Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - ẤN ĐỘ

Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi thăm Ấn Độ

Ngày hôm nay, 13/11/2012, bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đối lập Miến Điện, tới thăm Ấn Độ và bà kêu gọi New Delhi không nên quá lạc quan về tiến trình cải cách chính trị ở Miến Điện.

Bà Aung San Suu Kyi được Ngoại trưởng Ấn Độ Ranjan Mathai  đón tại sân bay quốc tế Indira Gandhi New Delhi ngày 13/11/2012.
Bà Aung San Suu Kyi được Ngoại trưởng Ấn Độ Ranjan Mathai đón tại sân bay quốc tế Indira Gandhi New Delhi ngày 13/11/2012. REUTERS/B Mathur
Quảng cáo

Hồi nhỏ, bà Aung San Suu Kyi đã học tại Ấn Độ khi mẹ của bà làm đại sứ ở nước này. Trả lời phỏng vấn báo The Hindu, bà cho biết là rất buồn về mối quan hệ trước đây giữa New Delhi và chế độ quân sự độc tài Miến Điện, trong thời kỳ bà bị cầm tù và quản thúc tại gia.

Khi mời bà Aung San Suu Kyi sang thăm, chính quyền Ấn Độ muốn xây dựng lại mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt với lãnh đạo đối lập Miến Điện. Cho đến giữa những năm 1990, chính quyền Ấn Độ vẫn ủng hộ bà Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, sau đó, New Delhi thực hiện chính sách đối ngoại thực dụng, tăng cường quan hệ với chế độ quân sự độc tài Miến Điện.

Tháng Năm vừa qua, thủ tướng Ấn Độ Manmohan Sing đã công du Miến Điện nhằm tăng cường quan hệ song phương và cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này. Hai nước đã ký 12 thỏa thuận hợp tác liên quan đến nhiều lĩnh vực như an ninh, phát triển các vùng biên giới chung, thương mại, giao thông.

Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi cảnh báo chính quyền New Delhi không nên quá lạc quan về tiến trình cải tổ chính trị bởi vì sự lạc quan quá mức làm cho mọi người không biết đến những gì còn sai trái. Bà nhấn mạnh là Miến Điện mới ở giai đoạn khởi đầu trên con đường dân chủ hóa. Mặt khác, lãnh đạo đối lập cũng thừa nhận là hai nước hiện có nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, nhất là ở vùng biên giới phía đông Ấn Độ.

Theo kế hoạch, ngày mai, bà Aung San Suu Kyi sẽ gặp thủ tướng Singh và đến thăm ngôi trường cũ ở New Delhi.

Vẫn liên quan đến Miến Điện, trận động đất xẩy ra hôm Chủ nhật, 11/11 ở miền trung nước này, đã làm 26 người thiệt mạng và 12 người mất tích. Theo đại diện Hội Chữ thập đỏ tại Miến Điện, ngoài con số người tử vong và mất tích nói trên, còn có 231 người bị thương, hơn 250 ngôi nhà, 20 bệnh viện và 137 chùa chiền, đền thờ bị phá hủy. Hơn một chục công sở và 4 trường học bị hư hại nặng. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người không còn có nhà ở sau trận động đất này.

Tổng thống Thein Sein, ngày hôm qua, tỏ lời chia buồn về thảm họa và hứa là chính phủ sẽ làm hết sức mình, hợp tác với quốc tế, để hỗ trợ các nạn nhân. Liên Hiệp Quốc tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ các nạn nhân trong khả năng của mình. Từ tháng Sáu, Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân trong các vụ xung đột sắc tộc ở bang Rakhine, miền tây Miến Điện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.