Vào nội dung chính
ASEAN - MIẾN ĐIỆN

Miến Điện bác bỏ đề nghị của ASEAN giải quyết bạo động qua đàm phán

Phát biểu tại một diễn đàn ở Kuala Lumpur hôm nay, 30/10/2012, tổng thư ký hiệp hội ASEAN, Surin Pitsuwan cho biết là Miến Điện đã bác bỏ một đề nghị của ASEAN mở đàm phán nhằm chấm dứt bạo động giữa hai cộng đồng người Phật giáo và người Hồi giáo Rohingya tại Miến Điện.

Một binh sĩ Miến Điện đi tuần ở Pauktaw, bang Rakhine, nơi xẩy ra nhiều vụ bạo động (ảnh chụp ngày 27/10/2012)
Một binh sĩ Miến Điện đi tuần ở Pauktaw, bang Rakhine, nơi xẩy ra nhiều vụ bạo động (ảnh chụp ngày 27/10/2012) REUTERS
Quảng cáo

Tổng thư ký ASEAN cho biết ông đã đề nghị mở hội đàm ba bên giữa hiệp hội với Liên Hiệp Quốc và chính phủ Miến Điện để ngăn không cho bạo động ở miền Tây nước này gây tác động lớn hơn trong khu vực.

Trên tờ Jakarta Post, số ra ngày hôm nay, tổng thư ký Surin Pitsuwan cảnh báo rằng tình trạng tuyệt vọng của người Hồi giáo Rohingya có thể khiến cộng đồng thiểu số này trở nên cực đoan và có nguy cơ gây mất ổn định toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Surin, người Hồi giáo Rohingya, mà Liên Hiệp Quốc xem là một trong những sắc dân thiểu số bị truy bức nặng nề nhất thế giới, đang gánh chịu những « áp lực » và « đau khổ rất lớn ». Tổng thư ký ASEAN nói : « Nếu cộng đồng quốc tế, kể cả ASEAN, không giảm nhẹ được những áp lực và những đau khổ này, thì người Rohingya có thể sẽ trở nên cực đoan và toàn bộ vùng Đông Nam Á có thể bị mất ổn định ».

Ông Surin nhấn mạnh rằng ASEAN có những phương tiện để trợ giúp nhân đạo cho Miến Điện, như hiệp hội này đã từng làm sau khi cơn bão Nargis thổi qua Miến Điện, khiến 130 ngàn người chết và mất tích vào tháng 05/2008.

Tình hình bạo động tại bang Rakhine gây lo ngại ngày càng nhiều cho quốc tế. Ngày 26/10 vừa qua, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã cảnh báo rằng, bạo động giữa người Phật giáo và người Hồi giáo Rohingya, nếu cứ tiếp diễn như vậy, sẽ gây phương hại cho tiến trình cải tổ chính trị mà chế độ ở Miến Điện đang tiến hành. Theo phát ngôn viên này, mối nghi kỵ ngày càng tăng giữa hai cộng đồng đang bị các thành phần tội phạm và giới hoạt động chính trị khai thác.

Trước đó một ngày, ngày 25/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã yêu cầu chấm dứt các vụ bạo động giữa người Phật giáo và người Hồi giáo, kêu gọi tiếp tục tiến trình hoà giải dân tộc tại Miến Điện.

Sau nhiều tuần tình hình lắng dịu, ngày 21/10, bạo động tại bang Rakhine đã bùng phát trở lại giữa cộng đồng người Phật giáo sắc tộc Rakhine và người Hồi giáo Rohingya. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, tính tổng cộng, ít nhất đã có 88 người bị giết, hàng ngàn ngôi nhà bị đốt cháy và hơn 26 ngàn người đã phải di tản, đa số là người Hồi giáo. Đó là chưa kể 75 ngàn người đã sơ tán trước đó do các vụ bạo động vào tháng Sáu. Nhiều ngàn người trong số này hiện vẫn sống trong điều kiện rất tồi tệ trong các trại tạm cư chung quanh thủ phủ Sittwe của bang Rakhine. Họ thiếu đủ mọi thứ : lương thực, thuốc men, chăn lều, phương tiện vệ sinh... Phủ Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc HCR hôm nay vừa báo động là các trại tạm cư nay đã quá tải, do số người mới tới quá đông.

Vấn đề là không chỉ có người Rohingya là nạn nhân, mà nay bạo động nhắm vào toàn bộ người Hồi giáo ở Miến Điện, kể cả người Kaman, sắc tộc thiểu số Hồi giáo được chính quyền công nhận là công dân Miến Điện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.