Vào nội dung chính
APEC

Thượng đỉnh APEC khai mạc trong mối rạn nứt vì tranh chấp biển đảo

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương khai mạc hôm nay 08/09/2012 tại Vladivostok, miền viễn đông của Nga dưới sự chủ tọa của Tổng thống Putin. 21 quốc gia thành viên được kêu gọi « đoàn kết » đối phó với thách thức kinh tế. Tuy nhiên xung khắc chủ quyền biển đảo trở thành chủ đề gây bất đồng.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn APEC tại ​Vladivostok (RFI)
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn APEC tại ​Vladivostok (RFI)
Quảng cáo

Trong bài diễn văn khai mạc, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi « tháo bỏ hết rào cản, thúc đẩy phát triển khu vực Châu Á Thái Bình dương và toàn thế giới, xây thêm cầu thông thương thay vì dựng tường bảo hộ ». Tuy nhiên, theo AFP, tranh chấp biển đảo giữa một số nước thành viên, giữa Trung Quốc và Việt Nam, Philippines, giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã đưa vấn đề an ninh lên hàng trọng yếu.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố là « duy trì hòa bình và ổn định là trách nhiệm của tất cả mọi thành viên ». Tuy nhiên, lối hành xử theo chiến thuật gậm nhấm của Trung Quốc đã được thể hiện qua lời « kêu gọi » của lãnh đạo Hồ Cẩm Đào trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang.

Theo bản tin của China Daily, ấn bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi ông Trương Tấn Sang là « hai bên cần phải giữ thái độ tự kềm chế, tránh hành động đơn phương làm tình hình phức tạp thêm hay quốc tế hóa tranh chấp gây cản trở cho hợp tác và phát triển kinh tế khu vực ».

Còn theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ thì hai ông Hồ Cẩm Đào và Trương Tấn Sang « nhất trí về nhiều phương hướng lớn…. nhất là tăng cường hoạt động giao lưu giữa nhân dân nhất là giới trẻ hai nước về tình hữu nghị, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế ». Cũng theo báo chí Việt Nam, Chủ tịch Trương Tấn Sang có nhấn mạnh đến nhu cầu « nghiêm túc » giải quyết tranh chấp bằng « đàm phán » dựa theo Luật biển 1982 và phải đi đến « Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông ».

Về phần Hoa Kỳ, tại hội nghị Vladivostok, ngoại trưởng Hillary Clinton, một lần nữa, nhấn mạnh đến nhu cầu « ổn định » tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, nơi mà chính sách tăng cường quân sự của Bắc Kinh đang làm các láng giềng lo ngại.

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố « là sau một thời gian dài dụng tâm, dụng sức ở các khu vực và ở những vùng xung đột khác, giờ đây, Hoa Kỳ gia tăng đầu tư một cách dồi dào tại châu Á Thái Bình Dương ». Ngoại trưởng Mỹ giải thích là Hoa Kỳ đang phối hợp với nhiều quốc gia khác để xây dựng « một trật tự khu vực ổn định, công bằng và có ích lợi cho tất cả ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.