Vào nội dung chính
CAM BỐT - THÁI LAN - PHỎNG VẤN

Quân đội Thái Lan triển khai kế hoạch ''chống tấn công từ phiá Cam Bốt''

Một kế hoạch phòng thủ “chống tấn công từ phía Cam Bốt” đã được quân đội Thái tiến hành từ tháng giêng năm nay. Động thái này đi ngược lại chính sách hòa dịu của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Quân đội Thái Lan trên biên giới với Cam Bốt hôm 28/5/2011
Quân đội Thái Lan trên biên giới với Cam Bốt hôm 28/5/2011 Ảnh:REUTERS/Sukree Sukplang
Quảng cáo

Theo Asia Times, các tùy viên quân sự ngoại quốc được mời thăm viếng khu vực biên giới công nhận là kế hoạch mới của Thái Lan từ phối hợp công thủ đến yễm trợ hỏa lực đều rất tinh vi và hiệu quả khác hẵn với tình trạng trước đây. Giới phân tích chưa rõ kế hoạch tái phối trí này ngoài mục tiêu phòng thủ còn có dụng ý nào khác.

07:47

Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh

Từ PhnomPenh, thông tín viên Phạm Phan tường trình: 

Vào cuối tháng 7, sau một hội nghị liên quan đến ASEAN nhóm tại Siêm Riệp, hai người đứng đầu chính quyền ở Cam Bốt và Thái là ông Hun Sen và bà Yingluck đã đồng ý tạm thời tái phối trí quân ở hai bên biên giới. Thỏa thuận này là một bước tiến bộ để giảm bớt căng thẳng sau những đụng độ quân sự gây chết người do việc tranh chấp ngôi đền cổ Preah Vihear bùng lên ác liệt từ thời cựu Thủ Tướng Thái Abhisit.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngưng bắn và rút quân nói trên có thể bị đe dọa nghiêm trọng từ những người chỉ huy quân đội cao cấp ở Thái Lan.

Theo bài báo mới đây trên Asia Times Online thì giới lãnh đạo quân đội Thái từ hồi đầu năm nay đã ráo riết cho thực hiện kế hoạch mới về phòng thủ quân sự được Thiếu Tướng Chalit Meekkukda soạn thảo. Thiếu Tướng Chalit Meekkukda là Tư Lịnh Sư Đoàn 6 Bộ Binh, một Sư Đoàn chủ lực đặt bản doanh tại tỉnh Surin thuộc Quân Khu 2 đảm nhiệm toàn bộ vùng Đông Bắc Thái sát tuyến biên giới Cam Bốt. Và tất nhiên, kế hoạch phòng thủ mới này đã được những tướng lĩnh hàng đầu của Quân Đội Hoàng Gia Thái chấp thuận.

Với một đất nước rộng lớn và kéo dài từ Bắc xuống Nam , nhưng về mặt quân sự, Thái chỉ được phân làm 4 khu vực quân sự. Quân Khu I đảm nhiệm khu vực Trung Thái, bao gồm Băng Cốc. Quân Khu II thống lĩnh toàn bộ lực lượng quân sự ở miền Đông Bắc, chính yếu là đối phó với quân đội Cam Bốt khi nổ ra tranh chấp lãnh thổ. Quân Khu III phụ trách miền Bắc Thái giám sát phần lớn tuyến biên giới với Miến Điện. Quân Khu IV coi hết miền Nam Thái, hiện đang đối đầu với lực lượng Hồi Giáo cực đoan.

Với sự phân bố lực lượng quân đội theo địa hình như thế, và theo truyền thống của quân đội Thái thì quyền hành các viên Tướng Tư Lịnh Quân Khu, cũng như các viên Tướng Tư Lịnh Sư Đoàn rất được nể trọng, và họ còn được trao quyền tự chủ với mức độ lớn tại địa phương họ cai trị. Điều này còn chỉ ra cho thấy, tại sao trong lúc bà Thủ Tướng Yingluck chủ trương hòa bình với Cam Bốt thể theo ý muốn của ông anh bà là cựu Thủ Tướng Thaksin thì giới cầm đầu quân đội Thái lại chủ định xây dựng cho thật tốt kế hoạch phòng thủ tại vùng biên giới Thái - Cam Bốt. Kế hoạch phòng thủ mới, thực chất là kế hoạch đơn phương tái phối trí lực lượng quân sự Thái tại biên giới với quy mô chưa từng có trước đây.

2/ Tại sao Thái Lan phải tái phối trí lực lượng theo chiều hướng tăng cường quân thiện chiến và củng cố tuyến phòng thủ?

Khác với tình hình xung đột vũ trang vào thập niên 1970, hiện nay tại dọc biên giới Thái không còn Lực Lượng Liên Hiệp Kháng Chiến Cam Bốt do cựu Thủ Tướng Son Sann, và cựu Hoàng Sihanouk lãnh đạo, trong đó có tàn quân Khmer Đỏ, và đã được Thái dùng làm tuyến phòng ngự số 1 để ngăn chận chống lại bộ đội Hà Nội thọc sâu vào lãnh thổ Thái.

Vì thế ở thời điểm này các đơn vị chiến đấu của quân đội Thái như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, và Bộ Binh chủ lực đóng tại Quân Khu II được sử dụng như tuyến phòng thủ chính yếu. Thực chất đây là những mũi tiến công một khi có thời cơ quân sự.

Biệt Động Quân Thái được đánh giá là đơn vị vũ trang được huấn luyện không tinh nhuệ, các quân nhân được tuyển chọn từ thành phần dân nghèo, do vậy khả năng sẳn sàng chiến đấu được coi là thiếu hiệu quả.

Trong kế hoạch mới chuẩn bị cho cuộc chiến tại biên giới Thái - Cam Bốt, Sư Đoàn 6 Bộ Binh thuộc Quân Khu II được coi là thành phần nồng cốt trong đội hình hình thành chiến tuyến phòng ngự mới và nó được mang tên là Lực Lượng Đặc Nhiệm Surin.

Vũ khí tác chiến khi lâm trận của Lực Lượng Đặc Nhiệm này bao gồm trọng pháo và các vũ khí hạng nặng. Bên cạnh đó còn các đơn vị tăng phái trực thuộc Lực Lượng Đặc Nhiệm được điều động chiếm giữ những vị trí then chốt có ưu thế quân sự dựa theo tin tình báo và không ảnh được chụp từ vệ tinh để quân Thái quan sát rõ địa hình ở cả hai bên biên giới Cam Bốt và Thái, mục đích để quân Thái chủ động trên trận địa một khi xảy ra đối đầu.

Sự phòng thủ còn chú ý đến hầm hố cho các đơn vi tác chiến, hầm được đào sâu và còn mái che bên trên chắc chắn để cho người lính tránh được mảnh pháo hay sức công phá của súng cối và hỏa tiễn. Các cáp liên lạc giữa các chỉ huy trận địa đươc chôn ngầm dưới đất nhằm giảm thiểu sự nhiễu âm và tránh quân địch Cam Bốt bắt được làn sóng.

Xạ trường của tuyến phòng thủ bên Thái cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng trước và ngụy trang thích hợp theo từng địa hình nhằm bảo đảm cho các đơn vị tác chiến Thái có cơ hội tác xạ chính xác ở mức cao nhất nhắm vào địch quân Cam Bốt, theo như giả định của kế hoạch phòng thủ mới.

Các đoàn tùy viên quân sự của nước ngoài đã được Thái mời đi quan sát tuyến phòng thủ mới và họ đã có nhận xét Thái chuẩn bị rất công phu, chuyên nghiệp và tinh vi so với trước đây.

Tại thành phố Korat mới đây, giới chỉ huy cao cấp trong Quân Đội Hoàng Gia Thái đã tổ chức cuộc họp kéo dài một tuần để lượng định ý kiến tham mưu chỉ huy sau các cuộc diễn tập quân sự. Thiếu Tướng Chalit Meekkukda Tư Lịnh Sư Đoàn 6 Bộ Binh là người góp phần quan trọng vào việc hình thành kế hoạch chiến lược mới tại vùng Đông Bắc Thái giáp Cam Bốt được khen ngợi là viên Tướng có nhiều kinh nghiệm chỉ huy quân sự, cũng như được kính trọng.

3/ Trước sự kiện Thái Lan huy động các lực lượng thiện chiến và các tướng giỏi về quân khu biên giới, phía Cam Bốt đã có những chuẩn bị nào ?

Với kế hoạch phòng thủ chu đáo, khoa học, và quy mô hơn nhiều so với trước đây, thì rõ ràng giới lãnh đạo quân đội Thái bộc lộ chủ ý của họ trong cuộc tranh chấp biên giới với Cam Bốt, đó là phòng ngự tốt tức là sẳn sàng tấn công thắng lợi vào địch quân Cam Bốt mà trong cách suy nghĩ của các tướng lãnh Thái là Cam Bốt có khả năng thực hiện cuộc tấn công vào lãnh thổ Thái bất cứ lúc nào.

Chi phí quốc phòng của Thái hàng năm cao hơn nhiều so với Cam Bốt, lực lượng vũ trang của họ gồm không quân, hải quân, bộ binh được trang bị tốt, số lượng đông hơn, và huấn luyện thuần thục hơn so với quân đội Cam Bốt.

Đứng trước một đối thủ có sự chuẩn bị thận trọng như thế, phía Cam Bốt trong trường hợp muốn có khả năng đáp trả tương thích thì buộc họ phải tiến hành ngay công tác củng cố quân đội và phòng ngự vững chắc biên giới, khi điều này xảy ra, Cam Bốt tất nhiên cần nhiều tài chính cho quốc phòng. Thực tế thì Cam Bốt có khả năng hạn hẹp về chi phí quốc phòng.

Trong quá khứ Thái và Cam Bốt đã có nhiều cuộc đối đầu quân sự, tuy nhiên từ vài năm trở lại đây, khi nổ ra cuộc tranh chấp ngôi đền cổ Preah Vihear, vấn đề tranh chấp biên giới được hâm nóng trở lại và vì thế thành phần quân nhân chuyên nghiệp của Thái nhanh chóng chụp lấy cơ hội để họ thao túng chính trường Thái.

Giới lãnh đạo quân sự Thái không đồng ý với đường lối hòa bình với láng giềng mà bà Thủ Tướng Yingluck đang thực hiện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.