Vào nội dung chính
NĂNG LƯỢNG

Nhật Bản : không dễ từ bỏ năng lượng hạt nhân

Ngày 14/09/2012, trước sức ép của cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn, chính phủ Nhật Bản đã thông báo dự tính đến năm 2040 sẽ đọan tuyệt hẳn với điện hạt nhân. Tuy nhiên Tokyo cam kết sẽ xem xét lại lịch trình và trước mắt đề nghị mau chóng cho khởi động lại các lò phản ứng đang bị ngừng lại.

Biểu tình chống năng lượng hạt nhân tại Tokyo. Ảnh chụp ngày 16/07/2012
Biểu tình chống năng lượng hạt nhân tại Tokyo. Ảnh chụp ngày 16/07/2012 Reuters
Quảng cáo

Chủ đề này được nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến với ghi nhận thấy Tokyo đang tỏ ra lúng túng chưa biết thực hiện thế nào dự định đưa nước Nhật thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng hạt nhân. Làm sao cùng lúc vừa làm thỏa mãn được dư luận chống năng lượng hạt nhân đang lên cao kể từ sau tai nạn Fukushima, đồng thời vẫn trấn an được giới doanh nghiệp đang rất lo lắng về tương lai năng lượng của đất nước nhỏ bé và rất nghèo tài nguyên thiên nhiên.

Les Echos nhận định, trên lý thuyết, với quyết định sẽ rút ra khỏi điện hạt nhân như thông báo hồi cuối tuần qua, chính phủ Nhật có thể gây ra một sự đảo lộn sâu rộng về chính sách năng lượng. Trở lại thực tế trước khi xảy ra vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hồi tháng Ba năm 2011, tờ báo nhắc lại là quần đảo Nhật Bản khi đó đã chuẩn bị một dự án đầy tham vọng phát triển hệ thống các nhà máy điện hạt nhân. Dựa chủ yếu trên hai tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực là Toshiba và Hitach. 

Nước Nhật dự tính sẽ tăng tỷ trọng điện hạt nhân trong bản đồ năng lượng của mình từ 28% (năm 2010) lên 50% vào năm 2030. Mục đích là để giảm bớt đáng kể tình trạng lệ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, đang ngày càng trở nên đắt đỏ và không ổn định.

Sau vụ tai nạn Fukushima, kế hoạch này bị đảo lộn hoàn toàn. Không có một lò phản ứng nào được xây thêm từ nay đến năm 2030. Các lò phản ứng đã đạt tuổi thọ 40 năm sẽ phải dừng lại. Để bù đắp vào sản lượng điện bị thiếu hụt, Nhật Bản dự tính thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng mặt trời hoặc gió. Bên cạnh chính sách tiết kiệm năng lượng là đẩy mạnh sử dụng khí đốt và các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá dầu mỏ trong các nhà máy điện.

Chiến lượng năng lượng mới của Nhật nhằm nhanh chóng tạo ra một xã hội không còn phụ thuộc vào hạt nhân. Quyết sách này của chính phủ không đặt ra từng gian đoạn cụ thể để thực hiện việc chuyển tiếp lịch sử này nhưng lại đề nghị nhanh chóng cho khởi động lại các lò phản ứng đạt tiêu chuẩn an tòan. Hiện chỉ có 2 trên tổng số 50 lò phản ứng hạt nhân phát điện ở Nhật đang họat động.

Các chuyên gia ở Nhật đều có chung một nhận xét, chính sách năng lượng mới của chính phủ chỉ là một « mục tiêu » còn chiến lược năng lượng sẽ phải được « xem xét lại thường xuyên » trong tương lai. Trong khi đó, theo Les Echos, ngay sau khi chính phủ thông báo hướng đưa Nhật thoát khỏi năng lượng hạt nhân thì chính ông Motohisa Furukawa, bộ trưởng Kinh tế đã nói rõ là các lò phản ứng đã khởi công xây dựng tại Nhật từ trước tai họa Fukushima vẫn phải được hoàn thành nốt, đồng thời các lò này sẽ phải hoạt động trong vòng 40 năm, tức là vượt qua cái mốc giới hạn năm 2040. Bộ trưởng Công nghiệp Yuki Enado cũng khẳng định chính phủ sẽ phải mềm dẻo trong chiến lược năng lượng này.

Les Echos nhận định : những dấu hiệu không nhất quán như vậy chứng tỏ chính phủ Nhật đang lúng túng trước một bên là đòi hỏi của một bộ phận dư luận đang chống đối kịch liệt năng lượng hạt nhân và bên kia là giới công nghiệp đang tỏ ra lo ngại về tương lai năng lượng của đất nước này. Đặc biệt là các nhà sản xuất điện ở Nhật đang lo ngại dự án từ bỏ điện hạt nhân của chính phủ sẽ làm bùng nổ tăng giá điện, trong khi một số chuyên gia thì lại đặt vấn đề liệu Tokyo có đủ khả năng tài chính để gỡ bỏ các nhà máy điện hạt nhân và để gia tăng nhập khẩu nhiên liệu. Những người này hy vọng chính phủ sẽ bình tĩnh và đưa ra quyết định hiện thực hơn.

Làn sóng bài Nhật ở Trung Quốc trở nên dữ dội

Trong khi đó vào thời điểm này ở bên ngòai quần đảo Nhật Bản, làn sóng bài Nhật ở Trung Quốc đang diễn ra sôi sục và có chiều hướng ngày càng dữ đội, xung quanh các tranh chấp quần đảo người Nhật gọi là Senkaku còn người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nhất là kể từ khi Tokyo thông báo quyết định quốc hữu hóa một số đảo trong khu vực tranh chấp.

Les Echos nhận thấy, các cuộc biểu tình chống Nhật có quy mô lớn hiếm thấy đã rầm rập nổ ra ở nhiều thành phố Trung Quốc trong những ngày cuối tuần qua. Từ Bắc Kinh đến Thanh Đảo, Thẩm Quyến, rồi qua Thượng Hải liên tục các cuộc biểu tình tụ tập hàng chục nghìn người đằng đằng khí thế dân tộc, bày tỏ sự phẫn nộ của họ trước việc Tokyo xác quyết chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Tại Bắc Kinh, hơn một nghìn người biểu tình trước sứ quán Nhật, ở Thẩm Quyến, lực lượng giữ trật tự đã phải dùng đến hơi cay và vòi rồng để chế ngự hàng nghìn người biểu tình. Còn tại Thanh Đảo, một nhà máy của hãng Panasonic đã bị người biểu tình đốt phá. Hãng thông tấn Nhật Kyodo ghi nhận có khoảng 40 nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình chống Nhật vừa rồi tại Trung Quốc.

Nhật báo Libération cho biết, do được chính quyền bật đèn xanh nên các cuộc biểu tình đầy tính dân tộc chủ nghĩa này đã biến thái nhanh chóng thành các hành động bạo lực. Theo ghi nhận của tờ báo thì trong hai ngày cuối tuần qua, các tiệm ăn Nhật ở 5 thành phố Trung Quốc bị đập phá, xe hơi mác Nhật bị lật ngược giữa đường phố, hàng chục nhà máy của Nhật thì bị những đám người không kiểm soát được lao vào đập phá.

Tại Bắc Kinh ngày hôm qua (16/9), nhiều cửa hàng ăn Nhật muốn không bị đập phá đã phải trương băng chữ « Điếu Ngư là của Trung Quốc ». Cửa kính của lãnh sự quán Nhật ở Trùng Khánh cũng bị ném đá phá nát. Kiều dân Nhật tại Trung Quốc ( riêng ở Thượng Hải đã có tới 60 nghìn người) đang phải sống trong sợ hãi. Người biểu tình bài Nhật trương lên những khẩu hiệu có nội dung cực kỳ hiếu chiến như «Chúng ta hãy phá nát Tokyo », « tiêu diệt bọn Nhật lùn » hay thậm chí người ta còn đọc được những khẩu hiệu như « phải đòi lại món nợ máu của lịch sử. Hãy chặt đầu những con chó Nhật cho thỏa nỗi tức giận của người Trung Quốc ».

Tuy nhiên tinh thần dân tộc chủ nghĩa cuồng tín có chỗ cũng đã được lái theo hướng nhắm vào chính quyền Bắc Kinh vì theo nhiều người dân, chính phủ đã tỏ ra nhu nhược trước Nhật Bản trong việc bảo vệ chủ quyền

Nghệ sĩ ly khai nổi tiếng ở Trung Quốc Ngải Vị Vị thì lại cho rằng nhân dân Trung Quốc nên « cảm ơn Nhật » vì nhờ sự kiện này mà họ mới có cơ hội hiếm hoi được biểu tình. Theo ghi nhận của Les Echos thì cho đến giờ thái độ của Bắc Kinh vẫn là để mặc cho các cuộc biểu tình diễn ra, nhưng đồng thời cũng tìm cách kiểm soát các cuộc tập hợp tự phát để không thể chuyển hướng thành chống chính quyền.

Về phần Tokyo, trước làn sóng biểu tình bài Nhật lớn nhất kể từ khi thiết lập bang giao trở lại với Trung Quốc năm 1972, thủ tướng Nhật chỉ còn biết lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh « huy động tối đa để ngăn chặn mọi hành vi ác ý chống lại kiều dân và lợi ích của Nhật Bản », đồng thời ông Yoshihiko Noda cũng quyết tâm không từ bỏ quyết định quốc hữu hóa các hòn đảo đang tranh chấp. 

Washington bó tay trước làn sóng chống Mỹ

Một thời sự khác cũng liên quan đến biểu tình trong những ngày qua, đó là làn sóng biểu tình rất manh động chống Mỹ ở khắp các nước trong thế giới Hồi giáo trong những ngày qua để tỏ sự phẫn nộ với bộ phim được cho là báng bổ đạo Hồi.

Le Figaro có bài viết « Washington không che giấu được nỗi tuyệt vọng trước cơn thịnh nộ của đường phố Ả Rập ». Tờ báo viết « những bức tường bao bị đám người điên cuồng tấn công, những lá cờ bị đốt cháy, những cuộc biểu tình biến thành bạo động, đó là những hình ảnh hỗn loạn khủng khiếp bám đuổi theo Hoa Kỳ và các cơ quan đại diện ngoại giao của họ trên khắp thế giới suốt những ngày qua ».

Trước làn sóng bài Mỹ đang gia tăng dữ dội như vậy, Washington đang cố gắng tìm cách chống đỡ. Ban đầu là tăng cường các quân nhân đến hỗ trợ bảo vệ các tòa sứ quán và lãnh sự trong khu vực các nước Ả Rập, tiếp đó là rút bớt nhân sự không cần thiết ở một số nước như Tunisia và Soudan về nước.

Le Figaro nhận định, những biện pháp như vậy không giấu được nỗi tuyệt vọng của chính quyền Obama trước làn gió độc đến không đúng lúc khi mà chỉ còn hai tháng nữa nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống căng thẳng.

Trước tính cấp bách của cuộc bầu cử và an ninh, thông diệp hòa dịu gửi đến đường phố Ả Rập dường như không thu hút được chú ý của ai. Ở Mỹ không có đạo luật nào cấm phổ biến những kiểu clip như trích đọan phim đã gây nên cơn phẫn nộ của thế giới Hồi giáo vừa qua. Trong khi đó tự do ngôn luận là nội dung ghi ngay trong tu chính Hiến pháp đầu tiên của Hoa Kỳ, vì thế mà cả hai phe Cộng hòa cũng như Dân chủ trong chiến dịch tranh cử hiện nay đều tránh đề cập đến chuyện trừng phạt các tác giả của bộ phim « kích nổ » này. Đạo diễn bộ phim, ông Nakoula 55 tuổi đã được cảnh sát thả ra sau cuộc thẩm vấn kéo dài 30 phút về một vụ việc khác.

Điều này chỉ càng làm dấy lên sự phẫn nộ của người Hồi giáo trên tòan thế giới, những người không thể hấp thụ được dân chủ kiểu Mỹ. Các cuộc biểu tình chống Mỹ vẫn tiếp tục được kêu gọi trong khắp thế giới buộc nước Mỹ phải chống chọi lại trong sự bất lực.

Bốn mươi năm tới, máy bay siêu thanh thế hệ Mach 6 sẽ đi vào phục vụ

Trong tương lai không xa đường bay Paris –New York có thể rút xuống còn 1 giờ thay vì 6 giờ như hiện nay, nhờ có máy bay siêu thanh đời mới, thế hệ Mach 6 đang được các phòng thí nghiệm hàng không của Mỹ cũng như châu Âu tích cực nghiên cứu.

Ông Laurent Serre, phụ trách chương trình nghiên cứu siêu thanh của trung tâm nghiên cứu không gian Pháp Onera tin tưởng rằng đến năm 2040-2050, loại máy bay siêu thanh có vận tốc 6 120 km/h, tức là gấp 5 lần tốc độ âm thanh, có thể sẽ được đưa vào sử dụng thương mại.

Loại máy bay đã vượt qua bức tường âm thanh là Concorde cũng mới chỉ đạt được tốc độ 2 400km/h. Như vậy khi đó, để bay từ Paris đến Tokyo người ta chỉ mất có 2 giờ rưỡi thay vì 11 tiếng như hiện nay và đến New York mất 1 giờ. Đây là hướng nghiên cứu cho tương lai được các tổ hợp hàng không Mỹ và châu Âu đang tích cực triển khai.

Theo các nhà nghiên cứu thì trở ngại lớn nhất cho dự án máy bay siêu thanh không phải là vấn đề kỹ thuật hay môi trường mà là vấn đề kinh tế, làm sao để loại máy bay mới này sinh lời, tức là ít nhất phải chuyên trở được 150 hành khách chứ không phải chỉ dành có một nhóm khách VIP, điều đã khiến máy bay siêu thanh Concorde bị thất bại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.