Vào nội dung chính
HO A KỲ - MIẾN ĐIỆN

Mỹ bỏ lệnh cấm nhập hàng Miến Điện

Để khuyến khích tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện, một quốc gia có truyền thống thân Trung Quốc, Hoa Kỳ thông báo xóa bỏ hầu hết lệnh cấm nhập hàng hóa của Miến Điện. Quyết định trên được đưa ra vài ngày trước chuyến viếng thăm lịch sử của tổng thống Barack Obama.

May cờ Mỹ, một cửa hiệu nhỏ ở Rangoon, 16/11/2012.
May cờ Mỹ, một cửa hiệu nhỏ ở Rangoon, 16/11/2012. REUTERS/Minzayar
Quảng cáo

Ngày 16/11/2012 chính phủ Mỹ thông báo bãi bỏ lệnh cấm vận đối với hàng nhập từ Miến Điện vào thị trường Hoa Kỳ vốn đã được áp dụng từ năm 2003. Tuy nhiên, thông cáo chung của Bộ Thương mại và Ngoại giao nhấn mạnh quyết định trên không liên quan đến các dịch vụ mua bán đá quý, do lĩnh vực này vẫn bị coi là nguyên nhân chính gây ra tham nhũng và bạo lực tại Miến Điện.

Vào lúc tổng thống Barack Obama, vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên viếng thăm Miến Điện vào ngày 19/11/2012, đây là hình thức để Washington khuyến khích chính quyền Naypyidaw tiếp tục đẩy mạnh công cuộc dân chủ hóa đất nước. Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn quan ngại trước nạn tham nhũng tại quốc gia Đông Nam Á này, cũng như về ảnh hưởng của các tướng lãnh đối với đời sống chính trị và kinh tế của Miến Điện. Cuối cùng, Mỹ tiếp tục kêu gọi Miến Điện trả tự do cho tất cả các tù chính trị.

Thông tín viên của đài RFI từ Washington, Jean-Louis Pourtet, gửi về bài tường trình :

« Để hoan nghênh tiến trình dân chủ của Miến Điện, Naypyidaw nhận được một lúc hai món quà. Trước hết là lần đầu tiên một vị tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm chính thức viếng thăm quốc gia Đông Nam Á này và kế tiếp là Mỹ bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa của Miến Điện, trừ đá quý.

Hai món quà nói trên của Washington nhằm khen thưởng chính quyền Miến Điện đã trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và liên tục tiến hành hàng loạt các biện pháp cải tổ. Cách nay không lâu, tổng thống Barack Obama đã tiếp lãnh đạo đối lập Miến Điện tại Nhà Trắng, lần này ông sẽ đến thăm bà Aung San Suu Kyi tại Rangoon.

Tuy nhiên, Miến Điện còn phải tiếp tục nỗ lực trong việc bài trừ tham nhũng, cũng như phải tiếp tục cải thiện nhân quyền. Chính vì thế bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen để trừng phạt kinh tế 7 tập đoàn của Miến Điện.

Mục tiêu của tổng thống Obama trong chuyến viếng thăm Miến Điện lần này là nhằm nhấn mạnh đến một trong những thành quả ngoại giao ông đã đạt được trong nhiệm kỳ : đó là thuyết phục được một chính quyền dân chủ hóa đất nước. Cách nay không bao lâu chính quyền đó còn nằm trong tay các tướng lãnh quân sự và gương mặt đối lập hàng đầu là bà Aung San Suu Kyi thì đã liên tục bị quản thúc tại gia.

Chuyến viếng thăm Miến Điện của ông Obama cũng nằm trong khuôn khổ chính sách ngoại giao hướng về châu Á của Hoa Kỳ. Washington muốn đóng một vai trò đối trọng trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh tại khu vực này ».

Trước đây Hoa Kỳ đã xóa bỏ lệnh cấm đầu tư vào thị trường Miến Điện, kể cả đối với những lãnh vực được coi là nhậy cảm như dầu hỏa và khí đốt. Tháng 7/2011, lần đầu tiên từ 22 năm qua, Washington cử đại sứ Mỹ tại Miến Điện. Một số các nhà bảo vệ nhân quyền chỉ trích tổng thống Obama quá vội vàng trong việc sưởi ấm quan hệ với chính quyền Naypyidaw. Nhưng các dân biểu Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều tán đồng chính sách của Nhà Trắng. Từ năm 2009, Barack Obama đã chủ trương đối thoại với tập đoàn quân sự Miến Điện với hy vọng thuyết phục giới tướng lãnh cầm quyền nhanh chóng tiến hành cải tổ theo con đường dân chủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.