Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CAM BỐT

Trung Quốc và cựu vương Sihanouk, một liên minh đặc biệt và lâu đời

Cựu vương Cam Bốt Norodom Sihanouk, qua đời ngày hôm nay 15/10/2012, tại Bắc Kinh, đã từ rất lâu có quan hệ liên minh với Trung Quốc. Trong nhiều thập niên qua, Bắc Kinh là nơi ông tới khi có sóng gió về chính trị ở Cam Bốt, khi có vấn đề về sức khỏe.

Phó chủ tịch Trung Quốc Tạp Cận Bình chia buồn với Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk, ngày 15/10/2012, tại Bắc Kinh.
Phó chủ tịch Trung Quốc Tạp Cận Bình chia buồn với Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk, ngày 15/10/2012, tại Bắc Kinh. REUTERS/Xinhua/Lan Hongguang
Quảng cáo

Ngay sau khi có thông báo về việc Norodom Sihanouk từ trần, Bắc Kinh đã chính thức lên tiếng chia buồn, rằng Trung Quốc đã mất « một người bạn lớn ». Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người sẽ đảm nhiệm chức tổng bí thư đảng Cộng sản nhân Đại hội toàn quốc sẽ được tổ chức vào tháng tới, cũng tuyên bố là ông bị sốc và buồn khi biết tin cựu vương Sihanouk từ trần.

Trong những tuần qua, Bắc Kinh đã điều nhiều chuyên gia, bác sĩ hàng đầu tới chăm sóc sức khỏe cho ông tại Bệnh viện ở thủ đô Trung Quốc.

Trên website của mình, cựu vương Sihanouk không tiếc lời ca ngợi tài năng và sự tận tụy của các bác sĩ Trung Quốc.

Từ năm 1994, ông thường xuyên sang Bắc Kinh để chữa trị ung thư tiền liệt tuyến. Sau khi thoái vị, năm 2004, Norodom Sihanouk sống những năm tháng nghỉ hưu chủ yếu tại Bắc Kinh, và ông vẫn lên tiếng chỉ trích, tỏ thái độ bất bình đối với những tệ nạn chính trị, xã hội tại Cam Bốt như lạm dụng chức quyền, con ông cháu cha, tham nhũng, khinh thường người dân, khai thác cướp phá tài nguyên.

Trước đây, Norodom Sihanouk còn có quan hệ thân thiết với chế độ Bắc Triều Tiên của Kim Nhật Thành. Thế nhưng, sau này, ông không thiết tha với khu nhà 40 phòng ở Bình Nhưỡng và chuyển sang sống trong khu dinh thự mà thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai cấp cho ông từ những năm 1970.

Là một trong những nhân vật có hoạt động chính trị lâu đời tại châu Á, Norodom Sihanouk không chỉ ngưỡng mộ Trung Quốc, mà còn coi đây là một đồng minh nặng ký trong bối cảnh xung đột Đông Dương và Chiến tranh Lạnh.

Năm 1971, ông giải thích : « Tôi đã luôn luôn coi đất nước Trung Hoa như là tổ quốc thứ hai của tôi (…). Chỉ có Trung Quốc ủng hộ chúng tôi, chúng tôi những người Khmer kháng chiến, còn Liên Xô thì không muốn ».

Sau cuộc gặp với thủ tướng Chu Ân Lai ở Hội nghị Bandung, Indonesia, năm 1955, Norodom Sihanouk đã có quan hệ hữu hảo với nhiều lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Trung Quốc, kể cả Mao Trạch Đông.

Đầu năm 1970, Norodom Sihanouk sang Bắc Kinh sống tỵ nạn chính trị, sau khi bị tướng Lon Nol, với sự ủng hộ của Mỹ, tiến hành đảo chính. Cũng chính từ thủ đô Trung Quốc, ông được biết là lực lượng Khmer đỏ mà ông đã từng liên kết trong những năm 1970 và sau này trở thành kẻ thù của ông, lên nắm quyền tại Phnom Pênh vào tháng Tư năm 1975.

Là người bảo trợ, Trung Quốc buộc Khmer đỏ chấp nhận để cho Norodom Sihanouk hồi hương và thúc ép ông phải hợp tác với những đồ tể này.

Theo AFP, nhờ có sự can thiệp của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai mà Sihanouk đã sống sót được trong thảm họa diệt chủng ở Cam Bốt.

Tuy vậy, những kẻ được Trung Quốc đỡ đầu đã biến Sihanouk thành một tù nhân sống cô đơn trong cung đài của mình ở thủ đô Phnom Penh hoang tàn, vắng bóng người do chính sách diệt chủng. Sihanouk thoát chết nhưng 5 trong số 14 người con của ông đã bị giết hại.

Sihanouk rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, mất hoàn toàn vai trò chính trị sau khi Chu Ân Lai, rồi Mao Trạch Đông qua đời, trong lúc Trung Quốc đang bận tâm với « bè lũ bốn tên ». Thế nhưng, cũng chính Trung Quốc lại giúp ông thoát ra được khỏi Phnom Penh, khi quân đội Việt Nam tiến đánh Cam Bốt và lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ vào năm 1979.

Ba năm sau, năm 1982, dưới sự giám sát của Trung Quốc, Sihanouk đang sống lưu vong, đã chấp nhận hợp tác với Khmer đỏ, đứng ra làm chủ tịch Chính phủ Liên minh Dân chủ Cam Bốt, để chống lại sự chiếm đóng của quân đội Việt Nam. Năm 1991, hiệp đình về Cam Bốt được ký kết tại Paris và Sihanouk trở về nước. Sau cuộc bầu cử dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, năm 1993, Norodom Sihanouk được đưa trở lại ngôi vua vào lúc Cam Bốt vẫn phải đối mặt với những hậu quả của cuộc nội chiến và diệt chủng.

Nền hòa bình thực sự của Cam Bốt được tái lập vào năm 1998, sau cái chết của lãnh đạo Khmer đỏ Pol Pot.

Vậy phải chăng liên minh Sihanouk – Bắc Kinh là trái ngược với tự nhiên ? Về điểm này, AFP trích dẫn phát biểu của Mao Trạch Đông : « Một số người nói rằng những người cộng sản không ưa thích các ông hoàng. Thế nhưng, chúng tôi, những người cộng sản Trung Quốc, chúng tôi lại quý mến và đánh giá cao một ông hoàng như Norodom Sihanouk, ông luôn luôn rất gần gũi người dân và người dân rất tận tụy, trung thành với ông ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.