Vào nội dung chính
THÁI LAN

Thaksin không nên quay lại chính trường Thái Lan

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình Thái Lan, ngày 17/09/2012, ông Kanit Nanakorn, chủ tịch Ủy ban « Sự thật để Hòa giải », một ủy ban độc lập, đã nhận định rằng ông Thaksin Shinawatra, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài, nên từ bỏ ý định quay lại chính trường Thái Lan, nhằm tạo cơ may duy trì ổn định cho đất nước. 

Phe Áo Đỏ ủng hộ thủ tướng bị lật đổ Thaksin. Ảnh chụp ngày 15/09/2012
Phe Áo Đỏ ủng hộ thủ tướng bị lật đổ Thaksin. Ảnh chụp ngày 15/09/2012 REUTERS/Sukree Sukplang
Quảng cáo

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính không có đổ máu, do quân đội tiến hành, hồi tháng 9/2006. Từ một năm nay, em gái ông Thaksin, bà Yingluck, đảm chức thủ tướng Thái Lan. Lãnh đạo Ủy ban « Sự thật để Hòa giải » nói : « Tôi nghĩ rằng ông Thaksin nên chấm dứt vai trò chính trị. Bà Yingluck làm việc rất tốt. Ông Thaksin hãy để yên cho bà lãnh đạo Thái Lan ».

Ông Kanit Nanakorn đã có tuyên bố như trên trước khi Ủy ban « Sự thật để Hòa giải » công bố bản báo cáo điều tra về các vụ bạo động xẩy ra trong thời gian phe Áo Đỏ, thân Thaksin, biểu tình chống chính phủ, từ tháng Ba đến tháng Năm năm 2010. Vào thời kỳ đó, khoảng 100 000 người Áo Đỏ đã biểu tình, chiếm giữ nhiều khu phố ở thủ đô Bangkok trong hơn hai tháng. Chính phủ đã điều động quân đội đến giải tán biểu tình. Các vụ xô xát, bạo lực đã làm hơn 90 người thiệt mạng và 1900 người bị thương.

Chính phủ chống Thaksin trước đây đã cho lập một ủy ban điều tra. Phe Áo Đỏ đã phản đối mạnh mẽ việc chỉ định ông Kanit Nanakorn, cựu chưởng lý, làm chủ tịch ủy ban này.

Phe thân Thaksin đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 7/2011. Bà Yingluck lên làm thủ tướng. Từ đó, ông Kanit, một luật gia có tên tuổi và được tôn trọng tại Thái Lan, đã tỏ ra có tinh thần độc lập hơn.

Đầu năm nay, ông Kanit đã kêu gọi sửa đổi đạo luật trừng phạt tội khi quân. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng đạo luật này thường được sử dụng như là công cụ đàn áp chính trị.

Theo giới quan sát, cho đến nay, cựu thủ tướng Thaksin vẫn là một nhân vật vừa bị căm ghét nhất vừa được ngưỡng mộ nhất ở Thái Lan. Điều này phản ánh rõ hố ngăn cách giữa một bên là tầng lớp trí thức trung lưu, sống tập trung ở thủ đô Bangkok và thù ghét ông Thaksin, còn bên kia là đông đảo người dân sống ở nông thôn, nghèo khó, ở các tỉnh phía bắc và tây bắc. Những người này cho rằng chỉ có ông Thaksin là lãnh đạo chính trị duy nhất bênh vực và bảo vệ quyền lợi cho họ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.