Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Hạt nhân : Nhật nên lắng nghe ý kiến dân

Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về quyền được chăm sóc sức khỏe, ngày 26/11/2012, kêu gọi chính quyền Nhật Bản phải cho người dân tại Fukushima tham gia nhiều hơn vào cách giải quyết các hệ quả tai nạn nhà máy điện hạt nhân tại đây. Điều đó tốt hơn là chỉ nghe ý kiến các chuyên gia.

Nhật Bản nên để người dân lên tiếng về hạt nhân.
Nhật Bản nên để người dân lên tiếng về hạt nhân. Reuters/Yuriko Nakao
Quảng cáo

Phát biểu với báo chí sau chuyến đi 12 ngày ở Nhật Bản, trong đó có chặng ghé Fukushima, ông Anand Grover đã tuyên bố là chính phủ Nhật nên bớt lệ thuộc vào ý kiến chuyên gia trên vấn đề liên quan đến tai nạn tại nhà máy hạt nhân Fukushima.

Theo ông : « Các chuyện gia chỉ biết có một phần giải pháp. Người dân tại chỗ phải được tham gia » vào việc tìm giải pháp vì họ không chỉ biết nhiều về tình hình, mà cần phải được tham khảo ý kiến. Có như thế, các ý kiến và đề xuất của họ mới đến tai chính phủ và được lưu ý.

Ông Grover, theo AFP, còn nhấn mạnh rằng tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, sau trận động đất và sóng thần tháng 3/2011, còn có nguyên nhân con người. Ông nhắc lại như thế một câu trong bản báo cáo cuối cùng của các chuyên gia được Nghị viện Nhật giao trách nhiệm điều tra.

Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc còn nhấn mạnh là việc chính phủ và tập đoàn Tepco, quản lý nhà máy điện Fukushima, đã không công bố những thông tin chính xác về mực độ phóng xạ lan nhiễm trong những tuần lễ đầu đã làm cho tình hình thêm nghiêm trọng.

Ông Grover nêu bật khác biệt trong tỷ lệ phóng xạ buộc phải di tản dân chúng : tại Nhật Bản, trong thời gian đầu, tỷ lệ này là 20 millisievert/năm, trong lúc sau tai nạn Tchernobyl, Ukraina, năm 1986, tỷ lệ này là 5 millisievert/năm.

Theo chuyên gia Liên Hiệp Quốc, quyết định trên của Nhật, đã « làm cho dân chúng bối rối và khiến người dân trong vùng không còn tin vào các số liệu thống kê và các quyết định của chính phủ ».

Tính ra khoảng 100.000 người dân đã phải di tản sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.