Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHẬT BẢN

Trung Quốc bắt đầu kiểm soát biểu tình chống Nhật

Làn sóng các cuộc biểu tình chống Nhật để biểu thị sự phẫn nỗ trước việc Tokyo « quốc hữu hóa » một số đảo trong quần đảo Điếu ngư/Senkaku vẫn tiếp tục diễn ra tại khắp Trung Quốc. Sáng nay tai thủ đô Bắc Kinh, khoảng 2.000 người biểu tình trước sứ quán Nhật. Ở nhiều thành phố lớn khác, các cuộc tuần hành vẫn diễn ra rầm rộ không kém những ngày qua, tuy mức độ bạo lực đã giảm nhiều. Sau ít ngày ngầm cho phép biểu tình, chính quyền Trung Quốc lo ngại không kiểm soát được tình hình đã bắt đầu có những hành động kiểm duyệt, cấm đoán biểu tình ở một số vùng.

Biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc, ngày 18/09/2012 (tại thành phố Thượng Hải), nhân 81 năm ngày Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu.
Biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc, ngày 18/09/2012 (tại thành phố Thượng Hải), nhân 81 năm ngày Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu. REUTERS/Carlos Barria
Quảng cáo

Nhưng dường như điều này cũng không ngăn cản được những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa xuống đường bày tỏ thái độ thù nghịch với Nhật, nhất là hôm nay là ngày kỷ niệm sự kiện Mãn Châu 18/09/1931, mở đường cho việc quân Nhật vào xâm chiếm Trung Quốc. 

Từ Bắc Kinh thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

"Đến trưa nay, người ta vẫn nhìn thấy ảnh chân dung của Mao Trạch Đông trong đoàn người biểu tình trước sứ quán Nhật tại Bắc Kinh như để thể hiện yêu cầu chính phủ Trung Quốc cần phải kiên quyết hơn trong vấn đề giải quyết tranh chấp Điếu Ngư/ Senkaku.

Nhưng điểm mới ngày hôm nay đó là việc xuất hiện những tin nhắn do công an gửi đến các máy điện thoại của người biểu tình đề nghị họ « bày tỏ tình cảm yêu nước một cách vừa phải và ôn hòa ». Tên con phố dẫn đến tòa đại sứ Nhật tại Bắc Kinh đã bị kiểm duyệt trên internet tại Trung Quốc.

Tại các tỉnh khác, nhiều cuộc tập hợp bị cấm ở một số điểm thí dụ như tại thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây), những lời kêu gọi biểu tình được gửi qua điện thoại hay internet đều bị chặn lại. Những biện pháp răn đe của chính quyền, như vậy, vẫn không ngăn cản được các cuộc tuần hành.

Có vẻ như rất khó có thể ngăn chặn được ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa, trong khi mà từ nhiều ngày qua chính quyền đã ngầm ý cho phép biểu tình. Hay tại Trường Sa thủ phủ tỉnh Hồ Nam, những người tổ chức biểu tình cho biết, sáng nay đã tập hợp được 10 nghìn người biểu tình.

Rất đông người cũng đã đổ về thành phố Thẩm Dương (đông bắc), trước đây có tên gọi là Mãn Châu, để kỷ niệm sự kiện vụ tấn công vào công ty đường sắt Nam Mãn Châu của Nhật, dẫn đến việc Nhật lấy cớ để đưa quân vào chiếm Trung Quốc năm 1931."

Trong lúc căng thẳng ở đất liền vẫn có chiều hướng leo thang, ở ngoài khơi biển Hoa Đông, khu vực quần đảo có tranh chấp vẫn không có dấu hiệu hòa dịu. AFP dẫn thông báo của lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết hôm nay (18/09), Trung Quốc đã điều 11 tàu hải giám tới gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku để bảo vệ cho khoảng 1.000 tàu cá của Trung Quốc hôm qua đã ồ ạt đổ tới vùng biển có tranh chấp.

Cùng lúc này, hôm nay được biết lại có hai người Nhật đi tàu tới một trong số hòn đảo đang có tranh chấp.

Còn tại Đài Loan, khoảng một trăm ngư dân lại tiếp tục có hành động khiêu khích làm phức tạp thêm tình hình khi thông báo dự tính thứ Bảy họ sẽ đưa tàu tới các hòn đảo đang có tranh chấp.

Về phương diện kinh tế, theo thông tấn xã Bloomberg, dự báo căng thẳng tranh chấp biển đảo Trung – Nhật đến nay có thể gây thiệt hại 340 triệu đô la trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.