Vào nội dung chính
Y TẾ

Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc phát triển tại lưu vực sông Mê Kông

Nhân hội nghị « Bệnh sốt rét 2012 : Cứu lấy mạng sống con người ở châu Á-Thái Bình Dương », được tổ chức ở Sydney, Úc, các chuyên gia quốc tế, ngày hôm nay, 31/10/2012, đã lên tiếng cảnh báo là bệnh sốt rét bị đẩy lùi tại châu Á nói chung, ngoại trừ các quốc gia lưu vực sông Mê Kông, nơi đây đang hoành hành một loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Cùng với việc di dân, loại ký sinh trùng này có thể lây lan sang châu Phi.

Các biện pháp phòng bệnh sốt rét : cấp phát mùng màn, trừ khử côn trùng và kiểm tra phát hiện bệnh (Getty Images)
Các biện pháp phòng bệnh sốt rét : cấp phát mùng màn, trừ khử côn trùng và kiểm tra phát hiện bệnh (Getty Images)
Quảng cáo

Theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO – bệnh sốt rét vẫn hiện diện tại 22 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương : Trong năm 2010, khoảng 30 triệu người bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét và hàng năm khoảng 40 ngàn người tử vong. Nhiều tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực này. Số người bị lây nhiễm đã giảm 50% trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo về tình trạng phát triển một thể loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tại các nước trong lưu vực sông Mê Kông. Virus này kháng được chất artémisinine (thanh hao tố), chiết xuất từ cây thanh hao, thường được dùng để chống lại bệnh sốt rét.

Cuối tháng Chín vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi chính phủ các nước liên quan hãy hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của chủng loại ký sinh trùng « falciparum », kháng thuốc và hoạt động mạnh. Loại ký sinh trùng này được nhận diện lần đầu tiên vào năm 2004 ở vùng biên giới Thái Lan-Cam Bốt, sau đó, lây lan sang các vùng lân cận ở Thái Lan, Miến Điện và thậm chí tới miền trung và miền nam Việt Nam.

Ông Richard Feachem, nguyên giám đốc Quỹ Thế giới đấu tranh chống Sida, lao và sốt rét, nhấn mạnh : « Điều nguy hiểm là chủng loại ký sinh trùng kháng thuốc này có thể thoát ra khỏi vùng Đông Nam Á và xuất hiện ở châu Phi », do di chuyển dân cư, du lịch.

Các nhà khoa học đã đưa ra một loạt các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét lây lan như cấp phát màn và một số loại thuốc chống sốt rét có hiệu quả, tiến hành trừ khử côn trùng và phổ cập việc kiểm tra phát hiện bệnh sốt rét.

Có thể ngăn chặn ký sinh trùng sốt rét kháng chất thanh hao với một số loại thuốc khác, nhưng phương pháp này tốn kém về tiền bạc và thời gian. Bởi vì, cho đến nay, việc dùng chất thanh hao để ngăn chặn, chống lại ký sinh trùng sốt rét là hiệu quả nhất, nhanh nhất và đỡ tốn kém.

Các nhà khoa học Anh và Pháp cho biết là trong phòng thí nghiệm, họ đã tổng hợp được một số chất phòng chống có hiệu quả chủng loại « falciparum » và trong tương lai, sẽ có thuốc chống ký sinh trùng kháng chất thanh hao.

Trong năm 2010, trên toàn thế giới, đã có 655 000 người tử vong vì bệnh sốt rét, đa số các nạn nhân là ở châu Phi. Tại Hội nghị ở Sydney, các nhà khoa học có tham vọng là từ nay đến 2025, sẽ « xóa sổ » được bệnh sốt rét ở châu Á-Thái Bình Dương, nếu như chính phủ các nước liên quan tích cực hưởng ứng thực hiện mục tiêu này.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.