuộc về tập đoàn Trung Quốc. Theo Ủy ban quản lý các công ty liên doanh và đầu tư của Bình Nhưỡng, sau 4 năm ký hợp đồng tập đoàn « Tây Dương mới chỉ thực hiện được 50% tiến độ đầu tư theo cam kết ».

Bắc Triều Tiên đang cố gắng gia tăng quan hệ kinh tế với người láng giềng đồng minh để vực dậy nền kinh tế đang hấp hối của đất nước. Những chỉ trích lẫn nhau hiếm khi xảy ra như thế này có thể ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế song phương mà trong đó Bình Nhưỡng đang ngày càng phụ thuộc và Bắc Kinh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.