Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẦU CỬ

Bầu cử Tổng thống Mỹ và yếu tố Trung Quốc

Cuộc vận động tranh cử Tổng thống tại Mỹ càng tăng tốc. Yếu tố Trung Quốc, chính xác là tính chất nguy hại của Trung Quốc đối với kinh tế và an ninh Hoa Kỳ càng được hai ứng cử viên nêu bật, để đả kích nhau là mềm yếu trong đối sách cần phải có.

Barack Obama - Mitt Romney trong cuộc tranh luận ngày 16/10/2012.
Barack Obama - Mitt Romney trong cuộc tranh luận ngày 16/10/2012. Reuters
Quảng cáo

Cuộc tranh luận truyền hình thứ hai, diễn ra hôm 16/10/2012 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama, ứng viên đảng Dân chủ, và Thống đốc Mitt Romney, đại diện đảng Cộng hòa cũng không ra ngoại thông lệ đó. Hai bên hầu như đối nghịch nhau hoàn toàn về cách quan hệ với cường quốc kinh tế số hai của thế giới.

Nhìn chung, vào lúc ông Romney tố cáo đương kim Tổng thống là quá nhu nhược trước Trung Quốc, thì ông Obama đã lên án ông Romney là trong công việc kinh doanh của mình đã không ngần ngại chạy theo Bắc Kinh, cho di dời cơ sở sản xuất qua Trung Quốc, đẩy người dân ở Hoa Kỳ vào tình cảnh mất công ăn việc làm.

Trong cuộc tranh luận hôm 16/10/2012, một lần nữa, ông Mitt Romney lại khẳng định thái độ cực kỳ cứng rắn đối với Bắc Kinh khi nhắc lại lời cam kết là ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống, ông sẽ tuyên bố rằng Trung Quốc là nước « thao túng ngoại hối » và ông sẽ bảo đảm sao cho mọi đối tác của Mỹ trên thế giới phải « chơi đúng theo luật lệ ».

Ông Romney đã tố cáo ông Obama là đã gượng nhẹ Trung Quốc cho dù nước này là một kẻ lũng đoạn hệ thống tiền tệ, « từ năm này qua năm khác » đã cố tình ghìm giá đồng nhân dân tệ so với đồng đô la để chiếm lĩnh các thị trường thế giới, gây hại cho kinh tế Mỹ cũng như nhiều nước khác.

Lời cáo buộc của ứng cử viên đảng Cộng hòa đã bị ông Obama quyết liệt phản bác. Theo Tổng thống Mỹ, dưới nhiệm kỳ của ông, Trung Quốc đã phải nâng giá đồng yuan « vì chúng ta đã mạnh mẽ thúc đẩy họ, gây áp lực thương mại chưa từng thấy, và điều đó sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm ở nước Mỹ ».

Theo các nhà quan sát, chính quyền Obama thường xuyên yêu cầu Bắc Kinh thả nổi cho giá đồng yuan tăng lên, nhưng không kết tội Trung Quốc là kẻ lũng đoạn ngoại hối vì điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện không có lợi cho ai.

Không chỉ nhấn mạnh đến việc làm của chính quyền Mỹ, Tổng thống Obama còn tố cáo ngược lại đối thủ là từng về hùa với Trung Quốc. Ông nói « Khi ông Romney nói về việc cần phải cứng rắn với Trung Quốc, ta không nên quên rằng Thống đốc Romney là người đã đầu tư vào các công ty đi đầu trong việc thuê gia công tại Trung Quốc, và hiện đang đầu tư vào các công ty chế tạo thiết bị giám sát cho Trung Quốc để họ do thám người dân của họ. »

Theo các nhà quan sát, cú phản công trên đây của ông Obama dường như đã nhắc tới một bài báo được ban tham mưu tranh cử của ông nêu bật gần đây. Bài viết do nhật báo New York Times công bố gần đây, khẳng định rằng công ty đầu tư Bain Capital, do ông Romney thành lập đã kiếm lợi nhờ đầu tư vào các công ty Trung Quốc, trong đó có một công ty mà theo tờ báo, là nhà cung cấp lớn nhất các loại thiết bị theo dõi được Bắc Kinh sử dụng để kiểm soát bệnh viện, trường học và nhà hát.

Trong một đoạn video phát hành hồi tháng Chín, ban phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Obama còn cáo buộc ông Romney đã đầu tư vào Ưu Khốc (Youku), trang web tại Trung Quốc tương đương với YouTube. Trang web này bị cho là nơi tàng trữ các video vi phạm bản quyền của Mỹ. Ông Romney cũng bị tố cáo là hậu thuẫn cho một công ty Trung Quốc bị cho là ăn cắp phần mềm của Microsoft.

Ai đúng, ai sai ? Cuộc tranh cãi sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt nhân cuộc tranh luận thứ ba vào tuần tới giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Chủ đề chính cuộc đọ sức sẽ là chính sách đối ngoại, và Trung Quốc là một trong năm đề tài tranh luận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.