Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc với tham vọng « cường quốc hải dương »

Tờ nhật báo Anh ngữ China Daily, số ra ngày hôm nay, 20/11/2012, loan tin là bên lề Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đầu tháng 11 vừa qua, ông Hồ Vấn Minh, chủ tịch Tổng Công ty đóng tàu Nhà nước Trung Quốc ( CSSC ) đã kêu gọi nước này nên tự đóng các hàng không mẫu hạm.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào duyệt đội quân danh dự trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tại căn cứ hải quân ở Đại Liên, ngày 25/09/2012.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào duyệt đội quân danh dự trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tại căn cứ hải quân ở Đại Liên, ngày 25/09/2012. REUTERS/Xinhua/Zha Chunming
Quảng cáo

Chủ tịch công ty CSSC tuyên bố : « Chúng ta phải tăng cường nghiên cứu và khả năng sản xuất các vũ khí và thiết bị độc lập cho tương xứng với trình độ trình độ phát triển của đất nước, và tự lực đóng các tàu sân bay riêng cho mình.» Cũng theo lời ông Hồ Vấn Minh, công ty của ông sẵn sàng xây dựng các « căn cứ không quân trên biển » cho Trung Quốc.

Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố là Trung Quốc phải tiếp tục xác quyết chủ quyền trên các lãnh thổ đang tranh chấp với tư cách một nước đang trở thành « cường quốc hải dương ».

Tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này, đó là tàu Liêu Ninh, nhưng đây là tàu cũ mua lại từ Ukraina và được đại tu lại. Sự kiện này tuy vậy đã được mô tả những là một « bước đi ngàn dặm » mang tính biểu tượng cho sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc, trong bối cảnh các nước trong khu vực ngày càng lo ngại trước sự bành trướng thế lực của Bắc Kinh.

CSSC chính là công ty đã đại tu hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tại cảng Đại Liên. Báo chí Nhà nước Trung Quốc gần đây cho biết là hàng không mẫu hạm đang chuẩn bị cho các máy bay thao dượt cất cánh và hạ cánh trên tàu này. Nhưng theo các chuyên gia quân sự, Liêu Ninh hiện chỉ có thể được dùng để huấn luyện và thử nghiệm, chứ chưa có khả năng tác chiến, tức là sẽ không đủ sức đối phó với Mỹ. Trước mắt, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đóng vai trò răn đe các nước nhỏ trong khu vực, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, hai quốc gia tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc trên Biển Đông.

Giám đốc cơ quan tình báo Đài Loan trong năm nay đã khẳng định rằng Trung Quốc đã quyết định tự đóng hai chiếc hàng không mẫu hạm. Nhưng mặc dù có những tin đồn cho rằng việc đóng tàu đã bắt đầu, hiện chưa có bằng chứng gì việc này. Dầu sao, là một nước mà trong vài năm nữa sẽ trở thành nền kinh tế số một thế giới, Trung Quốc hoàn toàn sẽ có đủ khả năng tài chính để tự đóng các hàng không mẫu hạm.

Ngoài hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã phát triển nhiều vũ khí mới. Đầu tháng này, Bắc Kinh vừa thử nghiệm máy bay tàng hình thứ hai. Nhân Triển lãm Hàng không Châu Hải, ở miền Nam, cách đây vài ngày, Trung Quốc cũng giới thiệu lần đầu tiên trước công chúng chiếc trực thăng chiến đấu đời mới WZ 10 hay « Thunder Fire ».

Theo các chuyên gia, lực lượng quân sự của Trung Quốc còn yếu hơn rất nhiều so với Hoa Kỳ và trong nhiều năm nữa sẽ vẫn còn yếu hơn. Vấn đề là không ai biết rõ những ý định thật sự của Bắc Kinh về mặt quân sự. Thành ra, tham vọng « cường quốc hải dương » của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây lo ngại thêm cho các nước trong khu vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.