Vào nội dung chính
MỸ - MIẾN ĐIỆN

Tổng thống Mỹ thăm Miến Điện, bản lề trong chiến lược châu Á

Vừa tái đắc cử, Tổng thống Barack Obama sẽ đến Rangoon vào trung tuần tháng 11/2012. Trong chuyến viếng thăm lịch sử này, lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ gặp Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, hai đối thủ chính trị, nhưng cùng quyết tâm đưa Miến Điện vào con đường dân chủ thân Tây phương.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp nhà đối lập Miến Điện Auing San Suu Kyi tại Nhà Trắng ngày 19/9/2012
Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp nhà đối lập Miến Điện Auing San Suu Kyi tại Nhà Trắng ngày 19/9/2012 REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải dành nhiệm kỳ hai để tập trung vào các hồ sơ quốc tế, sau khi đã mất nhiều tháng dài lo vận động tái tranh cử. Theo thông báo của Nhà Trắng, Đông Nam Á sẽ là địa điểm công du đầu tiên của vị tổng thống vừa tái đắc cử. Lần lượt ông sẽ đến Miến Điện, Thái Lan và sau đó sang Cam Bốt dự thượng đỉnh Đông Á trong chuyến đi 4 ngày từ 17 đến 20/11/2012.

Washington đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa của chặng Miến Điện. Trong vài giờ ghé thăm, Tổng thống Obama sẽ gặp Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi để bày tỏ sự hậu thuẫn của chính phủ Mỹ đối với tiến trình dân chủ đang từng bước được thực hiện tại Miến Điện.

Báo chí Miến Điện, nhất là của đối lập, không che dấu niềm hy vọng tương lai của quốc gia Đông Nam Á này thoát khỏi gọng kềm của Bắc Kinh . Chủ nhiệm tờ báo uy tín The Irrawaddy, nhà báo Aung Zaw, nhắc nhở, đây là lần đầu tiên một vị Tổng thống Hoa Kỳ đặt chân đến Miến Điện kể từ 50 năm nay. Dù thời gian thăm viếng ngắn ngủi, nhưng sự kiện này mang nhiều giá trị tiêu biểu.

Trước tiên, theo nhà báo Aung Zaw, chiến lược của Hoa Kỳ sử dụng Miến Điện như « bản lề tại Á châu » sẽ được Đông Nam Á quan tâm theo dõi, nhất là những quốc gia muốn chống lại ảnh hưởng bá quyền của Trung Quốc. Tình trạng này sẽ tiếp tục tạo thế thuận lợi cho Washington. Từ trước đến nay, do Miến Điện bị cấm vận, Trung Quốc là bạn hàng chính yếu của Miến Điện về kinh tế lẫn vũ khí. Tuy nhiên, từ khi Barack Obama lên làm Tổng thống vào tháng 01/ 2009, Washington đã từng bước khuyến khích Miến Điện cải thiện nhân quyền, cải tổ chính trị bằng chính sách giảm nhẹ cấm vận thay vì leo thang trừng phạt theo chính sách của người tiền nhiệm.

Kết quả là vào năm 2011, tập đoàn tướng lãnh bảo thủ rút lui, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi và hàng ngàn tù nhân chính trị được tự do, đối lập được phục hoạt và đắc cử vẻ vang vào Quốc hội . Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu giảm nhẹ cấm vận.

Quan hệ song phương được cải thiện với hệ quả : Mặc dù Trung Quốc là nguồn cung cấp vũ khí chính yếu cho quân đội Miến Điện, nhưng Washington và Naypyidaw đã nối lại đối thoại quân sự bị cắt đứt thời chế độ quân phiệt. Quân đội Miến Điện đã được mời tham gia cuộc tập trận thường niên Kim Mãng Xà do Mỹ tổ chức tại Thái Lan. Bắc Kinh tự cho mình là « ân nhân » của Miến Điện từ quân sự, kinh tế đến nỗ lực ngoại giao, nhiều lần dùng quyền phủ quyết bảo vệ tập đoàn quân sự tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cho nên, theo nhà báo Aung Zaw, Bắc Kinh theo dõi rất kỹ diễn tiến quan hệ giữa « con nợ » của họ là Miến Điện với siêu cường Hoa Kỳ như thế nào.

Chiến lược « chinh phục » Miến Điện có thể xem là thành công lớn của chính quyền Obama không những về ngoại giao mà nó còn mở đường xây dựng một chính sách điạ chính trị toàn diện : Tái định vị tại châu Á. Nhà Trắng thông báo : Tổng thống Obama sẽ nhân chuyến công du từ 17 đến 20/11 để thảo luận với các đối tác châu Á toàn bộ các hồ sơ có liên quan từ hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng, an ninh đến nhân quyền.

Trong khuôn khổ chiến lược mới, các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đầu tiên đã được gửi đến Úc trước khi Tổng thống Obama lên đường sang Miến Điện, Thái Lan và tham dự Thượng đỉnh Đông Á tại Cam Bốt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.