Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHÂN QUYỀN

Quốc hội Mỹ : Lãnh đạo Trung Quốc coi thường nguyện vọng dân chúng

Báo cáo của một ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc gồm các thành viên chính phủ và các dân biểu, được công bố hôm qua 10/10/2012 tố cáo « sự cách biệt ngày càng tăng » giữa đòi hỏi của người dân về nhân quyền và sự đáp ứng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Dân làng Ô Khảm biểu tình ngày 15/12/2011. Theo Quốc hội Mỹ ngày 10/10/2012, tại Trung Quốc đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình « chưa từng thấy » chống lại tình trạng « thiếu các quyền tự do căn bản và nạn lạm quyền ».
Dân làng Ô Khảm biểu tình ngày 15/12/2011. Theo Quốc hội Mỹ ngày 10/10/2012, tại Trung Quốc đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình « chưa từng thấy » chống lại tình trạng « thiếu các quyền tự do căn bản và nạn lạm quyền ». Reuters
Quảng cáo

Trong bản báo cáo thường niên, ủy ban này xác định là trong năm qua đã ghi nhận được nhiều cuộc biểu tình « chưa từng thấy » chống lại tình trạng « thiếu các quyền tự do căn bản và nạn lạm dụng quyền lực ». Ủy ban còn chỉ trích « một khoảng cách đang tăng lên giữa nhu cầu ngày càng nhiều của nhân dân Trung Quốc và khả năng cũng như ý hướng của chính quyền nhằm đáp ứng các nhu cầu này ».

Báo cáo viết : « Trong một năm được đánh dấu bởi các xì-căng-đan chính trị lớn và việc chuyển giao quyền lực, các lãnh đạo Trung Quốc dường như lo lắng đến việc duy trì ổn định và giữ nguyên trạng, hơn là đáp ứng nhu cầu cải cách của nhân dân ».

Theo dân biểu Chris Smith, đồng chủ tịch ủy ban, thì việc giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền « là bằng chứng cho thấy con đường để Trung Quốc trở thành một đất nước tôn trọng luật pháp và các quyền con người hãy còn xa ».

Nổi bật nhất trong năm qua tại Trung Quốc là vụ nhà ly khai Trần Quang Thành đào thoát được khỏi ngôi làng nơi ông bị quản thúc suốt một năm rưỡi hồi tháng Tư, sau khi ở tù bốn năm vì tố cáo các vụ cưỡng bức phá thai theo chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Giải Nobel hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba thì cũng vẫn đang bị cầm tù.

Ủy ban trên cũng nhận định số phận các dân tộc thiểu số là « đặc biệt đáng lo ngại », nêu lên làn sóng tự thiêu của người Tây Tạng, hay việc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.

Tuy nhiên báo cáo cũng ghi nhận có lóe lên một vài tia hy vọng, như số công nhân thiệt mạng vì tai nạn hầm mỏ giảm xuống, hay việc cải cách thủ tục trong các vụ án hình sự, giúp các luật sư dễ dàng tiếp cận hồ sơ hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.