Vào nội dung chính
PHILIPPINES

Luật chống tội phạm trên mạng của Philippines gây bất bình

Theo bản tin của AFP đề ngày 29/09/2012 nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền Philippines chỉ trích bộ luật mới chống tội phạm trên mạng vừa được Tổng thống ban hành hôm 15/09/2012. Văn bản đó quy định đăng những lời bình luận có tính cách vu khống trên các mạng xã hội có thể bị phạt tới 12 năm tù.

DR
Quảng cáo

Tuần trước Tổng thống Philippines đã ban hành đạo luật chống tội phạm trên mạng. Đây là cơ sở pháp lý để nhắm vào các vụ tin tặc, để nhận diện các tội phạm lấy cắp thông tin cá nhân hay tin bảo mật, bài trừ các hành vi kích động tình dục trên mạng Internet … Đạo luật này bao gồm cả việc trừng phạt những người sử dụng các mạng xã hội, như Facebook, Twitter để đăng những lời bình luận có tính cách vu khống và bôi nhọ thanh danh của người khác.

Theo giới bảo vệ các quyền tự do báo chí và ngôn luận của Philippines, phạm vi bị coi là « vu khống » của bộ luật này đối với dân cư mạng được định nghĩa rộng hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông truyền thống như là báo chí, truyền thanh và truyền hình. Thêm vào đó, giới này cho rằng với bộ luật chống tội phạm trên mạng, chính quyền sẽ kiểm soát dữ liệu và trương mục cá nhân của những người sử dụng các mạng xã hội. Đó là một sự vi phạm nghiêm trọng nhắm vào quyền tự do cá nhân. Theo quy định của bộ luật chống tội phạm mới, đăng tải những lời bình luận mang tính vu khống trên mạng xã hội có thể bị kết án 12 năm tù và 1 triệu peso tiền phạt. Đối với các phương tiện truyền thông khác thì hình phạt này chỉ là 4 năm tù và 6 000 peso tiền phạt.

Về phần mình, ông Brad Adams, giám đốc đặc trách khu vực châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch cho rằng với bộ luật nói trên, chính quyền Manila đã gửi đi một tín hiệu « đáng sợ » khi biết rằng 1/3 dân số Philippines sử dụng Internet và 96 % trong số đó tham gia vào mạng xã hội Facebook.

Đến nay đã có 5 bản kiến nghị đòi chính quyền Manila rút lại luật mới chống tội phạm trên mạng, với lý do văn bản này đi ngược lại với Hiến pháp của Philippines ; vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được tự do bày tỏ ý kiến cá nhân.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.