Vào nội dung chính
CAM BỐT- XÃ HỘI

Dân chúng Cam Bôt tiếc thương Vua Cha Sihanouk

Trong ngày lễ Vu lan của xứ chùa tháp 15/10/2012 người dân Cam Bốt nhận được tin cựu hoàng Sihanouk băng hà tại một bệnh viện ở Bắc Kinh vì bệnh tim, thọ 89 tuổi. Trong hơn nửa thế kỷ trị vì, cuộc đời của nhân vật Á châu có tiếng mưu lược này gắn liền với vận mệnh thăng trầm của Cam Bốt. Năm 1953, thái tử Norodom Sihanouk thành công đưa vương quốc Khmer ra khỏi 90 năm bảo hộ của Pháp. Tuy phải trả cái giá cay nghiệt nhất của chiến tranh lạnh nhưng trong mọi hoàn cảnh, Sihanouk không bao giờ bỏ rơi dân tộc của mình.

Người dân để tang cựu hoàng Norodom Sihanouk tập họp trước Hoàng cung tại Phnom Penh ngày 15/10/2012.
Người dân để tang cựu hoàng Norodom Sihanouk tập họp trước Hoàng cung tại Phnom Penh ngày 15/10/2012. REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

07:37

Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh

Từ Phnom Penh, thông tính viên Phạm Phan phân tích.

RFI : Người dân Xứ Chùa Tháp nhận tin cựu Hoàng qua đời ngay ngày lễ Vu lan Phchum Ben. Phản ứng của họ ra sao ?

 Phạm Phan : Theo Tân Hoa Xã loan đi từ Bắc Kinh, vào sáng sớm hôm nay, cựu Hoàng Sihanouk đã qua đời vì bịnh tim và bịnh ung thư thọ 89 tuổi. Mặc dù biết cựu Hoàng tuổi già sức yếu, nhưng tin ông đột ngột ra đi trong ngày lễ Phchum Ben của dân tộc cũng gây nên sự sửng sốt cho nhiều người dân Cam Bốt. Dân chúng tôn kính ông Sihanouk và thường gọi ông là vị Vua Cha của đất nước.

Trung Quốc là nước đầu tiên gởi điện chia buồn, Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình đã gặp Hoàng Thái Hậu Monique tại Bắc Kinh để bày tỏ nỗi buồn sâu sắc vì sự ra đi của một người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc.

Thi hài của của vị cựu Hoàng sẽ được đưa về Phnom Penh làm lễ tang nhiều ngày. Theo phong tục Khmer, người chết sẽ được hỏa thiêu, trước đây ông Sihanouk có mong ước Hoàng Gia mang tro cốt của ông chôn cất trong Hoàng Thành Phnom Penh.

Cách đây nhiều tháng, khi từ Bắc kinh trở về sau chuyến đi trị bịnh, ông Sihanouk đã tuyên bố trước quốc dân rằng: ông sẽ không đi Bắc Kinh nữa và nếu lâm trọng bịnh, ông muốn được chết ngay tại quê hương. Thế nhưng, không lâu sau đó, ông lại muốn đi Bắc Kinh trị bịnh theo định kỳ, và chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng của ông đến Bắc Kinh.

Ông Sihanouk từ nhiều năm trước đây đã mang trong người nhiều chứng bịnh như tiểu đường, ung thư, bịnh tim, sức khỏe ông suy yếu dần, những năm tháng cuối đời ông thường trú ngụ tại Bắc Kinh nhiều hơn là ở Phnom Penh .

Vì điều này, nhiều người không thích ông đã nói rằng, ông đã chọn Trung Quốc để sống chứ không muốn sống tại quê cha đất tổ.

RFI : Cuộc đời hoạt động chính trị của cựu Hoàng gây nhiều tranh luận về chủ trương tiền hậu bất nhất của ông, cụ thể có những sự kiện nào nổi cộm nhất ?

P.P. : Cựu Hoàng Sihanouk là một trong số các quốc vương ở trên ngôi lâu nhất tại vùng Đông Nam Á. Ông cũng có một sự nghiệp chính trị lâu dài và nhiều mâu thuẫn.

Lên nắm quyền từ đầu thập niên 1950 khi Cam Bốt còn thuộc Pháp, ông Sihanouk đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi năng động và tham vọng. Sau khi Cam Bốt giành lại được nền độc lập vào năm 1953, ông Sihanouk trở thành vị Quốc Trưởng đầu tiên và muốn đưa quốc gia của ông trở thành một đất nước giàu mạnh với sự phát triển nông nghiệp, kinh tế, và một thế hệ thanh niên cầu tiến khoa học kỹ thuật.

Để chứng tỏ không có bất kỳ đối thủ chính trị nào thách thức quyền lực tuyệt đối của ông, chế độ Sihanouk đã mạnh tay đàn áp tất cả những người hoạt động chính trị theo đường lối Cộng Sản.

Tuy nhiên vào đầu thập niên 1960, khi phong trào Khmer Đỏ trổi dậy mạnh với sự tiếp tay của Bắc Kinh, ông Sihanouk lại chuyển hướng, tự đặt Cam Bốt vào vị thế trung lập nhưng bên trong cái vỏ trung lập, ông lại thỏa hiệp với Bắc Kinh và biến Cam Bốt thành nơi ẩn náu và hoạt động tiếp vận lương thực, vũ khí của Cộng Sản trong vùng Đông Dương.

Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, với cuộc đối đầu Mỹ - Trung tại Đông Nam Á, cạnh đó là cuộc chiến dữ dội giữa hai phe Quốc - Cộng tại các nước Lào, Cam Bốt, Việt Nam, khiến Mỹ không thể chấp nhận vai trò trung lập giả hiệu của ông Sihanouk nên đã dùng Tướng Lon Nol thực hiện cuộc đảo chính tháng 3 năm 1970 khi ông Sihanouk đang ở nước ngoài.

Từ đó, vị thế lãnh đạo quốc gia của ông Sihanouk suy trầm mặc dù ông đã nhiều lần nỗ lực giành lại nhưng không còn như thời vàng son của đầu thập niên 1950.

Mặc dù tự phủ nhận vai trò của ông trong mối quan hệ với Khmer Đỏ, tuy nhiên, lịch sử ghi nhận rằng, sau khi bị đảo chính, ông Sihanouk đã có lần vào mật khu Khmer Đỏ và dưới áp lực của Đảng Cộng Sản Kampuchea do Pol Pot cầm đầu, ông Sihanouk đã kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến chống Mỹ, tất nhiên lời kêu gọi này đã góp phần hữu ích cho làn sóng nổi dậy của loạn quân Khmer Đỏ.

Để báo ơn cựu Hoàng, khi Khmer Đỏ tiến chiếm được Phnom Penh ngày 17/4/1975, Pol Pot đã hạ lịnh tạm giam cả Hoàng Gia trong Hoàng Cung nhiều năm trời. Trong cái gọi là cuôc cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa do Khmer Đỏ tiến hành làm thí điểm trên đất nước Cam Bốt theo mô hình Trung Quốc, gần 2 triệu lương dân vô tội đã bị thảm sát, trong Hoàng Tộc cũng đã có 5 người trong số 14 người con của ông Sihanouk bị Khmer Đỏ sát hại.

Năm 1979, sau khi Khmer Đỏ bị bộ đội Hà Nội đánh bại và tháo chạy về vùng biên giới Thái – Cam Bốt, vai trò của ông Sihanouk lại được quốc tế chú ý. Nỗ lực của cựu Hoàng nhằm giành lại vị thế lãnh đạo trong quốc gia đã có kết quả, khi Hiệp Định Hòa Bình Paris về Cam Bốt được ký kết năm 1991 thì lực lượng Bảo Hoàng thân ông Sihanouk đã chiếm được một vai quan trọng trong xã hội Cam Bốt, tuy nhiên vào lúc này, ông Sihanouk lại muốn để người con ông là Hoàng Tử Ranaridh đứng ra lãnh đạo đất nước thay cho ông.

Từ năm 1993, với bản hiến pháp mới theo chế độ quân chủ lập hiến, vị Quốc Vương không có thực quyền và từ đó Hoàng Gia Cam Bốt chỉ đóng vai trò lễ nghi.

RFI : Quốc Vương Sihanouk để lại hình ảnh như thế nào trong tâm tưởng của người dân ?.
Mặc dù không còn thực quyền chính trị, đại đa số người dân Cam Bốt vẫn hằng tỏ lòng kính trọng vị Vua Cha và Quốc Vương Sihamoni được lên ngai vàng năm 2004.

P.P. : Ngày nay tại Cam Bốt, mọi người đều quen thuộc với hình ảnh vị Vua Cha Sihanouk cùng Hoàng Thái Hậu Monique đi thăm dân hay cho xe về miền quê chở những gia đình nghèo khó lên tận Hoàng Cung để ông bà thăm hỏi và phát quà, quần áo, chăn mền, gạo, tiền bạc. Những hình ảnh gây sự cảm động cho thị dân Phnom Penh , khi người dân nghèo quỳ mọp sát đất tạ ơn ông đã nghĩ đến và cứu giúp họ qua cơn nghèo túng.

Quốc Vương Sihamoni là một người đam mê văn hóa, ông không có tham vọng chính trị. Lên nắm quyền, ông đã tỏ thái độ khiêm cung với những người lãnh đạo chính trị ở mọi phe phái tại Cam Bốt. Công luận được chứng kiến nhiều nhất về hoạt động giúp đỡ dân tại nông thôn. Đoàn xe của Quốc Vương đi về mọi miền quê, ông đến đâu là tặng quà, thăm hỏi và chỉ dạy người dân quê hiền lành chân thật.

Sự ra đi vĩnh viễn của cựu Hoàng Sihanouk là tổn thất to lớn cho dân tộc và đất nước Chùa Tháp dù ông không phải là nhân vật lịch sử được tôn kính trọn vẹn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.