Vào nội dung chính
ĐÔNG NAM Á

Diện tích trồng thuốc phiện ở Đông Nam Á tăng gấp đôi

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố hôm nay 21/10/2012 cho biết, do nhu cầu về heroin tăng mạnh tại Trung Quốc và nhiều nước khác, trong vòng 6 năm qua diện tích trồng cây thuốc phiện đã tăng gấp 2 lần tại khu vực Đông Nam Á, trong đó đặc biệt là ở Lào và Miến Điện.

Miến Điện đứng hạng nhì trong việc sản xuất thuốc phiện, chỉ sau Afghanistan (UNmultimedia.org)
Miến Điện đứng hạng nhì trong việc sản xuất thuốc phiện, chỉ sau Afghanistan (UNmultimedia.org)
Quảng cáo

Theo báo cáo của Cơ quan Liên Hiệp Quốc phòng chống ma túy và tôi phạm (ONUDC) công bố hôm nay thì số người sử dụng các sản phẩm từ thuốc phiện tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương giờ đây đã chiếm ¼ thị trường thế giới. Riêng số người nghiện heroin tại Trung Quốc, theo báo cáo trên, đã lên tới 1 triệu. Đây là thị trường chính tiêu thụ ma túy của khu vực.

Nhu cầu sử dụng cũng như giá tăng cao đã kích thích nguồn cung ứng phát triển. Trong khoảng năm 2011 và 2012, diện tích trồng cây thuốc phiện đã lên tới 6.800 ha tại Lào, tức là tăng 66%. Miến Điện là nước sản xuất thuốc phiện lớn thứ 2 thế giới sau Afghanistan cũng mở rộng 17% các cánh đồng thuốc phiện.

Trong tổng thể, diện tích canh tác cây thuốc phiện trong khu vực Đông Nam Á đã tăng gấp 2 lần từ năm 2012, mặc dù trong một số nỗ lực nhất định, trong năm 2012 những nước như Lào, Miến Điện và Thái Lan đã phá hủy 25 nghìn hécta cây thuốc phiện.

Về kinh tế, báo cáo của ONUDC ước tính, sản lượng thuốc phiện tại Lào và Miến Điện trong năm 2012 có trị giá khoảng 413 triệu đô la Mỹ. Hiện tại giá một kílô nhựa thuốc phiện mua tại vườn ở Lào là 1800 đô la , trong khi tại Miến Điện là 520 đô la. Ngoài ra, số lượng các hộ nông dân tham gia trồng cây thuốc phiện ở hai nước nói trên cũng tăng mạnh. Dự tính khoảng 38 nghìn hộ tại Lào và 300 nghìn hộ tại Miến Điện.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận rất đông các nông dân ở một số vùng như bang Shan có cuộc sống lệ thuộc chặt chẽ vào thu nhập từ trồng cây thuốc phiện. Họ không thể từ bỏ canh tác cây thuốc phiện nếu như họ không tìm được các hoạt động kinh tế khác thay thế để bảo đảm cuộc sống cho họ.

Miến Điện đã triển khai kế hoạch loại bỏ cây thuốc phiện từ nay đến năm 2014, nhưng dựa trên các dữ liệu quan sát qua vệ tinh, qua máy bay trực thăng và trên thực địa, nghiên cứu của ONUDC nhận định mục tiêu nói trên dường như khó đạt được.

Mặc dù đánh giá cao những cố gắng của chính quyền Miến Điện trong một loạt các cải cách chính trị, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì Miến Điện trong danh sách đen trong cuộc chiến chống ma túy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.