Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

Ân Xá Quốc Tế tố cáo nạn cưỡng bức trưng thu đất đai tại Trung Quốc

Ngày hôm nay 11/10/2012, Amnesty International – Ân Xá Quốc Tế - đã công bố báo cáo « Các vụ cưỡng bức trục xuất tại Trung Quốc », bày tỏ mối lo ngại về tình trạng ngày càng có nhiều vụ dùng vũ lực để trưng dụng đất đai, buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa của mình. Tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo sự cấu kết, thông đồng giữa chính quyền và giới đầu tư bất động sản để cưỡng đoạt đất đai của người dân.

Trên đống gạch vụn ngôi nhà bị phá sập. Đất bị trưng thu cho một công trình địa ốc mới ở Tây An, Thiểm Tây. Ảnh chụp ngày 05/10/2012
Trên đống gạch vụn ngôi nhà bị phá sập. Đất bị trưng thu cho một công trình địa ốc mới ở Tây An, Thiểm Tây. Ảnh chụp ngày 05/10/2012 Reuters
Quảng cáo

Theo Ân Xá Quốc Tế, trong hai năm qua, ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc bị cưỡng bức từ bỏ đất đai và nhà cửa, ở cả nông thôn và thành thị. Trong nhiều vụ, người dân bị đánh đập, bỏ tù hoặc bị giết chết, khi họ tìm cách chống lại việc cưỡng đoạt đất đai.

Bản báo cáo viết : « Chính quyền địa phương đã đi vay ngân hàng những khoản tiền lớn để tài trợ cho các dự án thúc đẩy kinh tế và họ trả số tiền vay này nhờ vào việc bán đất ». Bởi vì, « đảng Cộng sản cầm quyền tại Trung Quốc tiếp tục thăng chức cho các quan chức địa phương nào đã tạo ra tăng trưởng kinh tế, mà không cần quan tâm đến cách thức đạt được mục tiêu này ».

Ân Xá Quốc Tế cho rằng, việc chuyển đổi đất, với bất kỳ giá nào – để xây dựng đường xá, nhà máy và các khu nhà – được Trung Quốc coi là phương tiện hữu hiệu trực tiếp nhất để đạt được những kết quả cụ thể.

Do vậy, Ân Xá Quốc Tế yêu cầu chính quyền Trung Quốc « chấm dứt ngay lập tức tất cả các vụ cưỡng bức trục xuất » cũng như từ bỏ chính sách khen thưởng tiền, vật chất, thăng tiến chức vụ để khuyến khích các quan chức địa phương tiến hành các vụ cưỡng bức trưng thu đất đai của người dân.

Theo AFP, vào lúc Trung Quốc không ngừng mở rộng các khu đô thị, việc trưng thu đất đai là cội nguồn chính của các vụ biểu tình, nổi dậy chống lại chính quyền.

Các vụ đối đầu giữa người dân bị mất đất và đại diện chính quyền địa phương hoặc những băng nhóm xã hội đen do các chủ đầu tư địa ốc thuê mướn, thường dẫn đến các hành động bạo lực nghiêm trọng. Số tiền đền bù đất đai, nếu có, thường thấp hơn rất nhiều so với giá thực.

Tháng trước, tại tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, một người dân, tên là Vương Thụ Kiệt, 36 tuổi, đã bị công an bắn chết, khi ông tìm cách tự thiêu để phản đối việc trưng thu đất và phá hủy nhà ở của mình. Nạn nhân đã có hành động tuyệt vọng sau khi nhìn thấy cảnh công an bắn bị thương người cha của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.