Vào nội dung chính
ASEAN - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông vẫn là vấn đề tế nhị tại Thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh

Vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN có được nêu ra trong tuyên bố chung của Thượng đỉnh ASEAN lần này hay không ? Đó là câu hỏi mà hầu như tất cả các nhà báo trong khu vực và quốc tế có mặt tại thủ đô Cam Bốt đều quan tâm và chờ đợi kết quả cuộc họp các Ngọai trưởng ASEAN vào ngày hôm nay (17/11/2012).

Ngọai trưởng Cam Bốt (G) chủ trì hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN, Phnom Penh, 17/11/2012
Ngọai trưởng Cam Bốt (G) chủ trì hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN, Phnom Penh, 17/11/2012 ASEAN
Quảng cáo

02:38

Đặc phái viên Đức Tâm (Phnom Penh)

Ngay trước khi khai mạc cuộc họp các Ngọai trưởng tại Cung Hòa bình ở Phnom Penh nơi diễn ra các họat động của ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan, đã gặp gỡ các nhà báo và tỏ ra thận trọng khi được hỏi về vấn đề Biển Đông. Theo ông, vịệc các bên liên quan gặp nhau và nói chuyện với nhau đã là một động thái tích cực. Ông nói : « Chúng tôi mong muốn có thể cùng nhau giải quyết vấn đề này ».

Trong cuộc họp báo chiều nay, khi được hỏi là các Ngọai trưởng ASEAN có thảo luận về vấn đề Biển Đông và sự cố bãi đá Scarborough hay không, Quốc vụ khanh bộ Ngọai giao Cam Bốt, ông Kao Kim Huon, đã trả lời một cách chung chung và nhắc lại chuyện cũ, theo đó, các Ngọai trưởng đã thảo luận những vấn đề trong cuộc gặp không chính thức hồi tháng 09/2012, bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và đồng ý là cần phải tiếp tục làm việc, thảo luận với nhau về việc sọan thảo bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông - COC. Và các Ngọai trưởng cũng đã đồng ý giao cho Thái Lan trong tư cách là điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, tiếp tục đóng vai trò trung gian thúc đẩy đối thọai giữa hai bên.

Tuy nhiên, Quốc vụ khanh Cam Bốt không nói rõ là vấn đề Biển Đông có nằm trong tuyên bố chung mà các Ngọai trưởng sẽ trình lên Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào ngày mai hay không ?

Tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, Hội nghị Ngọai trưởng 10 nước Đông Nam đã không ra được bản thông cáo chung, do bất đồng nội bộ. Cam Bốt, nước hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN, dưới tác động của Trung Quốc, đã không chấp nhận yêu cầu của Manila đưa vào bản thông cáo chung sự cố tàu bè Trung Quốc và Philippines đối mặt với nhau trong nhiều tuần lễ ở bãi đá Scarborough.

Trong khuôn khổ Thượng đỉnh Đông Á, hồ sơ tranh chấp chủ quyền biển đảo lại càng nhậy cảm hơn. Do quan hệ căng thẳng, ba nước Bắc Á không có những cuộc gặp thượng đỉnh song phương bên lề Thượng đỉnh.

Áp lực của Trung Quốc đối với Cam Bốt dường như cũng rất lớn. Ngay trong ngày hôm nay, thứ trưởng Ngọai giao Trung Quốc, bà Phó Oánh (Fu Ying) đã tuyên bố là Bắc Kinh không hề muốn là vấn đề vấn đề Biển Đông nằm trong chương trình nghị sự của Thượng đỉnh Đông Á và « cuột thảo luận về vấn đề Biển Đông cần phải nằm trong khuôn khổ quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Thảo luận hồ sơ này trên các diễn đàn khác sẽ ảnh hưởng tới hướng hợp tác » giữa ASEAN và Bắc Kinh, hàm ý phản đối sự can thiệp của Mỹ.

Ngày mai, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo công du Cam Bốt, trước khi tha dự Thượng đỉnh Đông Á.

Với các yếu tố này, điều gần như chắc chắn là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và các nước liên quan trong khu vực không được nhắc đến tại Thượng đỉnh Đông Á. Và nếu có, thì cũng chỉ là những tuyên bố bày tỏ thiện chí, mang tính tuyên truyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.