Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Doanh nghiệp Nhật hướng nhìn sang Đông Nam Á do căng thẳng Bắc Kinh –Tokyo

Trước các rủi ro kinh tế, chính trị tại Trung Quốc và làn sóng bài Nhật do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ở biển Hoa Đông, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng nhìn sang khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Miến Điện. 

Nhà máy xe hơi Toyota tại Thiên Tân, miền Đông bắc Trung Quốc.
Nhà máy xe hơi Toyota tại Thiên Tân, miền Đông bắc Trung Quốc. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Trong số các nạn nhân của cuộc tranh chấp Nhật –Trung lần này, phải kể đến hai tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực xe hơi là Toyota và Nissan.

Toyota, được xếp hạng số một thế giới trong sáu tháng đầu năm nay, đã cho ngừng hoạt động phần lớn các cơ sở lắp ráp xe hơi tại Trung Quốc, trong vòng bốn ngày, kể từ hôm qua, 26/09/2012. Hôm nay, một số nhà máy của Nissan tại Trung Quốc đóng cửa cho đến hết tuần này.

Giữa tuần trước, cả hai tập đoàn của Nhật đã phải tạm ngưng một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất, vì lo ngại cho sự an toàn của các nhân viên và cơ sở sản xuất, trong bối cảnh xẩy ra các cuộc biểu tình bài Nhật ở nhiều nơi trên lãnh thổ Trung Quốc.

Kinh tế gia Takeshi Takayama, thuộc Viện nghiên cứu NLI (Nippon Life Insurance), ở Tokyo nói với AFP : « Không ai thực sự biết là đến khi nào điều này sẽ lại xẩy ra trong tương lai gần ».

Ngoài các cuộc biểu tình bài Nhật, trong thời gian qua, các cơ quan của Trung Quốc, đặc biệt là hải quan, dường như tìm cách gây khó dễ, do vậy, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng cần phải khẩn trương tìm kiếm cơ hội ở nơi khác, không nên « bỏ tất cả trứng vào trong một giỏ ».

Theo số liệu chính thức của Bắc Kinh, trong năm 2011, đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc lên tới 6,3 tỷ đô la, tăng 50% so với năm 2010. Còn đầu tư của Hoa Kỳ chỉ là 3 tỷ đô la, giảm 26%.

Đối với kinh tế gia Takeshi Takayama, đương nhiên Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nhật Bản, nhưng các doanh nghiệp xứ Hoa anh đào chắc chắn hướng mắt về các nước châu Á khác, như Việt Nam, Thái Lan.

Năm 2010, cũng do căng thẳng trong hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã cắt giảm đáng kể các xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Ngoài rủi ro tiềm ẩn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Senkaku/Điếu Ngư, các nhà phân tích còn nêu ra 2 yếu tố khác : Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, giá nhân công tăng. Đây là hai trong số nhiều yếu tố buộc các doanh nhân Nhật Bản phải xem xét lại kế hoạch đầu tư.

Một số nước Đông Nam Á nhanh chóng hiểu được rằng đây là một cơ hội tốt. Philippines đang nhắm tới khoảng 15 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Hôm qua, Manila hứa sẽ có những ưu đãi thuế khóa dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc sang Philippines.

Một địa điểm khác đang trở nên rất hấp dẫn : Đó là Miến Điện. Sau khi bật đèn xanh cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Miến Điện, hôm qua, Washington còn thông báo ý định bãi bỏ cấm vận đối với hàng nhập khẩu của nước này.

Chuyên gia Yukio Suzuki, ở viện nghiên cứu Bell Investment, khẳng định Miến Điện là điểm đến trong tương lai. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị : Ngày 15/10 tới đây, hãng hàng không All Nipon Airways – ANA – sẽ khai trương tuyến bay Tokyo – Rangoon. Trong tuần này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã cử một phái đoàn quan trọng sang Miến Điện để xây dựng các quan hệ, tiếp xúc với giới doanh nhân địa phương và các quan chức chính phủ.

Theo AFP, Nhật Bản còn dự tính tổ chức một cuộc gặp quốc tế hỗ trợ tài chính cho Miến Điện, vào tháng tới ở Tokyo, bên lề cuộc họp thuờng niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Tháng Tư vừa qua, Nhật Bản đã xóa nợ 3 tỷ đô la và chuẩn bị nối lại tài trợ cho Miến Điện, một quốc gia giàu khoáng sản và nhiên liệu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.