Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHẬT BẢN

Tàu hải giám Trung Quốc giương oai tại Điếu Ngư / Senkaku

Sáu chiếc tàu hải giám của Trung Quốc hôm nay 14/09/2012, trong nhiều tiếng đồng hồ, đã tiến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản quản lý. Hành động giương oai diễu võ này của Bắc Kinh nhằm nhấn mạnh yêu sách chủ quyền tại đây.

Tàu tuần duyên Nhật Bản (P) bám sát tàu hải giám Trung Quốc số 51 trong khu vực gần đảo Uotsuri, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, 14/09/2012
Tàu tuần duyên Nhật Bản (P) bám sát tàu hải giám Trung Quốc số 51 trong khu vực gần đảo Uotsuri, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, 14/09/2012 REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rõ : « Hai đoàn tàu hải giám Trung Quốc đã đến vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư và các đảo kế cận (…) để bắt đầu tuần tra và buộc tôn trọng luật pháp. Các hoạt động này nhằm chứng tỏ chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo, và bảo vệ các lợi ích hàng hải ».

Điếu Ngư là tên Trung Quốc đặt cho quần đảo không người ở, nhưng có thể có tiềm năng dầu khí, mà Nhật Bản gọi là Senkaku. Quần đảo này nằm cách đảo Okinawa của Nhật 400 km về phía nam, và cách Đài Loan 200 km theo hướng đông bắc.

Đối với Tokyo, đây là một sự kiện « chưa có tiền lệ ». Chính quyền Nhật Bản đã lập tức triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo, ông Trình Vĩnh Hoa, để phản đối, và ông này đã nhân thể nhắc lại yêu sách của Bắc Kinh. Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đã cho thành lập một nhóm công tác đặc biệt để xử lý khủng hoảng, và cảnh báo rằng chính phủ Nhật sẽ « giám sát các tàu hải giám bằng mọi cách ».

Sáng sớm hôm nay, lực lượng tuần duyên Nhật đã thông báo có sáu tàu hải giám Trung Quốc tiến vào lãnh hải Nhật Bản, chỉ cách một trong năm hòn đảo của quần đảo 22 km. Ngay lập tức, các tàu tuần tra Nhật đã thông báo cho các tàu này là họ phải rời ngay vùng lãnh hải của Nhật. Cũng theo lực lượng tuần duyên, các tàu hải giám Trung Quốc đã rời khu vực này sáu tiếng đồng hồ sau đó, khoảng 13 giờ 20 (4 giờ 20 GMT).

Sáu tàu hải giám trên đây không thuộc hải quân Trung Quốc, mà do Quốc gia Hải dương Cục, thuộc Bộ Lãnh thổ Tài nguyên quản lý. Việc gởi đoàn tàu này đến Senkaku/Điếu Ngư là sự đáp trả thẳng thừng của Bắc Kinh trước việc Tokyo hôm thứ Hai 10/9 loan báo quyết định mua lại ba trong số năm hòn đảo của quần đảo. Hòn đảo thứ tư thì đã là sở hữu của chính quyền Nhật, còn hòn đảo thứ năm vẫn thuộc sở hữu chủ tư nhân người Nhật.

Một số nhà phân tích cho rằng, phản ứng mãnh liệt của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền trên biển với Tokyo là do việc chuyển giao quyền lực chính trị tại Trung Quốc phức tạp hơn dự kiến, cùng với việc ông Tập Cận Bình « mất tích » từ 10 ngày qua. Dù sao, vụ Senkaku/Điếu Ngư trong những tuần lễ gần đây đã khiến quan hệ hai nước xấu đi thấy rõ.

Hồi tháng Tám, một số người Trung Quốc đã đổ bộ lên đảo Uotsurijima thuộc Senkaku/Điếu Ngư, và đã bị chính quyền Nhật bắt và trục xuất. Vài hôm sau, đến lượt hàng chục người theo chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản đã cắm cờ Nhật trên đảo này để tái khẳng định chủ quyền của Nhật.

Một loạt các cuộc biểu tình chống Nhật tập trung hàng ngàn người đã diễn ra tại hơn 20 thành phố Trung Quốc. Các cửa hàng, tiệm ăn và xe cộ của người Nhật tại nhiều nơi bị đập phá, thậm chí một số người còn giật mất cờ hiệu trên xe đại sứ Nhật ở Bắc Kinh.

Hôm nay, Nhật Bản đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải đảm bảo an toàn cho các công dân Nhật, sau một loạt vụ hành hung diễn ra tại Thượng Hải.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.