Vào nội dung chính
ASEAN

Tuyên bố nhân quyền ASEAN được thông qua bất chấp dư luận dè dặt

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 đã chính thức khai mạc tại Phnom Penh- Cam Bốt. Đây là sự kiện sẽ mở đầu cho một loạt các Hội nghị Thượng đỉnh khác giữa Hiệp hội Đông Nam Á và các đối tác chủ chốt, đặc biệt là cuộc họp ASEAN –Hoa Kỳ với sự đồng chủ tọa của Tổng thống Mỹ Barack Obama, vào ngày 19/11/2012 và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á EAS ngày 20/11/2012.

A member of government security holds his weapon at the VIP section of Phnom Penh airport as delegations arrive for the 21st ASEAN (Association of Southeast Asian Nations) and East Asia summits in Phnom Penh November 17, 2012.
A member of government security holds his weapon at the VIP section of Phnom Penh airport as delegations arrive for the 21st ASEAN (Association of Southeast Asian Nations) and East Asia summits in Phnom Penh November 17, 2012. Reuters/Damir Sagolj
Quảng cáo

Theo các nhà quan sát, trong chương trình nghị sự các Hội nghị Thượng đỉnh mở ra từ hôm nay 18/11/2012, đáng chú ý nhất là các tranh chấp biển đảo đang diễn ra giữa Trung Quốc với hầu hết các láng giềng, tại vùng Biển Đông với 4 thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, cũng như tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông với Nhật Bản. Tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được chú ý. 

Trước mắt, hôm nay, vấn đề nhân quyền trong khối Đông Nam Á đã thu thu hút sự chú ý với việc lãnh đạo 10 nước ASEAN đã thông qua bản Tuyên bố nhân quyền cho dù văn kiện này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Từ Phnom Penh, đặc phái viên Đức Tâm phân tích :

"Tại Cung điện Hòa Bình, Phnom Penh, Cam Bốt, trong cuộc họp Thượng đỉnh thường niên, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua tuyên bố về nhân quyền, đồng thời cũng thảo luận về một số vấn đề bạo động đang diễn ra tại một số nước thành viên, đặc biệt là ở miền tây Miến Điện.

ASEAN đánh giá đây là một văn bản quan trọng, hỗ trợ việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người cho 600 triệu người dân thuộc khối này. Tại buổi lễ ký kết, Ngọai trưởng Philippines nói với các nhà báo : « Đây là một di sản để lại cho con cháu chúng ta ».

Thế nhưng, giới bảo vệ nhân quyền lại lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và cho rằng văn bản này còn quá nhiều khiếm khuyết đối với ASEAN, một tổ chức tập hợp nhiều quốc gia có các thể chế chính trị khác nhau, từ chế độ toàn trị tại Việt Nam, Lào, cho đến các nền dân chủ tự do như Philippines.

Tuần trước, Amnesty International đã lên tiếng cảnh báo là dự thảo bản tuyên bố về nhân quyền của ASEAN không phù hợp với các chuẩn mực hiện hành về nhân quyền. Thậm chí, văn bản này có thể làm tăng thêm quyền lực cho một số nhà nước trong ASEAN vi phạm nhân quyền, thay vì tạo ra những cơ chế mới giúp bảo vệ những người dân tránh được những hành động bạo lực.

Vấn đề nhân quyền cũng làm nước chủ nhà là Cam Bốt đau đầu.

Nhật báo Cambodia, số ra ngày 17-18/11/2012, đã có bài nói về việc tổng thống Mỹ Barack Obama, nhân chuyến công du Cam Bốt và tham dự Thượng đỉnh Đông Á, sẽ đề cập với chính quyền Phnom Penh về các hành động lạm dụng quyền lực và bầu cử trung thực ở Cam Bốt. Sáng nay, bộ Ngoại giao Cam Bốt đã phải ra thông cáo bác bỏ những cáo buộc trong bài báo.

Về vấn đề bầu cử trung thực, bộ Ngọai giao Cam Bốt nhắc lại tuyên bố của thủ tướng Hun Sen là ông sẵn sàng chuyển giao quyền lực nếu phe đối lập thắng cử. Chính phủ cam kết tổ chức cuộc bầu cử vào năm tới một cách tự do, minh bạch, dưới sự giám sát của hàng ngàn quan sát viên quốc tế và Cam Bốt.

Bên cạnh đó, bộ Ngoại giao Cam Bốt cũng bác bỏ những cáo buộc về việc chính quyền sử dụng vũ lực để cưỡng đoạt đất đai của người dân.

Ngay trong cuộc họp Thượng đỉnh, trước khi ký kết tuyên bố về nhân quyền, lãnh đạo các nước ASEAN đã phải thảo luận về tình hình bạo động sắc tộc tại bang Rakhine, miền tây Miến Điện. Trong cuộc họp báo vào trưa nay, tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan, cũng thừa nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề người Rohingya.

"Về hoàn cảnh của người Rohingya tại bang Rakhine – mà hiện có đến 800.000 người đang phải chịu những áp lực khủng khiếp - ASEAN công nhận những nỗ lực của chính quyền Miến Điện để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên nếu hồ sơ này không được giải quyết thấu đáo, có nguy cơ là xung đột trở nên gay gắt hơn dẫn đến các hành động cực đoan và điều đó sẽ không có lợi cho bất kỳ một ai trong khu vực. Cộng đồng quốc tế cũng như bản thân tôi bày tỏ mối lo ngại trước vấn đề này.  

Tôi tin rằng lãnh đạo ASEAN cũng sẽ quan tâm đến số phận của người Rohingya, không chỉ một cách chung chung như một xung đột nội bộ, và tôi tin chắc rằng họ cũng sẽ thảo luận về hồ sơ này trong cuộc họp song phương".

Ông Surin cũng tiết lộ là trong cuộc họp ngày hôm qua, các Ngoại trưởng ASEAN đã phải sửa đổi bổ sung bản dự thảo Tuyên bố về Nhân quyền, để đáp ứng các đòi hỏi của giới bảo vệ nhân quyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.