Vào nội dung chính
SENKAKU/ ĐIẾU NGƯ

Căng thẳng tại biển Hoa Đông : phản tác dụng đối với Trung Quốc

Đề tài được các báo Paris ngày đầu tuần chú ý chủ yếu liên quan đến Pháp. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng tại biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã thu hút giới nghiên cứu Pháp. Một bài viết của chuyên gia Dominique Moisi đã được đăng trên báo kinh tế Les Echos.

Biểu tình bài Nhật tại Thành Đô, ngày 16/09/2012.
Biểu tình bài Nhật tại Thành Đô, ngày 16/09/2012. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Về nước Pháp, các báo rất quan tâm đến các hồ sơ như : Điểm tín nhiệm của tổng thống Pháp, François Hollande tuột dốc không phanh; sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa hai lãnh đạo Pháp-Đức; dư âm của những bức tranh biếm họa báng bổ đạo Hồi được đăng tải trên tạp chí Charlie Hebdo vào tuần trước; 4 nhà leo núi Pháp thiệt mạng trên dẫy Hy Mã Lạp Sơn.

Riêng về quan hệ Trung-Nhật, ông Dominique Moisi chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc viện nghiên cứu Pháp IFRI, đã nhấn mạnh trên tác hại của tình hình căng thẳng đối với Bắc Kinh.

Căng thẳng tại biển Hoa Đông : Phản tác dụng đối với Trung Quốc

Trong bài viết mang tự đề « Đặng Tiểu Bình, ông đang ở đâu ? » tác giả cho rằng ít có khả năng cuộc đọ sức giữa hai ông khổng lồ kinh tế của châu Á, là Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại hay chiến tranh thực thụ. Tuy vậy, « không ai có thể đùa với lửa hay đùa với tình cảm của quần chúng được mãi », vì không ai lường trước được những gì sẽ xảy ra. Khủng hoảng giữa Bắc Kinh và Tokyo hiện nay đòi hỏi đôi bên cùng phải có thái độ « dè dặt và kiềm chế ». 

Chuyên gia về quan hệ quốc tế Pháp, Dominique Moisi nhìn nhận là Nhật Bản đã châm ngòi kể từ khi thống đốc thành phố Tokyo có kế hoạch mua lại ba hòn đảo thuộc quần thể Senkaku. Đương nhiên Bắc Kinh xem đấy là một hành động khiêu khích. Thế nhưng một lần nữa, và như thói quen đã có từ nhiều năm nay mỗi khi giải quyết một vấn đề ở châu Á, Trung Quốc lại phản ứng quá đáng. Đáng nói hơn nữa là đường lối ngoại giao cứng rắn của Bắc Kinh đối với các nước Á châu, sẽ bất lợi cho Trung Quốc. 

Thứ nhất thái độ hung hãn của nước đông dân nhất địa cầu vô hình chung sẽ đẩy một số các quốc gia, như Việt Nam, vào vòng tay Hoa Kỳ. Thứ hai, theo chuyên gia Dominique Moisi, Trung Quốc đang tặng cho Nhật Bản quy chế « đối tác đặc biệt của Mỹ tại châu Á» vào lúc mà Washington bắt đầu ít quan tâm hơn đến Tokyo để dồn chú ý về phía New Delhi. 

Điểm thứ ba được chuyên gia về quan hệ quốc tế Pháp nêu bật đó là những hành vi bài Nhật của Trung Quốc đặt Tokyo vào thế của kẻ bị tấn công. Đành rằng, một phần lớn dư luận châu Á còn rất thận trọng đối với Nhật Bản, nhưng mọi người cũng rất sợ ông khổng lồ Trung Quốc. 

Châu Á chưa quên tội các của quân đội Thiên hoàng trong thời kỳ chiến tranh. Khác hẳn với thái độ của Đức đối với châu Âu, Nhật Bản chưa bao giờ chính thức xin lỗi về những sai lầm lịch sử và tội ác chiến tranh. Dù vậy, thái độ của Trung Quốc tự nhiên sẽ khiến mọi người có cảm tình hơn đối với Nhật Bản. 

Mới chỉ năm ngoái, Nhật Bản phải hứng chịu thiên tai khủng khiếp, kéo theo đó là tai nạn Fukushima. Giờ đây các phương tiện truyền thông thế giới lại liên tục phát đi hình ảnh của những người Trung Quốc phẫn nộ, bài Nhật một cách điên cuồng. Phải chăng Nhật Bản trở thành nạn nhân của làn sóng dân tộc chủ nghĩa xuất phát từ Trung Quốc ? 

Về câu hỏi làn sóng bài Nhật đang bùng lên tại Trung Quốc có phải là một phong trào tự phát hay không thì chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc viện IFRI của Pháp trả lời là có. Nhưng Dominique Moisi lại nêu lên một câu hỏi khác : khi biết rằng một phong trào tự phát là con dao hai lưỡi, với những bất lợi cả về đối nội lẫn đối ngoại, vậy thì tại sao chính quyền Bắc Kinh lại để cho phong trào này được phát triển ? 

Theo ông Moisi, đối với một chế độ không dân chủ, cho dù đã bắt đầu mở cửa, khuyến khích quần chúng xuống đường luôn là một việc làm nguy hiểm : không có gì cấm cản là cơn phẫn nộ của đường phố đến một lúc nào đó sẽ nhắm vào chính quyền. 

Tác giả bài viết kết luận : Việc Bắc Kinh đã để cho người dân bày tỏ lòng phẫn nộ trong những ngày qua có thể hiểu như là « một sự bất tài» của giới lãnh đạo Trung Quốc trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. 

Okinawa cản đường Trung Quốc ra Thái Bình Dương 

Cũng liên quan đến cuộc đọ sức Nhật – Trung, phụ trang về địa chính trị của Le Monde chú ý đến đảo Okinawa : Ai cũng biết đó là một căn cứ quân sự của Mỹ với tầm quan trọng vào bậc nhất đối với chính sách phòng thủ Nhật Bản cũng như đối với chiến lược của Hoa Kỳ tại Đông Á. Nhưng vào lúc Tokyo và Bắc Kinh đang « nắn gân » lẫn nhau tại vùng biển Hoa Đông, thì Okinawa lại càng chiếm một vị trí đặc biệt khi biết rằng quần đảo này có thể « chặn đường Trung Quốc ra Thái Bình Dương ». 

Đặc phái viên của tờ báo, Philippe Pons từ Naha, ghi nhận : do Okinawa nằm gần sát quần đảo Senkaku, căng thẳng Nhật Trung leo thang khiến người dân ở đây vô cùng lo lắng và họ hoàn toàn thờ ơ trước kêu gọi bài Trung Quốc mà cánh trung hữu Nhật Bản đang dùng đề chiêu dụ cử tri. Đơn giản là vì, như một nhà bình luận trên tờ Okinawa Times đã nói : hòn đảo này đang bị kẹt giữa ba làn đạn, là Trung Quốc, Mỹ và Nhật. 

Nhìn về quá khứ lịch sử, Okinawa đã rất gần gũi với Trung Quốc cho đến khi bị sát nhập với Nhật Bản vào cuối thế kỷ thứ XIX. Vị trí chiến lược của Okinawa vừa là một cái may nhưng cũng vừa là một tai họa đối với dân cư tại đây. 

Trước hết đối với Nhật Bản, Okinawa trong quá khứ không hơn không kém là « cánh cổng mở ra phương nam » và trong mỗi một cuộc chiến (năm 1895 chống Trung Quốc, 1905 chống Nga, và chống Mỹ trong đệ Nhị thế Chiến), dân chúng trong vùng lại trở thành những nạn nhân trên tuyến đầu. 

Okinawa bị quân đội Mỹ sử dụng để phục vụ chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam. Cho đến năm 1972 Mỹ chính thức trao trả Okinawa lại cho Nhật Bản nhưng hòn đảo này tiếp tục được coi là căn cứ quân sự của Chú Sam. : 2/3 diện tích của hòn đảo được đặt dưới sự quản lý của quân đội Mỹ. Từ hơn một nửa thế kỷ qua, phần lớn người dân Okinawa luôn chống đối sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ nhưng chưa bao giờ tiếng nói của họ được lắng nghe. 

Sách trắng về Quốc phòng Nhật Bản được công bố vào tháng 7/2012 lại càng nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng về địa chiến lược của Okinawa. 

Hoa Kỳ coi Okinawa là lá chủ bài để củng cố ảnh hưởng tại khu vực, để siết chặt quan hệ của Washington với các đồng minh châu Á, từ Úc đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines. Trong mắt Hoa Kỳ, Okinawa là một trong những yếu tố then chốt để kềm tỏa những tham vọng quân sự của Trung Quốc. 

Cuối cùng đặc phái viên của báo Le Monde đưa ra một nhận định khá thú vị về thế khó xử của Hoa Kỳ trong tranh chấp chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư : quần đảo Senkaku nằm trong sự điều chỉnh của hiệp ước an ninh Mỹ Nhật - và điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ phải công nhận Senkaku thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Thế nhưng Washington lại muốn đứng ngoài tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo với Bắc Kinh vì không muốn phải trực tiếp đối đầu với Trung Quốc. Đó là điều tác giả bài báo gọi là thái độ « mập mờ, thậm chí là mâu thuẫn » của Mỹ. 

Không biết là ba nước lớn liên quan Trung Quốc – Nhật Bản và Hoa Kỳ đang toan tính những gì. Có một điều chắc chắn : đó là người dân trên quần đảo Okinawa đang rất lo ngại trước những động thái quân sự của cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản ngoài khơi quần đảo Senkaku. 

Can thiệp quân sự của Iran tại Syria

Trở lại với thời sự quốc tế, Le Monde có bài viết khá thú vị về « những bằng chứng ngày càng nhiều » cho thấy Iran can thiệp vào hồ sơ Syria, hỗ trợ cho chính quyền Damas. Téhéran mong « cứu vãn đồng minh Ả Rập quan trọng nhất của mình »

Theo một cuộc điều tra do chính Le Monde thực hiện, những thành phần tinh nhuệ nhất trong hàng ngũ lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran đã được điều sang Syria để hỗ trợ chính quyền Damas. Ngày 16/09/2012 vừa qua người đứng đầu Vệ binh Hồi giáo Iran đã xác nhận tin trên nhưng đã nhấn mạnh đó là một sự « hỗ trợ phi quân sự » và những phần tử được điều sang Syria lại « có khả năng can thiệp trong trường hợp cần thiết ». Các nhà quan sát cho rằng đó là một lời cảnh báo Téhéran nhắm gửi tới các nước như Ả Rập Xê út, Qatar, hay Thổ Nhĩ Kỳ có ý định hỗ trợ tài chính cho phe nổi dậy Syria.

Một chuyên gia về tình hình Trung Cận đông được Le Monde trích dẫn cho biết thoạt đầu Iran chỉ hỗ trợ Syria trong việc « theo dõi, canh chừng điện thoại và trao đổi Internet » của các thành phần nổi dậy. Nhưng khi phong trào dân chủ Syria càng mạnh hơn thì Téhéran đã cung cấp cho Damas những « phương tiện đàn áp người dân ở thành phố ».

Nguồn tin trên cho biết thêm : nhân vật số hai của lực lượng cảnh sát chống bạo động Iran, người từng thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình tại Téhéran đã nhiều lần tới Damas vào cuối năm ngoái ». Đó cũng là thời điểm Iran bắt đầu hỗ trợ quân sự cho chính quyền Bachar Al Assad.

Khi con trẻ thất tình

Trước khi đóng lại các tờ báo trong ngày, xin điểm qua bài báo trên tờ Le Figaro liên quan đến phần trang y tế. Bài báo cảnh giác các bậc cha mẹ khi « con trẻ thất tình ». Một người mẹ kể lại nỗi hoang mang và lo sợ của bà khi thấy cô con gái 17 tuổi bị tình phụ. Bà không biết phải khuyên nhủ con như thế nào, có nên hỏi cô con gái về nỗi niềm đang trải qua hay không. Nhưng linh tính của người mẹ ấy biết rằng, con bà đang đứng trước một cơn bão lớn về nội tâm và bà cũng ý thức được rằng đã có biết bao nhiêu thanh thiếu niệm tự vẫn chỉ vì thất vọng với mối tình đầu.

Có những người tìm cách nói chuyện với con để giải tỏa nỗi niềm, nhưng lại cũng có những đứa trẻ lại quá khép kín và muốn giữ riêng nỗi niềm. Chính sự khép kín đó mới là nguy hiểm. Chúng có thể rơi vào trạng thái trầm cảm. Nếu trạng thái đó kéo dài thì cần đi khám bác sĩ chuyên ngành. Dù thế nào đi chăng nữa thì sau thất vọng vì mối tình đầu, bạn nên biết rằng con mình sẽ không còn tin vào một tình yêu tuyệt đối hay một cuộc tình lãng mạn nữa !!!

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.