Vào nội dung chính
THÁI LAN - HOA KỲ

Mỹ và Thái Lan nâng cấp quan hệ quân sự

Sau khi ghé Úc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đến Thái Lan vào hôm nay, 15/11/2012, chặng thứ hai trong vòng công du châu Á lần này, sẽ tiếp tục đưa ông qua Cam Bốt. Chuyến công du châu Á thứ ba, từ tháng Sáu đến nay, của ông Panetta là nhằm tăng cường quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực, với một mục tiêu không nói ra là tạo thêm đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Thái Sukampol Suwannathat (T) đón đồng nhiệm Mỹ Leon Panetta, ngày 15/11/2012.
Bộ trưởng Quốc phòng Thái Sukampol Suwannathat (T) đón đồng nhiệm Mỹ Leon Panetta, ngày 15/11/2012. Reuters
Quảng cáo

Quan hệ quân sự Mỹ-Thái đã có từ rất lâu, từ thời cuộc chiến tranh Triều Tiên trong những năm 1950, nhưng đây là đầu tiên từ năm 2008 đến nay, mà bộ trưởng quốc phòng hai nước trực tiếp gặp nhau. Ngoài các vấn đề liên quan đến việc thắt chặt trở lại quan hệ giữa hai quân đội, nội dung cuộc thảo luận giữa ông Panetta và đồng nhiệm Thái Lan còn bao gồm việc Hoa Kỳ chuẩn bị tái lập quan hệ quân sự với Miến Điện.

Đối với quân đội Thái Lan, Lầu Năm Góc mong muốn khôi phục lại một cuộc đối thoại mang tính chất chiến lược cao hơn, nhằm bổ sung cho các mối liên lạc giữa các đơn vị quân sự với nhau.

Trong bản tuyên bố chung sau cuộc họp tại Bangkok, hai đồng minh cố hữu cam kết nâng cấp liên minh quân sự giữa hai nước lên một mức phù hợp với thế kỷ 21. Lời cam kết này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì phải trở ngược về năm 1962 mới thấy Hoa Kỳ Thái Lan có được một bản tuyên bố chung như vậy. Vào lúc ấy, Mỹ cam kết bảo vệ Thái Lan chống lại các hành vi xâm lược của phe cộng sản.

Lần này, Hoa Kỳ cam kết « hiện diện lâu dài trong vùng Châu Á Thái Bình Dương », và công nhận Thái Lan là một « đầu tầu khu vực »

Trong một vài năm gần đây, quan hệ quân sự cấp cao Mỹ - Thái đã gặp trở ngại do tình hình chính trị bất ổn định tại Thái Lan. Hoa Kỳ đã đình chỉ viện trợ quân sự cho Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2006, và chỉ tái lập trợ giúp sau cuộc bầu cử vào tháng 12 năm 2007.

Các rối loạn trên chính trường Bangkok đã làm giảm bớt tầm quan trọng của Thái Lan đối với Hoa Kỳ, vào lúc Washington đang thúc đẩy trở lại các quan hệ đối tác trong khu vực Đông Nam Á.

Chiến lược « tái cân bằng » lực lượng Mỹ qua khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã được chính quyền Obama thiết kế để sẵn sàng ứng phó với Trung Quốc mà sức mạnh quân sự ngày càng tăng, trong lúc lập trường về các tranh chấp biển đảo với các láng giềng càng lúc càng cứng rắn.

Trong chiến lược này, các căn cứ không quân và các quân cảng của Thái Lan vẫn đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới hậu cần của quân đội Mỹ ở châu Á, và mỗi năm, Lầu Năm Góc vẫn đều tổ chức hàng chục cuộc tập trận với Bangkok, mà đáng kể nhất là cuộc diễn tập quân sự quy mô Cobra Gold (Kim mãng xà). Vào năm ngoái chẳng hạn, cuộc tập trận này đã huy động gần 13.000 binh lính đến từ 24 quốc gia.

Sau Thái Lan, vào ngày mai, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ bay qua Phnom Penh để tham gia một cuộc họp với các đồng nhiệm trong khối ASEAN, mà nội dung dự kiến ​​sẽ tập trung vào tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc và tình trạng bất ổn sắc tộc tại Miến Điện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.