Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Úc-Singapore kêu gọi giảm căng thẳng ở Biển Đông

Ngày 10/09/2012, Úc và Singapore ra một tuyên bố chung, kêu gọi giảm căng thẳng tại Biển Đông và cảnh báo : các tranh chấp chủ quyền tại khu vực này có thể cản trở nền hòa bình và các tiến bộ kinh tế đạt được trong nhiều thập niên vừa qua tại Châu Á.  

Trung Quốc bị người biểu tình Việt Nam xem là cướp biển. Ảnh chụp cuộc biểu tình gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 3/7/11, phản đối các hành động gây hấn của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Trung Quốc bị người biểu tình Việt Nam xem là cướp biển. Ảnh chụp cuộc biểu tình gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 3/7/11, phản đối các hành động gây hấn của Bắc Kinh tại Biển Đông. Reuters
Quảng cáo

Ngoại trưởng Úc Bob Carr và người đồng nhiệm Singapore K. Shanmugam kêu gọi một giải pháp hòa bình và căn cứ trên luật pháp quốc tế cho các tranh chấp chủ quyền ở vùng biển Đông Nam Á. Sau hội nghị liên bộ trưởng Úc-Singapore lần thứ 7 vừa diễn ra tại Canberra, ngoại trưởng Úc tuyên bố với các nhà báo : « Cả Úc và Singapore đều muốn thấy căng thẳng tại khu vực này giảm bớt. (…) Chúng tôi muốn thấy, các thành quả kinh tế lớn lao tại Châu Á, tại Đông Nam Á, đặc biệt trong 40 năm gần đây, sẽ không bị gián đoạn » do các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Trong tuyên bố chung của bộ ngoại giao hai nước có đoạn : “Về Biển Đông, Úc và Singapore khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền, nhưng Úc và Singapore có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải tại vùng biển này ».

Ngoại trưởng K. Shanmugam nói, Singapore đã được giới chức Trung Quốc thông báo về lập trường của Bắc Kinh trong cuộc hội kiến song phương hồi tuần trước tại Trung Quốc, Singapore « hiểu rõ » quan điểm của Trung Quốc và đã chia sẻ điều này với phía Úc. Theo ngoại trưởng Bob Carr, giới chức Úc đánh giá các trao đổi của Singapore là « rất hữu ích » và khẳng định, cả hai nước có lợi ích lớn trong việc bảo đảm một giải pháp hòa bình trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Úc nói, Úc sẽ tiếp tục thảo luận với các bên liên quan về vấn đề này. 

Trung Quốc có yêu sách chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, một khu vực giàu khoáng sản và hải sản, đồng thời là một trong số những đường giao thông trên biển tấp nập nhất thế giới. Căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines lên cao trong năm nay. Bắc Kinh bị cáo buộc tiến hành một loạt hành động gây hấn nhằm khẳng định các yêu sách của họ trên gần như toàn bộ con đường biển chiến lược này. Một nửa vận chuyển hàng hóa của Úc và Singapore là đi qua ngả Biển Đông.

Vào đầu tháng này, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố với lãnh đạo Trung Quốc rằng, việc ra được một bộ luật ứng xử tại Biển Đông là « có lợi cho tất cả ». Ngoại trưởng Hoa Kỳ hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ hợp tác với Asean để thông qua một bộ luật ứng xử như vậy, nhằm giải quyết các tranh chấp và cổ vũ các nước Đông Nam Á đoàn kết trong vấn đề này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.