Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện, một địa điểm du lịch đầy tiềm năng

Các tờ báo Paris trong ngày tập trung nói về thời sự nước Pháp chung quanh hai chủ đề kinh tế và chính trị : tập đoàn xe hơi Peugeot Citroen PSA « trực diện với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi được hình thành », thất nghiệp tại Pháp gia tăng trong 16 tháng liên tiếp. Về chính trị, thì các báo chú ý nhiều đến cuộc tranh luận truyền hình tối nay 25/10/2012 của hai lãnh đạo đảng đối lập UMP : một cuộc đọ sức giữa hai ông Copé và cựu Thủ tướng Fillon để tranh giành chiếc ghế cao nhất trong ban lãnh đạo đảng. Nhìn về phía đảng cầm quyền, thì chính phủ bị chỉ trích vì những tuyên bố vụng về của Thủ tướng Jean Marc Ayrault.

Chùa Shwedagon, Rangoon
Chùa Shwedagon, Rangoon DR
Quảng cáo

Nhưng có lẽ phóng sự của Le Monde về Miến Điện thời mở cửa có tính thu hút cao hơn. Bài viết nói về « những kho tàng của Miến Điện đang được hé lộ » với công chúng quốc tế. Không phải tình cờ mà Miến Điện được báo New York Times xếp hạng ba trong danh sách 45 địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của năm 2012.

Hãng hàng không Qatar Ailines đang chuẩn bị mở 5 chuyến bay hàng tuần tới Rangoon. Kể từ khi tập đoàn quân sự Miến Điện tự giải tán, quốc gia Đông Nam Á này trở thành một địa điểm du lịch khá hấp dẫn, thu hút đến 365.000 du khách vào năm 2011 và có triển vọng theo gót Thái Lan để trở thành một trong những nơi du lịch có thể đón đến 19 triệu du khách hàng năm. Thành phố Rangoon cổ kính đang trở thành một công trường xây dựng khổng lồ. Những kiến trúc cổ kính, những ngôi nhà xây dựng từ thời thuộc địa không khỏi đưa khách tham quan ngược thời gian, trở về với những năm 1920.

Phóng viên của Le Monde mê hoặc với tháp vàng của ngôi chùa Shwedagon, với những sắc màu và không khí của khu thương mại Bogyoke Aung San Market, với con đường nằm song song với dòng sông Yangon, với hồ nhân tạo Kandawgyi không xa ngôi biệt thự đồ sộ nhưng đổ nát của gia đình bà Aung San Suu Kyi.

Cách Rangoon khoảng 1 giờ bay, Bagan bạt ngàn với những ngôi chùa cổ mà theo các hướng dẫn viên du lịch, thì thành phố này có đến 2.000 ngôi chùa. Trong số đó, Gybyaugyi, Shwezigon hya Htilo Minlo là những nơi không thể bỏ qua. Phong cảnh đẹp không chỉ vào những buổi sớm mai, mà còn có chút gì huyền diệu trong ánh nắng chiều tà. Nếu đã đến vùng này, thì tác giả bài báo khuyên chúng ta nên dành thời gian cho một cuộc du thuyền trên dòng Irrawady để đến Mandalay, cách đó 240 cây số.

Nga : Trại giam dưới thời đại Putin

Báo Libération không thi vị bằng Le Monde với bài viết mang tựa đề « Những trại giam của Putin ». Nạn nhân là một cô gái người Tchetchenia 29 tuổi. Zara đã « sống trong địa ngục suốt 8 năm rưỡi. Đó không phải là một cơn ác mộng mà người ta có thể quên mà là một bài học đắt giá phải trả trong trường đời ».

Zara Mourtazalieva vừa từ trại giam số 13, ở Potma, cách Matxcơva 450 cây số trở về. Cô kể lại giai đoạn đen tối nhất đời mình với phóng viên của Libération: năm 2003 trong bối cảnh nước Nga sống trong sợ hãi vì cuộc chiến Tchetchenia thứ nhì mới chỉ khép lại trên giấy tờ, thì Zara từ Grozny đến Matxcơva kiếm sống. Thế rồi cô làm quen với một người bạn mới là Said Akhmaev, một người Tchetchenia như Zara.

Hiềm nỗi Said làm việc cho Bộ Nội vụ Nga và anh có nhiệm vụ truy lùng các phần tử khủng bố. Để hoàn thành chỉ tiêu theo định mức, Said đã không ngần ngại « bán đứng » cô bạn mới cho chính quyền. Đầu năm 2005 sau một phiên tòa chớp nhoáng và không cần có bằng chứng, Zara bị chụp mũ âm mưu khủng bố chống nhà nước Nga và bị kết án 9 năm cải tạo.

Địa ngục đã mở ra trước mắt cô gái người Tchetchenia này. Zara thường xuyên bị hành hạ, đánh đập, tra tấn, sách nhiễu tình dục … Cô bị giam cùng với 160 nữ tù nhân khác, 40 người chia nhau cùng một phòng. Về các điều kiện vệ sinh, họ chỉ được tắm 1 tuần một lần, và tắm không quá 20 phút. Trong hơn 8 năm bị giam giữ, ngày ngày Zara và các bạn tù cong lưng ngồi may những bộ quân phục cho lính Nga. Niềm an ủi duy nhất của cô gái trẻ tuổi này là thời gian ấy cô đã được một vị ân nhân cung cấp cho sách vở để cầm cự. Zara tâm sự cô đã tìm thấy được nghị lực từ Quần đảo Gulag của Soljenitsyne.

Khai thác dầu khí ở Bắc Cực

Rời khỏi các nhà tù của Putin để hướng về Bắc Cực : Le Monde có một bài viết cho thấy các tập đoàn dầu khí thế giới bắt đầu « nguội lạnh » với vùng Bắc Cực : những phí tổn nặng nề và rủi ro đối với môi trường liên quan đến việc khai thác dầu khí ở vùng Groenland buộc nhiều tập đoàn khai thác dầu khí phải xét lại tham vọng làm chủ kho tàng còn đang ngủ vùi trong lòng Bắc Băng Dương.

Từ năm 2008 sau khi Viện nghiên cứu địa chất của Mỹ tiết lộ rằng 22 % dầu hỏa và khí đốt của thế giới còn chờ chưa được khai thác đang tập trung ở phía bắc Alaska, ở vùng Groenland và hải phận thuộc chủ quyền của Nga, Bắc Cực bỗng dưng trở thành sân chơi để cho các đại gia dầu khí của thế giới đọ sức.

Shell được coi là tập đoàn tiên phong khi được cấp giấy phép hoạt động vào năm nay và đã đầu tư 3,5 tỉ euro vào vùng đất còn hoang vu này. Nhưng cho tới nay Shell vẫn chưa chắt lọc lấy được đến được 1 thùng dầu nào từ lòng đại dương.

Trong cuộc chạy đua giành quyền khai thác dầu khí, tập đoàn dầu khí Pháp Total tỏ ra thận trọng và thực tế hơn nhưng điều đó không có nghĩa là ông khổng lồ này lơ là với tiềm năng của vùng Bắc Cực. Dự án Shtokman được coi là sáng giá nhất của Total tại khu vực vùng biển Barent với tiềm năng 3.800 tỉ mét khối khí đốt vừa bị hoãn lại. Vốn đầu tư ban đầu dự định là 15 tỉ đôla nay đã phải nhân lên gấp đôi và Total cùng với đối tác Gazprom của Nga sẽ còn phải đợi thêm một vài năm nữa mới có thể đưa khí đốt từ vùng biển này ra thị trường.

BP của Anh cũng đã « gài số de » : BP đã rút lui khỏi dự án hợp tác khai thác với đối tác Nga, Rosneft. Một đại gia dầu hỏa khác là Gazprom thì vừa thông báo dời lại đến năm 2013 việc đưa giàn khoan dầu ngoài khơi Bắc Băng Dương vào hoạt động.

Đành rằng cơ quan nghiên cứu địa chất Mỹ đánh giá vùng Bắc Cực cất giấu đến 90 tỉ thùng dầu, nhưng nghiên cứu của viện thống kê Na Uy thì trong trường hợp khả quan nhất, vùng Bắc Cực chỉ hàm chứa từ 8 đến 10 % dự trữ dầu khí của thế giới mà thôi. Vậy câu hỏi đặt ra là các tập đoàn năng lượng lớn có nên bỏ ra rất nhiều tiền của đến đổi lấy kho báu đó hay không.

Dù thế nào đi chăng nữa, thì các hãng dầu khí tên tuổi của Anh, Mỹ … cũng đã dọn sẵn đường cho tương lai với hàng loạt các hợp đồng với các đối tác Nga.

Thất nghiệp tại Pháp

Trở lại với phần tin kinh tế Le Figaro không chút lạc quan về thị trường lao động của Pháp khi cho rằng : tỉ lệ thất nghiệp liên tục gia tăng trong 16 tháng qua, và thị trường lao động không có dấu hiệu được cải thiện trước năm 2014.

Theo thống kê vừa được Bộ Lao động công bố ngày 24/10/2012 trong tháng 9/2012 đã có thêm gần 47.000 người bị mất việc. Thành phần dưới 25 tuổi và trên 50 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tờ báo thân hữu này không quên nhấn mạnh : chính phủ đang chờ đợi các biện pháp tạo công việc làm cho giới trẻ nhanh chóng được thông qua để đảo ngược tình thế. Tuy nhiên các dự báo cho thấy là thất nghiệp tại Pháp sẽ còn tiếp tục tăng thêm cho đến cuối sang năm. Ngày nào mà tỉ lệ tăng trưởng của Pháp không đạt được tới 1,5 % thì Paris không mong đẩy lùi thất nghiệp.

Thượng Hải, đất lành chim đậu ?

Trong lúc thị trường lao động ở Pháp đang lâm vào bế tắc, thì trong mắt của nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp, Thượng Hải là bệ phóng lý tưởng để lập nghiệp, đặc biệt là đối với sinh viên tốt nghiệp khoa quản trị. Theo bài báo của Le Monde Thượng Hải là nơi cho phép các bạn trẻ đốt ngắn giai đoạn và nhanh chóng tham gia vào các ban điều hành. Cho dù mỗi ngày đi qua đều « là một cuộc phiêu lưu » với rất nhiều bất trắc.

Mẫu số chung của những bạn trẻ trao đổi với phóng viên của Le Monde là họ chưa đầy 30 tuổi nhưng đều đã trở thành chủ nhân của các hãng nhỏ, hoặc là những nhà điều hành với rất nhiều trách nhiệm trên vai. Nhưng tất cả đều xem đó là một bài học quý giá cho cả sự nghiệp sau này. Theo tòa lãnh sự Pháp tại Thượng Hải thì hiện có khoảng 1.500 sinh viên Pháp đang ghi danh tại các đại học Thượng Hải và con số ngày đã không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Đây cũng chính là một lý do khiến các trường quản lý kinh doanh của Pháp và kể cả Viện Khoa học Chính trị Paris mở rộng mạng lưới hợp tác với các trường đại học Thượng Hải.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.