Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - NHẬT BẢN

Dokdo / Takeshima, đảo tranh chấp cản trở quan hệ Nhật – Hàn

Nhìn sang châu Á, Nhật báo Le Figaro có bài phóng sự với tựa đề « Hòn đảo lạc trong Thái Bình Dương dựng lên giữa Seoul và Tokyo » đề cập đến các căng thẳng tranh chấp biển đảo ở khu vực Đông Bắc Á đang nổi lên trong thời gian qua. Cụ thể là cuộc tranh chấp hòn đảo nhỏ mà người Hàn Quốc gọi là Dokdo, người Nhật gọi là đảo Takeshima.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak (phải) trong chuyến đi thăm đảo Dokdo/Takeshima ngày 10/08/2012.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak (phải) trong chuyến đi thăm đảo Dokdo/Takeshima ngày 10/08/2012. REUTERS
Quảng cáo

Thời gian gần đây các cuộc tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản với hai nước láng cùng lúc trở lên căng thẳng. Bên cạnh vụ tranh chấp Điếu Ngư /Senkaku với Trung Quốc, vụ đảo Dokdo/Takeshima với láng giềng Hàn Quốc cũng không kém phần gay cấn, gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước vốn dĩ vẫn tồn tại những thâm thù, ấm ức từ trong quá khứ .

Đặc phái viên của Le Figaro đã đến được tận nơi đảo Dokdo/ Takeshima, hiện trong quyền kiểm soát của Hàn Quốc, để kể lại những điều mắt thấy, tai nghe tại hòn đảo đang tranh chấp giữa hai nước Nhật-Hàn. Cư dân duy nhất của hòn đảo này gồm chỉ có hai vợ chồng một ngư dân, nay đã 73 tuổi và 45 binh lính thuộc một đơn vị cảnh sát đến đồn trú bảo vệ đảo.

Theo ghi nhận của phóng viên, đơn vị lính được điều đến giữ đảo được trang bị những thiết bị công nghệ, tiện nghi hiện đại nhất và thường xuyên được tiếp viện bằng trực thăng từ đất liền. Nhiệm vụ của họ là luôn hướng nhìn về phía Nhật Bản, cảnh giác bảo vệ chủ quyền hòn đảo đá có diện tích chừng 35 ha. Lee Gwang Seub, chỉ huy trưởng đơn vị đóng trên đảo từ năm 1996 tuyên bố với giọng hùng hồn rằng : « Người Nhật muốn nói gì thì nói, Dokdo là lãnh thổ của chúng tôi và chúng tôi sẽ mãi bảo vệ đảo ».

Bầu không khí tranh chấp biển đảo giữa Seoul và Tokyo trở nên căng thẳng sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak hôm 10/8 tới đảo. Sự kiện này đã làm cho Tokyo nổi giận. Chính phủ Nhật ngay lập tức khẳng định lại rằng hòn đảo này từ năm 1905 đã được sáp nhập vào quận Shimane, nằm cách đó 157 km. Tokyo cũng cảnh báo sẽ ra đòn trả đũa về kinh tế đối với Seoul.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc sau đó đã tăng cường các hoạt động tuần duyên xung quanh khu vực đảo, trong khi đó các tàu của Nhật cũng tiếp cận vùng biển này với mật độ dày hơn. Hôm 21 tháng 9 một tàu chiến của Nhật đã xâm nhập vào vùng biển nằm dưới sự kiểm soát của không quân Hàn Quốc. Tuy không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra nhưng những sự việc như vậy đã khiến người anh cả Hoa Kỳ phải lên tiếng kêu gọi cả hai đồng minh của mình kiềm chế.

Theo Le Figaro, trước khi có chuyến viếng thăm của Tổng thống Lee Myung Bak, đại đa số người dân Nhật không để ý đến cái tên Takeshima.Nhưng ở Hàn Quốc, dáng hình của đảo Dokdo vẫn xuất hiện khắp nơi, trong các nhà ga tàu điện ngầm hay trên nhãn chai rượu Soju. Với người Hàn Quốc, Dokdo là biểu tượng gợi nhắc lại nỗi nhục nhã của người Triều Tiên thời bị thực dân Nhật đô hộ.

Từ khi mở cửa cho khách du lịch năm 2005, mỗi năm có 900 nghìn người Hàn Quốc tới thăm hòn đảo, mặc dù đường đến đảo không dễ dàng thuận tiện gì. Tác giả bài báo đã tận mắt chứng kiến những du khách tới đảo, hừng hực khí thế hô vang những khẩu hiệu yêu nước, tay giương cao cờ Hàn Quốc trước mỗi khi chụp ảnh kỷ niệm chuyến đi. Ông Myung Gwan, một du khách đến từ Busan nói: « Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức đã lên tiếng xin lỗi, còn Nhật thì chưa hề ! » Những hình ảnh chiến tranh mà người châu Âu đã quên rồi nay vẫn còn đè nặng trong tâm trí của người dân trong cái góc nhỏ ở Đông Bắc Á này. Một du khách khác cho biết, mỗi người Hàn Quốc đều phải đến đây ít nhất một lần trong đời.

Tác giả nhận thấy, đằng sau chuyện Dokdo, người Triều Tiên vẫn nhìn thấy một quá khứ chưa qua hẳn với Nhật, như chuyện « gái giải sầu » cho quân đội Nhật … Tokyo nhắc lại, những hồ sơ đó đều đã được giải quyết trong hiệp ước song phương ký từ năm 1965, nhưng Seoul vẫn chưa chịu thôi. Mới đây tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung Hwan đã kêu gọi Tokyo nhìn thẳng vào « phần khuất trong lịch sử ».

Từ nay đến cuối tháng, Nhật sẽ đưa hồ sơ tranh chấp Dokdo/Takeshima ra trước Tòa án Quốc tế La Haye. Như vậy cuộc chiến Dokdo/Takeshima giữa hai nước mới chỉ bắt đầu.

Làn sóng tự thiêu Tây Tạng lan sang thường dân

Vẫn liên quan đến châu Á, báo Libération đề cập đến tình hình các vụ tự thiêu của người Tây Tạng tại Trung Quốc để tỏ sự phản kháng tuyệt vọng với chính quyền, lại rộ lên trong tuần qua với bài viết mang tựa : "Tự tử tại Tây Tạng : Sau các nhà sư là những người thế tục".

Libération cho hay, từ hồi tháng Hai năm 2009, thời điểm khởi phát tự thiệu của các nhà sư Tây Tạng, đến nay đã có 55 người chọn cách tự thiêu để phản đối sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc. Làn sóng tự thiêu này có vẻ như lắng xuống một thời gian nay lại bùng lên. Trong tuần qua, tại chính khu tự trị Tây Tạng đã xảy ra 3 vụ tự thiêu để phản kháng lại chính sách đàn áp của chính quyền trung ương.

Những nạn nhân lần này đều không phải là các nhà sư, đặc biệt trong đó có nhà văn người Tây Tạng Gudrrub, 42 tuổi, tự thiêu hôm 4/10. Ông đã để lại những dòng tố cáo sau cùng trên blog của mình như sau : « Chính phủ Trung Quốc buộc toàn thể người Tây Tạng phải sống trong nhà tù và và bị chế độ ngược đãi liên tục. Những người Tây Tạng chỉ vì lý do duy nhất là không chịu công nhận Tây Tạng là một bộ phận của Trung Quốc thì bị sát hại hay bị đưa đi biệt tích ». Ông cũng lấy làm tiếc việc « Chính phủ Trung Quốc không đếm xỉa đến đề nghị hòa bình của Đức Đạt Lai Lạt Ma nhằm khôi phục quyền tự trị của Tây Tạng ».

Libération cho biết, cuối tuần qua, khoảng 400 người Tây Tạng đã biểu tình tại Dharamsala, Ấn Độ, nơi đặt trụ sở của chính phủ Tây Tạng lưu vong, để kêu gọi những người đồng bào của mình ở trong nước hãy thôi tìm đến cái chết để phản đối chính quyền. Theo nhà văn tự thiêu Gudrup thì hành động tự thiêu là cần thiết để « phơi bày những gì thực sự đang diễn ra ở Tây Tạng ».

Từ sau vụ bạo động tại khu tự trị Tây Tạng năm 2008, toàn bộ khu tự trị và các tỉnh lân cận có người Tây Tạng sinh sống đều gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Vì thế mà các hành động trấn áp được che đậy không ai biết. Nhưng hôm Chủ nhật một người dân tại Lhassa thủ phủ của Tây Tạng qua điện thoại cho phóng viên của Libération biết ở Tây Tạng lúc này « còn tồi tệ hơn cả chế độ Apartheid ở Nam Phi trước đây ».

Pháp : Truy quét các phần tử Hồi giáo cực đoan chuẩn bị khủng bố

Thời sự nổi bật được các báo Pháp ra hôm nay nhất loạt đưa tin là chiến dịch truy quét trên quy mô rộng lớn ở Pháp các tổ chức Hồi giáo cực đoan có thể tiến hành các hoạt động khủng bố .

Hai ngày sau khi tiến hành đồng loạt bắt giữ 12 nghi phạm, trong đó một kẻ đã bị bắn chết, thuộc các nhóm Hồi giáo cực đoan, hôm nay các báo tiếp tục đưa thêm nhiều chi tiết xung quanh vụ việc. Trang nhất báo Le Figaro chạy tựa lớn như một thông báo: « Những phần tử Hồi giáo cực đoan Pháp chuẩn bị các vụ tấn công ».

Tờ báo nêu chi tiết về những kẻ bị bắt, họ là những người « còn khá trẻ và xuất thân trong tầng lớp nghèo. Đó là những công dân Pháp mà đa số đã theo Hồi giáo cực đoan đến mức mù quáng ». Những kẻ bị bắt giữ đều là những người từng dính đến nghiện ngập hay bạo lực. Dường như những nghi phạm này sẵn sàng tiến hành cuộc thánh chiến ngay trong lòng nước Pháp, sẵn sàng tử vì đạo. Ở vào độ tuổi từ 19 đến 25 tuổi, 11 phần tử bị cơ quan chống khủng bố bắt tạm giam đều là những kẻ đang chuẩn bị phát động cái mà họ gọi là « cuộc chiến tranh chống Pháp ».

Báo Libération thì chạy tựa lớn : "Khủng bố, Hồi giáo cực đoan phiên bản Pháp". Tờ báo viết : « Nước Pháp và người Pháp đã từng là nạn nhân của các vụ tấn công bài Do Thái nhưng thủ phạm của các vụ đó thường là từ nơi khác đến. Lần này, chính những người Pháp đe dọa giết hại người Pháp... Đó là những đứa con của những miền đất lạc trong nước Cộng hòa, với chúng kẻ thù là người Do Thái ». Tờ báo nhận định : « Chính phủ, đứng đầu là Tổng thống đã đúng khi sử dụng mọi biện pháp để chống lại những tội ác như vậy. Tại Pháp không thể có một lý do, một lời giải thích nào, một sự thỏa hiệp nào đối với tệ phân biệt chủng tộc hay bài Do Thái. Nước Cộng hòa phải sử dụng mọi thứ vũ khí để chống lại và loại bỏ căn bệnh thực sự này ».

Tất cả các báo Pháp ra hôm nay đều đồng thanh lên tiếng ủng hộ chiến dịch cứng rắn này của chính phủ.

Gruzia : Cuộc chuyển tiếp dân chủ không dễ dàng

Về thời sự châu Âu, nhật báo Libération nhìn sang Gruzia, nơi đang có những biến động chính trị đáng quan tâm với bài « Gruzia trước nguy cơ trả thù ».

Cuộc bầu cử Quốc hội hôm 1/10 vừa qua đã bất ngờ đem lại thắng lợi cho phe đối lập của nhà tỷ phú Bidzina Ivanichvili. Mặc dù Tổng thống Mikhail Saakachvili, đại diện cho phe cải cách, đã công nhận thắng lợi của đối lập nhưng các nhà quan sát nhận thấy những dấu hiệu của một cuộc truy bức phe cánh cũ có thể làm tổn hại đến một cuộc chuyển tiếp dân chủ.

Hôm nay, theo dự kiến, nhà tỷ phú chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua sẽ công bố thành phần chính phủ mới. Ông hứa sẽ giữ lại 90% nhân sự nhưng lại thải hết các bộ trưởng. Một quan chức cho biết mọi người rất hoang mang. Một bà bộ trưởng phải ra đi đã nhận được những cú điện thoại đe dọa. Tại các tỉnh, một nhóm các tổ chức phi chính phủ trong đó có Transparency International tại Gruzia ghi nhận, những người ủng hộ đảng thắng cử Giấc mơ Gruzia, hôm 5/10 đã dùng vũ lực tràn vào chiếm văn phòng của tỉnh trưởng một tỉnh. Bị những người trên đánh trợ lý và tài xế của ông tỉnh trưởng còn phải nhập viện.

Tờ báo đặt câu hỏi, liệu Gruzia có tránh được tình trạng trả thù ? Không có gì bảo đảm. Đại diện của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch lo ngại điều tồi tệ là những người bị uất ức bất công dưới chính quyền cũ giờ tự xử nhau. Những sự cố mới đây cho thấy chắc chắn việc chuyển tiếp sẽ không diễn ra trơ tru như người ta nghĩ khi Tổng thống Saakachvili tuyên bố thừa nhận thất bại của đảng mình. Các kết quả kiểm phiếu vẫn còn chưa kết thúc hoàn toàn và ngay cả đảng Giấc mơ Gruzia đã giành đa số nhưng vẫn tiếp tục nộp đơn khiếu kiện ở một số địa điểm bầu cử ở các tỉnh. Bên cạnh đó, chính phủ mãn nhiệm cũng tố cáo đảng Giấc mơ Gruzia đã có gian lận ở một số địa điểm bỏ phiếu.

Mặc dù đại diện hai đảng đã gặp nhau để chuẩn bị tổ chức chuyển giao quyền hành, một vấn đề khó khăn nữa là liên minh đa số sẽ phải chỉ định được người làm chủ tịch Quốc hội. Giới quan sát nhận định tình hình chính trường Gruzia sẽ vẫn còn bất ổn, ít nhất là cho đến kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 10 năm 2013. Sau đó thì mới có thể thông qua được những cải cách như củng cố quyền lực của Thủ tướng hay cắt bỏ quyền của Tổng thống được giải tán Quốc hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.