Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Sinh viên các nước đang trỗi dậy trên đường chinh phục thế giới

Tình hình kinh tế Pháp với thất nghiệp ở Pháp vượt ngưỡng 3 triệu người, tập đoàn Total bị phạt trong vụ tai nạn tàu dầu Erika gây ô nhiễm nghiêm trọng bờ biển Pháp cách đây hơn 10 năm, vào cuối năm 1999, tình hình nguy khốn đến nỗi lãnh đạo Mali (Châu Phi) phải cầu viện đến Liên Hiệp Quốc… Đây là những chủ đề thời sự nổi cộm đập mắt trên báo Pháp ngày 26/09/2012. Nhưng có một đề tài rất lý thú được Le Monde nêu bật trên trang nhất : « Trung Quốc, xưởng chế tạo trí tuệ ».

DR
Quảng cáo

Bài báo đề cập đến những tác nhân tương lai của thế giới là sinh viên. Tương lai này tờ báo nhìn thấy đang lên ở các nước đang trổi dậy, đặc biệt là ở Châu Á. Le Monde ghi nhận là số sinh viên tốt nghiệp Đại học, có bằng cấp ở các nước đang vươn lên đang trở thành cao hơn là ở các quốc gia phương Tây, dặc biệt là tại Trung Quốc, với số lượng tăng ngoạn mục : Sinh viên Trung Quốc hiện đông bằng toàn bộ số dân ở Canada !

Minh hoạ cho nhận định của mình tờ báo trích số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE. Nếu vào năm 2000, số sinh viên tốt nghiệp ở các nước phát triển là 51 triệu, trong khi các nước đang trỗi dậy chỉ là 39 triệu, thì thống kê năm 2012 cho thấy xu hướng đã đảo ngược : Lượng sinh viên các nước phát triển có tăng – lên đến 69 triệu - nhưng số lượng bên các nước đang trỗi dậy đã tăng vọt lên thành 73 triệu.

Ở trang trong dưới tựa đề « Sinh viên các nước đang trỗi dậy đi chinh phục thế giới », tờ báo nhìn thấy rằng Trung Quốc và Ấn Độ muốn đóng một vai trò hàng đầu trên sân khấu đại học thế giới.

Tóm lược tình hình với nhận xét hóm hỉnh : « Chất xám chuyển dịch sang phiá Đông ! », Le Monde thông báo là vào năm 2020, 40% trên tổng số 204 triệu sinh viên của Tổ chức OCDE và của nhóm G20 sẽ đến từ 2 quốc gia : Ấn Độ và Trung Quốc, trong lúc Hoa Kỳ và Châu Âu chỉ còn chiếm 1/4 tổng số này.

Tờ báo đăng bảng xếp hạng 10 nước đứng đầu thế giới về số lượng sinh viên tốt nghiệp, với xu hướng từ năm 2000 đến năm 2020 :
Hoa Kỳ đứng đầu vào năm 2000, đã tuột xuống hạng 2 năm 2010, nhường chỗ lại cho Trung Quốc. Năm 2020, thì Mỹ sẽ đứng hạng 3 nhường chỗ hạng hai cho Ấn Độ.

Nga đứng hàng thứ 3 năm 2000, chỉ mất có một hạng, xếp thứ 4 ; Nhật Bản từ hàng thứ 4 năm 2000 tuột xuống hạng 6, trong lúc Indonesia vào năm 2020 sẽ lên hạng 5. Năm 2000, Indonesia ở cách xa phía sau. Hàn Quốc là nước bị tụt hạng mạnh, từ hạng 6 năm 2000 xuống hạng 9.

Trong các nước châu Âu đứng vào bảng 10 nước hàng đầu thì chỉ có Anh Quốc là lên được từ hạng 10 lên hạng 7, trong khi Pháp, Đức từng chiếm hạng 8 và 9 năm 2000 thì bị loại ra khỏi bảng này.

Đây là 10 nước đứng đầu bảng, nhưng nhìn chung thì các nước đang trổi dậy vượt trội các nước phát triển.

Le Monde trích dẫn chuyên gia tổ chức OCDE, giải thích yếu tố dẫn đến xu hướng này là sự hội nhập các nước đang vươn lên vào kinh tế thế giới. Sự phát triển kinh tế ở các quốc gia này tạo ra một tầng lớp trung lưu, thúc đẩy con cái mình trên con đường học vấn, và yếu tố này cũng tác động lại đến tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Chuyên gia OCDE còn ghi nhận hiện tượng là bên cạnh số lượng sinh viên Châu Á đi du học ở ngoài nước cũng gia tăng mạnh. Họ chủ yếu đến Hoa Kỳ, Châu Âu, Úc. Riêng Châu Á bắt đầu tìm cách thu hút sinh viên nơi khác, một điểm mới mà Le Monde xem là một ‘cuộc cách mạng’. Trung Quốc, theo bài báo, muốn khẳng định ‘quyền lực mềm’ của mình đã đặt ra chỉ tiêu đón 500.000 sinh viên quốc tế mỗi năm từ đây đến năm 2020.

Tàu sân bay Trung Quốc đầu tiên đi vào hoạt động đúng lúc ?
Libération hôm nay cũng nhìn về Châu Á, nhưng chú ý đến cuộc đọ sức Trung Nhật. Tờ báo ghi nhận : « Trực diện với Trung Quốc, Nhật Bản cứng rắng trên đất của mình ». Hàng tít nằm dưới bức ảnh hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc.

Đối với Libération, việc đưa vào hoạt động chiếc tàu vào hôm qua là một sự phô trương lực lượng mang tính biểu tượng và diễn ra rất đúng lúc đối với Bắc Kinh, trong lúc nước này đang đọ sức vơí Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp.

Điều khiến tờ báo bất ngờ là Tokyo đã tỏ ra kiên quyết không nhường nhịn Trung Quốc. Libération đã trích lời ông Hitoshi Tanaka, chủ tịch Viện Chiến lược Quốc tế của Nhật Bản, đồng thời là cựu cố vấn Thủ tướng Koizumi trước đây, cho là Nhật Bản « không có sự chọn lựa nào khác là gìn giữ, bảo vệ quần đảo thuộc lãnh thổ quốc gia ». Nhắc đến các vụ biểu tình, đập phá bài Nhật mà chính quyền Trung Quốc làm ngơ, ông Tanaka còn đánh giá : « Trung Quốc không phải là một nước văn minh ».

Le Figaro hôm nay cũng rất chú ý đến chiếc Liêu Ninh với tựa đề « Trung Quốc trang bị cho quân đội mình chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên ». Hàng tựa được đưa bên cạnh bức ảnh ông Hồ Cẩm Đào đến khai trương chiếc tàu. Thế nhưng tờ báo trước tiên hết cho đây là một biểu tượng mạnh nhưng không chắc là con tàu có thể nhanh chóng hoạt động được.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến tận nơi tham dự lễ khai trương, tăng thêm phần long trọng cho sự kiện. Le Figaro cũng nhắc lại thông cáo của bộ Quốc phòng Trung Quốc là chiếc tàu góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và công cuộc phát triển quyền lợi đất nước. Cũng như đồng nghiệp Libération, Le Figaro nhấn mạnh trên tính biểu tượng của sự kiện trong tình hình đọ sức hiện nay với Nhật Bản, cho dù theo bài báo chiếc tàu Trung Quốc có lẽ chưa thể phô trương cơ bắp trong các cuộc tranh chấp trong vùng.

Le Figaro cũng nhận xét mỉa mai rằng không phải cứ gọi là tàu sân bay là có thể đủ sức ngay để đón máy bay. Theo nhật báo Pháp, chưa có chiếc phi cơ nào đã đáp hoặc cất cánh từ con tàu này. Le Figaro còn lưu ý rằng các chuyên gia đã xem xét kỹ lưỡng các bức ảnh chụp từ vệ tinh hay bị đánh cắp, và quả nhiên là có một bức ảnh cho thấy có một chiếc máy bay trên tàu, nhưng đó là trong lúc chiếc tàu đậu ở bến cảng và chiếc máy bay được cần cẩu đặt lên tàu...

Tờ báo trích các tin tình báo cho là phải mất từ 2 đến 4 năm nữa để tàu Liêu Ninh có thể thực hiện hữu hiệu chức năng hàng không mẫu hạm của mình. Nhưng đấy chỉ là mặt kỹ thuật thuần túy. Còn trong chiến dịch hoạt động trên biển rất phức tạp, còn phải tính đến các chiếc tàu khác chung quanh. Giai đoạn này phải mất 10 năm nữa.

Theo Le Figaro, với chiếc Liêu Ninh, thực ra Trung Quốc muốn mở đường cho việc đóng tàu sân bay thuần túy Trung Quốc và dự kiến trang bị cho mình 4 chiếc, cỡ trung bình (khoảng 60.000 tấn), từ đây đến đến năm 2020. Có lẽ một chiếc đang được đóng ở Trường Hưng (Chanxing), gần Thượng Hải.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, cho dù tàu sân bay của Trung Quốc không thay đổi nhiều ván bài chiến lược như những loại vũ khí khác, như tàu ngầm chẳng hạn, nhưng nó mang tính chất biểu tượng cao về uy lực một nước.

Pháp : Cú sốc 3 triệu người thất nghiệp
Nhìn lại nước Pháp, với ba triệu người thất nghiệp, theo con số chính thức công bố hôm nay, Le Figaro nêu bật sự kiện trong hàng tít lớn trang nhất của mình, và nói đến « Cú sốc 3 triệu người thất nghiệp ». Tờ báo phân tích một cách chua xót là khi đạt ngưỡng tâm lý chưa hề vượt qua từ 13 năm nay, Pháp cho thấy sự bất lực trong việc giải quyết nạn thất nghiệp hàng loạt.

Trong bài xã luận, Le Figaro phê phán là đành rằng có khủng hoảng, tình trạng thất nghiệp cao như thế cũng bắt nguồn từ nhiều chỗ yếu của Pháp : Thiếu khả năng cạnh tranh ; giá lao động cao ; thuế ngày nặng thêm ; quy định phiền phức gây chán nản... Dễ hiểu là các công ty xí nghiệp không muốn thu dụng nhân công. Tờ báo kêu gọi phải nhanh chóng giải quyết gánh nặng nói trên.

Ngoài ra tờ báo còn yêu cầu nước Pháp suy nghĩ trên những vấn đề khiến không thể nào chống nạn thất nghiệp cao, như chính sách trợ cấp « hào phóng » khiến người thất nghiệp không muốn nhận việc làm, cải thiện vấn đề đào tạo nghề nghiệp, đào tạo cụ thể để có thể chuyển nghành nghề... Tờ báo công nhận rằng đấy là những vấn thường gây tranh cãi, nhưng với 3 triệu người thất nghiệp thì không thể ngồi yên.

Le Monde trong bài xã luận cũng nhìn thấy là phải giúp đỡ các xí nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để họ sản xuất trong nước. Không có cách nào khác để chống thất nghiệp. Sự phồn thịnh và công việc làm chỉ có thể đến từ các xí nghiệp mà thôi. Le Monde không tán đồng các sắc thuế ngày càng nặng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.