Vào nội dung chính
HOA KỲ - CHÂU Á

Obama đi tìm sự tăng trưởng ở châu Á

Ngay khi vừa tái đắc cử, tổng thống Mỹ Barack Obama đã chọn Đông Nam Á để thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Tổng thống tái đắc cử đã công khai tham vọng tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc trong một khu vực đầy tiềm năng. Liên quan đến chủ đề này, phụ san kinh tế báo Le Figaro có bài nhận định đề tựa « Obama đi tìm kiếm sự tăng trưởng tại châu Á ».

Một bức vẽ trên tường tại Rangoon ngày 11/11/2012 chào đón tổng thống Barack Obama đến thăm Miến Điến.
Một bức vẽ trên tường tại Rangoon ngày 11/11/2012 chào đón tổng thống Barack Obama đến thăm Miến Điến. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Obama đã chọn chuyến công du nước ngoài đầu tiên là ở Đông Nam Á, ngay sau khi vừa tái đắc cử. Lịch trình công du châu Á của ông Obama chỉ gói ghém trong 4 ngày. Bỏ rơi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Thái Lan sẽ là điểm đến đầu tiên, tiếp đến ông sẽ ghé thăm Miến Điện vài giờ trước khi đến tham dự hai ngày các Hội nghị Thượng đỉnh EAS và ASEAN tại Cam Bốt, diễn ra lần lượt vào thứ hai 19 và thứ ba 20/11 sắp đến. Bên lề Hội nghị, tổng thống Mỹ sẽ có buổi gặp gỡ riêng với hai lãnh đạo Trung Quốc – Ôn Gia Bảo và Nhật Bản - Yoshihiko Noda.

Theo Le Figaro, rõ ràng ông Obama muốn tái định hướng các ưu tiên chính trị và kinh tế của Mỹ về phía châu Á, một châu lục ngày càng có tiếng nói quan trọng trên thế giới. Ngân hàng Phát triển châu Á (BAD) dự đoán trong năm nay và năm tới, ngoại trừ Nhật Bản, tăng trưởng trong khu vực sẽ ở mức trên 6%.

Không những thế, mười nước thành viên trong khối ASEAN đã nhất trí tăng gấp đôi ngân sách từ 120 tỷ lên 240 tỷ đô-la để hỗ trợ Mỹ và các nước châu Âu đối phó khủng hoảng trong trường hợp mất khả năng thanh khoản. Giờ đây, nền kinh tế châu Á chiếm đến 29% tỷ trọng nền kinh tế thế giới.

Về phần mình, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde cũng không bỏ lỡ cơ hội khi công du các nước châu Á, mà điểm khởi đầu là Malaysia. Sở dĩ bà Lagarde chọn Malaysia là điểm đến đầu tiên là vì trong đợt khủng hoảng tài chính 1996-1997, tuy bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng Malaysia kiên quyết không tuân theo các điều kiện ràng buộc của IMF, đồng thời thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt nền tài chính và ấn định tỷ giá đồng nội tệ so với đồng đô-la.

Le Figaro cho rằng, ngoài mục tiêu kinh tế, chuyến đi của ông Obama lần này tại châu Á còn có một ý đồ khác, chuẩn bị một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với Trung Qu ốc, hiện đang là đối tác thương mại hàng đầu của cả khối ASEAN, trên cả Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ.

Bắc Kinh muốn đàm phán một thỏa thuận thiết lập vùng trao đổi tự do mậu dịch với Nhật Bản – ASEAN – Hàn Quốc, nhằm tạo một nền thị trường lớn ước tính có đến 2,1 tỷ người tiêu thụ, chiếm đến ¼ GDP của cả thế giới. Vì thế, sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Cam Bốt, thủ tướng Trung Qu ốc Ôn Gia Bảo sẽ còn ghé thăm Thái Lan.

Chính vì vậy, một mặt, ông Obama đã cho phép các nhà đầu tư quay lại Miến Điện vào tháng 7 vừa qua. Mặt khác, Nhà Trắng hối thúc Bangkok gia nhập vào hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương, với mong muốn làm đối trọng với Bắc Kinh. Nếu như thế, Thái Lan sẽ trở thành thành viên thứ 12. Không chỉ dừng ở đó, Washington còn có ý định mở rộng Hiệp ước sang các nước khác như Mêhicô, Nhật Bản và Canada. Như vậy, Hoa Kỳ sẽ có trong tay một đối trọng để đối phó với vùng trao đổi tự do mậu dịch mà không có sự hiện diện của Mỹ.

Chuyến thăm Miến Điện khó hiểu của ông Obama

Cũng liên quan đến chủ đề này, báo Libération có bài chạy tựa « một chuyến đi Miến Điện khó hiểu của ông Obama ». Theo phe đối lập tại Mỹ và tại Miến Điện, tổng thống Mỹ đã quá hấp tấp khi quyết định đến thăm Miến Điện, trong khi công cuộc chuyển tiếp dân chủ vẫn còn quá mong manh.

Nhiều tiếng nói chỉ trích cho rằng chương trình công du châu Á của ông Obama lần này là quá « gây sốc ». Phe bảo thủ tại Nhà Trắng cho rằng vấn đề cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Hoa K ỳ là nằm ở Israel và Pakistan.

Không những bị chỉ trích tại Mỹ, mà ngay cả những nhà ly khai Miến Điện hay như chính bản thân nhà đối lập Aung San Suu Kyi cũng tỏ ra quan ngại về quyết định nêu trên của Nhà Trắng. Theo họ, « tổng thống Mỹ đã hành động thiếu sáng suốt. Ông tỏ ra quá vội vã, hấp tấp và rộng lượng ».

Một quan điểm được các nhà ly khai tại Cam Bốt đồng chia sẻ. Các nhà đấu tranh cho nhân quyền lên án chuyến đi Cam Bốt của tổng thống Mỹ, cho rằng như thế sẽ còn củng cố thêm chế độ độc tài Hun Sen.

Trước các lời chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều phía, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng chuyến đi Cam Bốt cho phép ông Obama có thể gặp gỡ hai nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nhật Bản. Hơn nữa, chuyến công du lần này còn xác nhận định hướng hướng về châu Á mà ông Obama đã cam kết trước đó. Đến thăm Miến Điện là còn nhằm gởi một thông điệp cho Bắc Triều Tiên, rằng họ cũng « có thể đi theo con đường này nếu như Bình Nhưỡng chấp nhận mở cửa cho thanh tra các lò phản ứng hạt nhân ».

Nhận xét về việc tại sao ông Obama không ghé thăm Israel và Pakistan, một chuyên gia về Nam Á cho rằng « nếu như phải đi đến đấy, ông Obama sẽ gởi thông điệp gì cho Israel hay Pakistan? Với Pakistan, ông ta chẳng có lý do gì đến bày tỏ sự thân cận vốn dĩ không còn tồn tại nữa sau ngần ấy sự kiện ». Còn nếu nói là « vấn đề cốt lõi » thì các quan chức Nhà Trắng cho biết sắp tới đây sẽ là Matx-cơ-va.

Tổng thống Nga Putin chống tham nhũng

« Tại Nga, Vladimir Putin lấy lại chủ đề chống tham nhũng » là tựa đề bài viết trên tờ Le Monde. Một loạt các quan chức chính phủ cao cấp bị bắt hay cách chức vì biển thủ hàng trăm triệu rúp ngân khố quốc gia. Tuy nhiên, tờ báo cũng nhận xét rằng, dưới vỏ bọc chống tham nhũng đó, là một cuộc chiến tàn khốc giữa các phe phái mà người đứng đầu nhà nước ngày càng khó can thiệp.

Đi du lịch với chi phí như các ông hoàng, sở hữu các dinh thự sang trọng, chiếm đoạt quỹ công, là những vụ tai tiếng lớn đang diễn ra tại Nga từ nhiều tuần nay. Một bước ngoặt mới chưa từng có trong chính sách đối nội, Le Monde nhận định. Các nhà chính trị gia cho rằng, kể từ khi trúng cử nhiệm kỳ tổng thống thứ ba, một nhiệm kỳ bị phản đối mạnh mẽ nhất, tổng thống Nga Putin đang lấy lại chủ đề rất được phe đối lập ưa thích, đó là “chống tham nhũng”.

Một loạt các vị quan chức chính phủ cao cấp bị cách chức hay bị bắt vì tội biển thủ hàng chục hay hàng trăm tỷ rúp tiền công quỹ như vụ cách chức Bộ trưởng Quốc phòng, Anatoli Serdioukov; vụ giám đốc thiết kế thiết bị điều khiển vệ tinh Iouri Ourlitchitch. Đặc biệt, ngành tư pháp Nga tỏ ra khá nghiêm khắc với Roman Panov, cựu thứ trưởng phát triển khu vực bị bắt vì tội chiếm đoạt hơn 93 triệu rúp (tương đương với 2,3 triệu euro) trong khi chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Các đài truyền hình Nga đã phát đi hình ảnh ông Panov đứng sau song sắt của sở cảnh sát.

Trong cảnh xào xáo đó, chỉ có một điều chắc chắn là người dân Nga quá chán ngán với nạn tham nhũng. Tệ nạn này gặm nhắm hàng năm gần ¼ ngân sách quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của người dân. Tham nhũng hiện diện ở mọi nơi, mọi cấp độ, từ nhà trẻ cho đến nhà xác, từ bệnh viện, đại học, cảnh sát cho đến cả tòa án. Đây cũng chính là một trong những cản trở chính gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Giờ đây, tổng thống Nga Putin phải chứng tỏ là con một người của hành động hơn là nói suông. Tuy nhiên, vì một lý do khác nữa, dưới vỏ bọc chống tham nhũng, một cuộc chiến quyền lực khốc kiệt giữa các phe phái cũng đã bắt đầu, một cuộc chiến mà người đứng đầu nhà nước ngày càng chống chọi khó khăn.

Hy Lạp: “cuộc chiến giường bệnh” đang gây điên đảo các bệnh viện

Tại Hy Lạp, để đối phó với khủng hoảng, chính quyền Athène đề ra các chính sách khắc khổ trên mọi lãnh vực. Kết quả là các biện pháp đề ra đó đang làm cho cuộc sống của người dân ngày càng thêm khốn đốn, đến mức mà tại các bệnh viện thuốc men và giường cho các bệnh nhân ngày càng khan hiếm. Chủ đề này được báo Le Figaro phản ảnh lại qua bài viết đề tựa “Tại Hy Lạp: cuộc chiến giường bệnh làm điên đảo các bệnh viện”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp các bác sĩ thuộc bệnh viện Evangelismos buộc phải thốt lên: “Một cuộc chiến giường bệnh! Nhiều bệnh nhân tử vong vì không có chỗ để nằm trong các phòng cấp cứu… Chế độ khắc khổ này quá nguy hiểm, nhất là vào thời điểm này, trong khi mà số lượng bệnh nhân tăng lên đến 25%”. Các bệnh viện thiếu nhân sự, thiếu các bình dưỡng khí. Khan hiếm thuốc men còn làm cho tình hình thêm nghiêm trọng. Bởi lẽ, chừng nào chính phủ không thanh toán tiền thì các nhà cung cấp thuốc vẫn từ chối giao hàng cho các bệnh viện.

Trong lúc tình hình ảm đạm như thế, Bộ Y tế Hy Lạp vừa tuyên bố đợt cắt giảm ngân sách mới 1,5 tỷ euro từ đây cho đến năm 2016, trong khi mà ngày càng có nhiều bệnh nhân – nạn nhân của khủng hoảng không có gì để chi trả tiền khám chữa bệnh.

Đối diện trước sự túng quẫn đó, nhiều bác sĩ tình nguyện tổ chức các buổi khám chữa bệnh miễn phí cho những bệnh nhân nghèo nhất. Theo 40 vị bác sĩ tình nguyện, phần đông các bệnh nhân đến gặp họ đều là những người thất nghiệp, không có bảo hiểm xã hội và là nạn nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng. Các bác sĩ ghi nhận, số người đến xin khám chữa bệnh miễn phí ngày càng đông. Nhiều người trong số họ bị rối loạn tâm lý do phải gồng mình hứng chịu các biện pháp thắt lưng buộc bụng tàn nhẫn.

Các bác sĩ tỏ ra rất bi quan cho tương lai bởi vì với các chính sách khắc khổ mới vừa ban hành, hệ thống bệnh viện sẽ không thể kiểm soát được nữa và chính họ cũng không thể nào giúp đỡ được tất cả mọi người.

Từ nhiều tuần nay, các bác sĩ đã liên tục biểu tình, đình công chống chính sách khắc khổ, chống cắt giảm lương và đòi cải thiện điều kiện làm việc. Một số khác thì chọn giải pháp rời bỏ đất nước. Theo ước tính của các nghiệp đoàn bác sĩ, có khoảng gần 20.000 bác sĩ đã đi đến các nước khác kể từ cuối năm 2010.

Châu Âu: thiết bị quân sự rao bán trên “eBay”

Cũng liên quan đến cơn khủng hoảng kinh tế tại châu Âu, trong mục Câu chuyện trong ngày, Le Figaro có bài chạy tựa hóm hỉnh “Châu Âu: thiết bị quân sự rao bán trên ‘eBay’”.

Đây không phải là trang web “eBay” chuyên bán hàng rẻ trên mạng như ta tưởng. Trên thực tế, vào mùa xuân sang năm, Liên hiệp châu Âu có thể sẽ mở một trang web bảo mật cho phép 27 nước thành viên trong khối trao đổi các thiết bị quân sự thừa thải – nhưng không có vũ khí.

Đề nghị này sẽ được đệ trình lên Hội đồng Bộ trưởng của khối vào thứ hai tới tại Bruxelles. Và đấy cũng là đứa con tinh thần của Cơ quan quốc phòng châu Âu (AED). Cơ quan này được thành lập vào năm 2009 nhằm mục đích hợp tác đầu tư quân sự trong khối Liên hiệp châu Âu và giúp giảm thiểu các chi phí. Giờ đây, AED sẽ hành động như là một thị trường thứ cấp, thậm chí là nơi để tái chế.

Trang web dự tính sẽ có tên là eQuip. Khách hàng và cũng là nhà cung cấp của trang web tối đa chỉ là 27 nước: tức 27 Bộ quốc phòng của cả khối. Theo giải thích của AED, đây sẽ một “công cụ để trao đổi thông tin”, được thực hiện trên một giao diện bảo mật và chỉ giữa những người sử dụng hợp thức.

Nói cho rõ, đây không phải là một cửa hàng trên mạng. Công chúng, cũng như là những nước không thuộc khối Liên hiệp châu Âu sẽ không vào được trang web. Không có chuyện để cho những người mê sưu tầm thiết bị quân sự, hay phe taliban cũng như là phe đối lập Syria có thể xâm nhập vào trang mạng. Do đó, trên trạng sẽ không có các hình ảnh ba chiều, cũng như là việc thanh toán qua mạng, mà chỉ là danh sách các thiết bị có sẵn, dễ hiểu cho những quốc gia có tham gia vào khối Nato.

Việc này cũng không gây cản trở cho các giao dịch lớn. Bởi vì, với việc rút 21 binh đoàn châu Âu từ Afghanistan về cũng hứa hẹn một phiên chợ đầy hấp dẫn: tính trên toàn bộ cả khối liên minh, bao gồm cả Hoa K ỳ, con số trang thiết bị lên đến 100 ngàn conteneur và 75.000 phương tiện chuyên chở và chiến đấu.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.