Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Phong trào Kachin độc lập kêu gọi ngưng chiến

Để thúc đẩy tiến trình hòa bình đang bị bế tắc từ nhiều tháng qua, ngày 15/09/2012 phát ngôn viên tổ chức Kachin độc lập KIO kêu gọi quân đội Miến Điện ngưng các đợt tấn công nhắm vào người thiểu số Kachin.

Binh lính thuộc Tổ chức Kachin độc lập tại Laiza, bang Kachin.
Binh lính thuộc Tổ chức Kachin độc lập tại Laiza, bang Kachin. Reuters
Quảng cáo

Ông Lan Nan phát ngôn viên tổ chức Kachin độc lập KIO cho rằng đây là giải pháp duy nhất để đem lại ổn định cho bang Kachin và KIO lo ngại khi thấy chính quyền Miến Điện đang điều nhiều đơn vị quân đội đến bang này. Quan hệ với chính quyền đã « hầu như bị cắt đứt ». Do vậy tổ chức Kachin độc lập cho rằng, hơn bao giờ hết, đôi bên cần có thái độ « kềm chế ». Một nguồn tin thông thạo trong phái đoàn đàm phán Kachin cho biết là xung đột vẫn tiếp diễn giữa phe quân đội Miến Điện với lực lượng võ trang Kachin và khủng hoảng vẫn kéo dài khi mà người dân vô tội bị kẹt giữa hai làn đạn.

Sau 17 năm lắng dịu, xung đột giữa quân đội Miến Điện với lực lượng võ trang của người thiểu số Kachin, gọi tắt là KIA, bùng lên từ tháng 6/2011. Hàng chục ngàn người Kachin phải di dời chỗ ở. Giới quan sát coi đây là tì vết trong tiến trình cải tổ của chính quyền Naypyidaw kể từ khi tập đoàn quân sự Miến Điện tự giải tán vào tháng 3 /2011 để nhường chỗ cho một chính quyền dân sự. Khi lên cầm quyền, Tổng thống Thein Sein mở vòng đàm phán với nhiều sắc tộc thiếu số, kể cả với những thành phần liên tục đòi tách rời khỏi Miến Điện từ năm 1948. Naypyidaw cũng đã đạt được thỏa thuận ngưng bắn với nhiều thành phần nổi dậy thế nhưng vẫn chưa giải quyết xong xung đột với cộng đồng người Kachin.

Cách nay vài tháng, Tổng thống Thein Sein đã gạt một vài thành viên trong phái đoàn đàm phán bị coi là có lập trường bảo thủ nhất khỏi các cuộc thương lượng với tổ chức Kachin độc lập với hy vọng nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngưng bắn lâu dài với KIO. Nhưng một số các nhà quan sát lo ngại Naypyidaw không hoàn toàn kiểm soát được các hành vi của quân đội Miến Điện trên hồ sơ này. Tháng 8/2012 nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc cưỡng bức hàng ngàn người tỵ nạn Kachin hồi hương.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.