Vào nội dung chính
SINGAPORE

Singapore : Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn

Singapore không dồi dào tài nguyên thiên nhiên, nhưng tăng trưởng rất nhanh, hiện tại thuộc vào hàng những nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới, đa số người dân đã thoát nghèo để đứng vào tầng lớp được gọi là «trung lưu». Một kết quả như vậy thì rõ ràng ngay cả những nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên cũng khó đạt được.

Một chiếc xe siêu sang Lamborghini Gallardo (phải) đậu trước garage thuộc một căn hộ sang trọng ở tầng 14 khu nhà Hamilton Scott ở Singapore. Chủ căn hộ phải trả tối thiểu 9,5 triệu đô la để có thêm garage riêng như thế.
Một chiếc xe siêu sang Lamborghini Gallardo (phải) đậu trước garage thuộc một căn hộ sang trọng ở tầng 14 khu nhà Hamilton Scott ở Singapore. Chủ căn hộ phải trả tối thiểu 9,5 triệu đô la để có thêm garage riêng như thế. REUTERS/Tim Chong
Quảng cáo

Thế nhưng nhật báo The Star tại Kuala Lumpur cho rằng, thành tựu đó có thể làm say mê thế giới nhiều hơn là đối với chính người dân Singapore. Vì sao thế ? The Star có bài góp phần giải đáp, được tuần san Courrier International dẫn lại với hàng tựa : « Tại Singapore, tiền của người này không làm nên hạnh phúc cho người kia ».

Theo số liệu thống kê cho năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tại Singapore là 56.532 đô la Mỹ, tức còn hơn cả Na Uy, Mỹ và Hồng Kông. Chỉ trong vòng hai năm, số người sở hữu trên 100 triệu đô la tăng 13%, tức gấp hai lần tỉ lệ bình quân thế giới. Theo dự phóng đến năm 2016, cón số 13% sẽ tăng lên 44%.

Ấy thế nhưng, đó chỉ là cái giàu thống kê trên tổng thể, còn đi vào chi tiết, tờ báo cho biết, một bộ phận người Singapore không lấy gì làm vui sướng cho thống kê đầy màu hồng đó. Vì sao ? Tờ báo nêu ra một số lý do để giải thích.

Thứ nhất, tỉ lệ nhập cư của Singapore rất cao : Singapore là điểm đến hấp dẫn thứ ba của người nhập cư trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Canada. Hiện người nhập cư chiếm 37% dân số Singapore. Dân nhập cư gây ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của một bộ phận không nhỏ người Singapore. Nhiều người nhập cư là các đại gia, tài sản kếch xù của họ góp phần làm cho thống kê tổng tài sản của Singapore nói chung được cao hơn rất nhiều. Thế nhưng, đối với người Singapore, nhất là dân lao động thì không lợi ích gì, mà lại càng khiến cho cuộc sống khó khăn hơn, bởi thống kê thu nhập bình quân đầu người càng cao, tức mức độ tính san bằng càng lớn, thì người nghèo lại càng khổ sở.

Đi vào chi tiết sự chênh lệch giàu nghèo, tờ báo dẫn lại số liệu của tạp chí Forbes cho biết : năm 2011, tổng tài sản của những người giàu nhất tại Singapore là 54,4 tỉ đô la, năm nay con số này tăng lên thành 59,4 tỷ đô la ; Singapore hiện có 16 tỉ phú, tức tăng thêm 3 người so với năm rồi ; trong 100.000 gia đình, chỉ có 10 hộ có tài sản vượt 100 triệu đô la.

Cuộc sống tại Singapore thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, lạm phát của Singapore cũng thuộc tốp đầu. Giá cả tăng không ngừng khiến tầng lớp lao động phải lắm khổ sở. Người nghèo thì nghèo thêm, còn người giàu thì giàu thêm. Từ 5 năm nay, khoảng cách giàu nghèo ở Singapore ngày càng lớn, và như vậy đương nhiên bất bình đẳng xã hội ngày càng cao.

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng đối mặt với bất bình đẳng xã hội

Cũng liên quan đến sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng cao và bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn, Courrier International dành một bài xã luận khá lí thú đề tựa : «Những khu vực biến động ».

Tác giả tập trung phân tích thực trạng xã hội của hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Tác giả cho rằng, trong khi người dân Mỹ chuẩn bị bầu tổng thống, người Trung Quốc cũng sắp thay đổi chóp bu lãnh đạo đất nước, thì hai cường quốc này đang đối mặt với cùng một vấn đề : sự bất bình đẳng xã hội đang gia tăng.

Tác giả nhấn mạnh, Hiến pháp của Mỹ ghi rõ trong phần mở đầu là « thiết lập công bằng », còn sách đỏ của Mao Trạch Đông cũng xác định mục tiêu xây dựng « sự bình đẳng tuyệt đối ». Thế nhưng thực tế hiện tại là như sau : trong khi ở các khu tài chính tại thành phố hoa lệ New York và ở thủ đô Bắc Kinh các đại gia ngân hàng, các nhà tỉ phú, quan chức cấp cao nhà nước đang hưởng đời nhung lụa, thì ở bang Dakota hay Mississipi, ở các tỉnh Cam Túc hoặc Quý Châu, người dân phải quằn mình vì khủng hoảng kinh tế và những hậu quả do tình trạng phát triển không đồng đều giữa các khu vực trong nước.

Đi sâu hơn, tác giả cho biết, tại Mỹ hiện có hơn 50 triệu người nghèo khổ, nạn thất nghiệp đang ở mức trên 8%. Một nhà kinh tế Hoa Kỳ nhận định : Giấc mộng Mỹ đã qua rồi. Còn ở Trung Quốc, kinh tế cũng đang phát triển chậm lại, bất công xã hội ngày càng cao. Từ 11 năm nay, chính phủ Trung Quốc không công bố chính thức chỉ số điều tra về bất bình đẳng xã hội với cớ là « thống kê chưa đầy đủ ». Theo tác giả, điều đó cho thấy chủ đề bất bình đẳng đã trở nên rất nhạy cảm ở Trung Quốc.

Cuối cùng tác giả cảnh báo : bất ổn xã hội đang rình rập hai đại gia này.

Hậu quả của bất bình đẳng xã hội

Tuần san Church Times của Anh quan tâm đến những hậu quả của bất bình đẳng xã hội đối với con người, được Courrier International trích dịch với dòng tựa : « Những hậu quả hủy diệt ».

Tờ báo cho biết, nghiên cứu cho thấy, nước nào có khoảng cách giàu nghèo càng cao thì các vấn đề về sức khỏe và bất ổn xã hội càng trầm trọng. Chẳng hạn như, so với những nước khác thì ở những nước được cho là « bất bình đẳng nhất », tỷ lệ bệnh tâm thần cao hơn 3 lần, tỷ lệ béo phì cao gấp 2 lần, tỷ lệ phạm tội phải ngồi tù cao gấp 8 lần và tỷ lệ mang thai sớm cao gấp 10 lần.

Nói về quan hệ xã hội, kết quả thống kê cho thấy, bất bình đẳng gây hại đến các mối quan hệ xã hội. Ở những xã hội ít bất bình đẳng, thì niềm tin và sự gắn kết xã hội sẽ mạnh hơn còn tình trạng bạo lực thì ít hơn.

Trên phương diện quan hệ quốc tế, các nghiên cứu đã chỉ rõ, những xã hội có ít bất bình đẳng hơn cũng tỏ ra có nhiều ích lợi hơn và được coi trọng hơn trên trường quốc tế. Chẳng hạn như họ có thể đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động nhân đạo, dễ được xếp hạng cao về chỉ số hòa bình trên thế giới, tin tưởng nhiều hơn về tầm quan trọng của việc tuân thủ các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến môi trường.

Chiến tranh Đông Dương ngày càng được giới nghiên cứu chú ý

Trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương, khoảng 20.000 người Đông Dương bị chính quyền thuộc địa buộc đến lao động hầu như không công trên đất Pháp. Giai đoạn lịch sử này tưởng chừng đi vào quên lãng, thế nhưng mấy năm nay bỗng được sống lại nhờ vào nổ lực của giới nghiên cứu và của chính con cháu của những người trong cuộc. Tuần san Le Nouvel Observateur đăng bài phản ánh chủ đề này với dòng tựa : «Những người bản xứ bị lãng quên ».

« Những người bản xứ » ở đây là chỉ những người Đông Dương bị buộc đến lao động trên đất Pháp. Theo lời một nhân chứng sống năm nay đã 92 tuổi, thì khi ấy các lao động này bị dồn vào trong những hầm tàu « như những con vật » để đưa đến Pháp. Khi đến Pháp, họ phải trải qua những tháng ngày vất vả. Tác giả bài viết nhắc lại, hồi ấy, chính phủ Vichy bắt lao động « An Nam » làm việc trong các lò thuốc súng, hay phải lội bì bõm trên những cánh đồng muối mà không hề có ủng để mang, rồi phải phá rừng làm đường, hay tham gia phục hồi sản xuất lúa tại Camargue.

Sau khi chiến tranh kết thúc, đa phần người lao động bản địa trở lại quê hương, và cũng có một số ít lấy vợ Pháp và định cư lại trên đất Pháp đến cuối đời. Thời gian trôi qua, số phận những người này dần đi vào dĩ vãng. Phía Pháp cũng như phía Việt Nam rất ít quan tâm đến hồ sơ này.

Để rồi, từ năm 2003, hậu duệ của một lao động bản địa đã bắt đầu khai thác các trung tâm dữ liệu và cho ra đời trang mạng www.travailleurs-indochinois.org (travailleurs indochinois : những người lao động Đông Dương) với mục đích là gợi lại quá khứ đau thương của 20.000 lao động Đông Dương. Sau đó bắt đầu có nhiều công trình nghiên cứu khác về đề tài này.

Rồi năm 2009, tại thành phố Arles của Pháp đã khánh thành một công trình kỷ niệm về số phận của những lao động bản địa. Cuối năm 2011, một số đại biểu quốc hội Pháp đã đệ thư yêu cầu chính phủ Pháp công nhận chính thức và có chính sách đối với những lao động bản địa. Còn tại Camargue, con em họ của những lao động thuở ấy đã xin được phép xây dựng một tượng đài nông dân Việt Nam.

Như vậy, như tác giả bài viết nhận định, giai đoạn lịch sử thuộc địa này của nước Pháp cuối cùng cũng bước ra khỏi bóng mờ dĩ vãng.

Trung Quốc : Một cuộc chuyển giao quyền lực không yên bình

Tiếp tục phản ánh tình hình Trung Quốc trước thềm chuyển giao quyền lực trên chóp bu nhà nước, tạp chí L’Express có bài chạy dòng tít mỉa mai : « Chuyện lôi thôi giữa các đồng chí ».

Trước tiên tờ báo đề cập đến vụ tai tiếng liên quan đến con ông Lệnh Kế Hoạch, cựu chánh văn phòng Trung ương Đảng, thân cận với chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Số là tháng Ba rồi, một chiếc Ferrari sang trọng đã đâm vào tường bên lề một con đường ở ngoại ô Bắc Kinh, trong xe có một nam tuổi 20 và hai thiếu nữ. Người nam thì chết tại chỗ, còn hai nữ thì bị thương nặng. Sau đó, báo chí Trung Quốc không đề cập gì đến thân thế người nam này. Cư dân mạng lập tức xôn xao, và khi ấy có người cho rằng cậu thanh niên kia là con trai của ông Giả Khánh Lâm, ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thế nhưng, vừa rồi một tờ báo Hồng Kông nói rõ đó là con trai của ông Lệnh Kế Hoạch. Điều đáng chú ý trong vụ việc này, là một cậu thanh niên con quan chức cấp cao cũng lái chiếc Ferrari cao cấp, hơn nữa khi xảy ra tai nạn, cả ba người trong xe đều đang trong trang phục hở nhiều hơn kín, cho thấy sự buông thả của cậu công tử này.

Chiếc Ferrari lật hồi tháng Ba cũng đã lật đổ tiền đồ của ông Lệnh Kế Hoạch. Mới đây ông Lệnh bị miễn nhiệm chức vụ tại văn phòng Trung ương Đảng để nhận một chức khác ít có cơ hội thăng tiến hơn. Tờ báo cho rằng, cũng như các lãnh đạo khác của Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng muốn bố trí người thân cận vào các vị trí cao để duy trì ảnh hưởng sau khi về hưu, thế nhưng sự « lật xe » của ông Lệnh Kế Hoạch phần nào làm suy yếu hậu vận của ông Hồ Cẩm Đào.

Cùng với hồ sơ Ferrari, một vụ rùm beng khác cũng xảy đến. Ông Bạc Hy Lai, một nhân vật được xem có nhiều triển vọng vào thường vụ Bộ Chính trị khóa tới, đã bị cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh để điều tra tham nhũng. Vợ ông bà Cốc Khai Lai bị đem ra xét xử về tội sát nhân và phải lãnh án tử hình.

Đấu đá nội bộ đảng lan đến cả diễn đàn báo chí. Mới đây, tờ Study Times, tờ báo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng bài xã luận chỉ trích thẳng thừng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Study Times còn đi đến bước nói rằng, bộ đôi Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo « gây nhiều vấn đề hơn là đạt được thành công ».

L’Express nhận định : những trò đấu đá ngụy trang trên chóp bu nhà nước Trung Quốc ngày càng trở nên đáng buồn cười trong mắt nhiều người Trung Quốc, nhất là đối với thế hệ trẻ, thế hệ mà chính phủ khó lòng bưng bít được thông tin bởi sự phát triển thần tốc của internet.

Cũng về hồ sơ đấu đá này, Le Nouvel Observateur điểm qua hai trường hợp « lật xe » của ông Lệnh Kế Hoạch và ông Bạc Hy Lai và đặt câu hỏi : « Từ đến đến khi diễn ra đại hội đảng cộng sản Trung Quốc vào giữa tháng 10 tới đây, không biết sẽ còn rơi bao nhiêu thủ cấp nữa? ».

Cam Bốt : Tuổi trẻ bắt đầu ghiền trà ?

Đến với Cam Bốt, tờ The Phnom Penh Post có bài nhìn về đời sống tinh thần của thanh niên, được Courrier International dẫn lại với hàng tựa: « Những quán trà xanh, nơi xả stress của tuổi trẻ ».

Tờ báo cho biết sự xuất hiện các quán trà xanh ở Cam bốt chỉ mới đây thôi : quán trà đầu tiên mở cửa ở Phnom Penh vào giữa năm 2011. Thế nhưng đến hiện tại đã có hàng chục quán trà như thế. Hệ thống các quán trà Milk Green Tea cũng đã mở đến bốn nơi ở Phnom Penh, và dự tính từ đây đến cuối năm sẽ mở thêm hai quán nữa.

Khách đến thưởng trà là ai ? Không phải là những cụ già mà là thanh thiếu niên học sinh. Các quán trà thường tọa lạc gần trường học, bởi vậy học sinh, sinh viên đến rất đông, một số quán trà có đến 400 khách mỗi ngày.

Như vậy, tuổi trẻ Cam Bốt đã dần rời các quán karaoke để tìm đến những quán trà. Mục đích là gì ? Để thưởng thức trà ư ? Không hẳn thế, mà chủ yếu là ở quán trà, thanh thiếu niên có thể gặp gỡ, trò chuyện, sinh hoạt nhóm, kết nối bạn bè. Thậm chí đối với những đôi bạn tình, thay vì phải lang thang tâm sự bên bờ sông như trước đây, hay vào các phòng karaoke để bị cho là không đàng hoàng, thì quán trà là nơi hẹn hò đầy văn hóa.

Thế nhưng, cái gì cũng có hai mặt của nó, và mặt trái của các quán trà là, vì nó trở thành « mốt » rồi, học sinh dành quá nhiều thời gian cho các quán trà mà chểnh mảng việc học hành.

Bụng bự nguy hiểm hơn béo phì

Trong lĩnh vực y tế, Le Nouvel Observateur có thông tin đáng chú ý : bụng to nguy hiểm hơn béo phì.

Tờ báo cho biết, theo một nghiên cứu tại Hoa Kỳ, bụng to không chỉ làm giảm thẩm mỹ, mà còn nguy hại nhiều đến sức khỏe, đặc biệt là rất có hại cho tim. Nghiên cứu cho thấy, số người tử vong do tim mạch ở người có bụng to cao hơn gấp ba lần so với người bình thường. Trong khí đó, tỉ lệ tử vong ở người béo phì chỉ cao hơn người bình thường có 2,5 lần.

Người chết có thể xài điện thoại ?

« Người chết có biết sử dụng smartphone không ? », đó là tựa đề bài viết đăng trên phụ trang cuối tuần báo Le Monde.

Tờ báo cho biết, tại thành phố Roskilde ở Đan Mạch, người ta đề nghị lấp đặt trên mộ một thiết bị điện tử. Sau đó khi cần thiết, chỉ cần dùng smartphone kết nối là có thể có thể chụp được ảnh hay thậm chí quay video người dưới đáy mộ.

Một thành phố lân cận cũng đang dự tính áp dụng hệ thống này để dõi theo « cuộc sống » của những nhân vật nổi tiếng như tu sĩ hay các thị trưởng khi đã tạ từ dương thế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.