Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Những bóng ma của Bình Nhưỡng

Vào lúc thời sự châu Á đang nóng lên về quyết định của Bắc Triều Tiên là sẽ thử nghiệm tên lửa, nhật báo Pháp Le Monde ghi ngày hôm nay, 04/12/2012 đã tập trung chú ý trên một vấn đề đầy thương tâm mà chế độ Bình Nhưỡng đã gây ra : Bắt cóc người Nhật đưa về nước để ép buộc đào tạo các điệp viên cho Bắc Triều Tiên.

Nữ điệp viên Bắc Triều Tiên Kim Hyon Hui.
Nữ điệp viên Bắc Triều Tiên Kim Hyon Hui. Reuters
Quảng cáo

Bài phóng sự « Những bóng ma của Bình Nhưỡng » của đặc phái viên Le Monde François Bougon tại Nhật Bản đã nêu bật tâm trạng mòn mỏi chờ trông của gia đình những người bị bắt cóc, hàng chục năm sau vẫn không biết được số phận người thân của mình ra sao.

Nhật báo Pháp đã nhắc lại một số nét chính trong hồ sơ người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. Vào năm 1976, lúc chiến tranh lạnh đang căng thẳng ở châu Á, lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Nhật Thành đã quyết định chuyển hướng công tác tình báo của chế độ Bình Nhưỡng. Chủ trương được thúc đẩy là bắt cóc người nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc và Nhật Bản, để đưa về nước bắt họ đào tạo các điệp viên Bắc Triều Tiên. Lực lượng gián điệp này sau đó được tung qua hoạt động ở các nước đối phương.

Về mặt chính thức, chính quyền Nhật Bản chỉ ghi nhận 17 trường hợp đã được xác minh là công dân của họ bị Bình Nhưỡng từ năm 1977 đến năm 1983. Tuy nhiên, số liệu từ các hiệp hội gia đình những người bị Bắc Triều Tiên bắt cóc thì cao hơn nhiều. Nếu nạn nhân già nhất đã 52 tuổi, thì người trẻ nhất là Megumi Yokota, bị bắt cóc lúc mới 13 tuổi. Cô bé đã mất tích vào tháng 11 năm 1977 trên đường từ trường về nhà tại thành phố duyên hải Niigata.

Vấn đề nhức nhối, theo Le Monde, là trong một thời gian dài, chính quyền Nhật Bản không hề đoái hoài đến số phận những công dân xấu số này của họ, kể cả sau khi sự thật về trách nhiệm của Bình Nhưỡng bị tiết lộ sau vụ điệp viên Bắc Triều Tiên đặt bom phá nổ chiếc máy bay của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Airlines (KAL) vào năm 1987.

Phải chờ đến tháng 9 năm 2002 thì Tokyo mới thay đổi thái độ, sau khi Kim Jong Il, người kế vị Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng từ năm 1994, đã chính thức công nhận với khách mời là Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi là Bắc Triều Tiên đã bắt cóc công dân Nhật. Bình Nhưỡng tuy nhiên chỉ thừa nhận tổng cộng 13 vụ, và đã cho 5 trong số này trở về Nhật Bản, số còn lại bị cho là đã chết.

Đối với Bình Nhưỡng, hồ sơ đó kể như đã hoàn toàn đóng lại, tuy nhiên, Tokyo chưa thỏa mãn, và vấn đề này tiếp tục cản trở việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, cũng như gây khổ đau cho thân nhân những người bị mất tích.

Số phận nghiệt ngã của Yaeko, bị bắt cóc lúc 22 tuổi

Đặc phái viên Le Monde đã nêu bật tình cảnh của ông Shigeo Iizuka tại thành phố Ageo, gần vùng ngoại ô của thủ đô Nhật Bản. Vào một ngày trong tháng 6 năm 1978, em gái của ông tên Yaeko, lúc ấy mới 22 tuổi, đã bị bắt cóc ngay tại trung tâm Tokyo và mang qua Bắc Triều Tiên để dạy phong tục tập quán và ngôn ngữ Nhật Bản cho các điệp viên do chính Kim Jong Il lãnh đạo.

Yakeo là tiếp viên cho một quán bar ở Ikebukuro, một khu phố trung tâm Tokyo. Sau khi ly dị với chồng, cô đã phải làm việc để nuôi hai đứa con nhỏ. Ngay sau khi cô mất tích, ông Shigeo Iizuka đã chạy ngay đến căn hộ của em gái mình, và thấy rằng mọi thứ đều ngăn nắp, và Yaeko không để lại một lá thư nào.

Thoạt đầu ông an tâm, nghĩ rằng em gái mình sẽ quay về, nhưng rồi một tuần, một tháng, rồi hai tháng, bóng dáng cô vẫn không thấy đâu. Đến nay, như thế là 34 năm đã trôi qua, ông Shigeo Iizuka đã 75 tuổi.

Ông đã kể lại rằng gia đình đã phải sắp xếp cho hai đứa bé : Shigeo Iizuka đã nhận một bé trai làm con nuôi, và một cô em gái khác của ông thì nhận đứa bé gái. Trong gia đình, mọi người tuyệt đối giữ bí mật, không hề cho hai đứa bé biết rằng chúng là con nuôi.

Thế nhưng bí mật này chỉ được giữ kín trong vòng hai mươi năm mà thôi. Khi được 21 tuổi, người con trai của Yaeko cần làm hộ chiếu đi Anh quốc Anh. Anh đã phải cần đến giấy khai sinh, và khi ấy đã phát giác ra rằng mình là con nuôi.

Lời khai của một nữ điệp viên Bắc Triều Tiên

Do đâu mà ông Shigeo Iizuka biết được là em gái mình bị chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc ?

Theo lời kể của ông, trong thời gian đầu, cảnh sát Nhật Bản đã chẳng làm gì được trong việc tìm kiếm Yakeo. Cô chỉ là một trong số những người bị mất tích khác, không là đối tượng được tìm kiếm đặc biệt. Sự thật về số phận của cô đã được một nữ điệp viên Bắc Hàn tên Kim Hyon Hui tiết lộ.

Nhân vật này bị bắt tại Bahrain vào tháng 11 năm 1987 về vụ phá nổ chiếc phi cơ của hãng hàng không KAL, trên tuyến đường nối liền Hàn Quốc và Irak, làm 115 hành khách và nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Khi bị cảnh sát thẩm vấn, Kim Hyon Hui đã nhận ra « cô giáo » của mình khi được cho xem một tấm hình đen trắng của Yakeo. Theo điệp viên Bắc Triều Tiên này, thì Yaeko đã dạy cô cách cư xử sao cho thật giống người Nhật, cho cô biết những xu hướng thịnh hành trong phim ảnh, âm nhạc thời trang Nhật Bản vào lúc đó.

Ông Shigeo Iizuka kể lại : « Vì phải sống với Kim Hyon-hui suốt trong 20 tháng (tháng 7 năm 1981 đến tháng 3 năm 1983), Yakeo đã tâm sự rất nhiều với ‘học trò’ mình, rằng cô đã khóc mỗi đêm vì nhớ con. Kim đã khuyên Yakeo là nên cam chịu số phận của mình ».

Về vụ bắt cóc cô Yakeo, ông Shigeo Iizuka kể tiếp : « Trong quán bar, nơi em tôi làm việc, có hai hoặc ba người đàn ông, có lẽ là gián điệp, đã đến bốn lần. Họ đề nghị Yakeo qua Bắc Triều Tiên chơi hai, ba ngày và cô đã chấp nhận. Đó là những gì Bắc Triều Tiên cho biết [vào 2002], nhưng tôi không tin. Em tôi không bao giờ có thể bỏ đi vì đã có hai con nhỏ. Đó là một lời nói dối ».

Công nghiệp điện tử Nhật Bản điêu đứng

Cũng nhìn về Châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận một tin không vui cho Nhật Bản trong một hàng tựa trang nhất : « Sự suy yếu của các hoàng đế điện tử Nhật Bản ». Trong vài năm gần đây họ đều lỡ bước, không nắm bắt kịp thời tất cả những thay đổi then chốt trong ngành.

Theo tờ báo Pháp, từ Panasonic cho đến Sony hay Sharp... các đầu sỏ Nhật Bản trong lãnh vực điện tử đại chúng lần lượt bị rơi đài, một phần vì bối cảnh bên ngoài không thuận lợi, nhưng cũng một phần vì mô hình kinh tế của họ bắt đầu hụt hơi, buộc họ phải đổi mới và sáng tạo trở lại.

Les Echos dành nguyên một trang trong mục điều tra, nói về ví dụ của hãng Panasonic. Tại Hambourg (Đức), tháng Hai vừa qua, tập đoàn này đã thu hút sự chú ý khi giới thiệu Eluga, chiếc smartphone mới của mình, với cảnh ngoạn mục : Một người mẫu tóc vàng, mặc áo đỏ, vai trần, đưa tay ra và thả chiếc máy điện thoại vào trong một bình nước.

Không thấm nước, cực mỏng, chiếc Eluga được cho là sẽ đánh dấu sự quay trở lại của Panasonic trên thị trường Châu Âu. Tập đoàn ước tính là trong thời gian một năm, có thể bán ra ít nhất 1,5 triệu máy điện thoại loại này ở Châu Âu và sau đó sẽ đi chinh phục các luc điạ khác.

Thế nhưng chỉ mới cách đây ba tuần thôi, Chủ tịch Tổng giám đốc mới của tập đoàn Kazuhiro Tsuga thông báo ngưng hẳn việc bán chiếc máy Eluga ra ngoài Nhật Bản với lý do : Lợi nhuận quá ít. Sản phẩm tốt nhưng bị cạnh tranh về giá quá gắt gao.

Theo Les Echos, sau nhiều năm thua lỗ, trong tài khóa kết thúc vào tháng 3 tới, Panasonic sẽ bị lỗ thêm 10 tỉ đô la. Các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, và cổ phiếu Panasonic sụt giảm mạnh.

Nhưng không phải chỉ có Panasonic. Các hãng Sony hay Sharp cũng cùng số phận. Sony trong quý hai đã bị lỗ 15,5 tỉ yen (194 triệu đô la), Sharp năm nay lỗ khoảng 5,45 tỉ đô la.

Nguyên do suy sụp dĩ nhiên là bối cảnh không thuận lợi của kinh tế thế giới, khủng hoảng tài chánh Âu Mỹ, rồi động đất sóng thần ở Nhật, nhiều cơ sở sản xuất bị tàn phá... Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nhật, còn một nguyên nhân khác sâu xa hơn, như giáo sư Shigeru Asaba, Đại học Tokyo khẳng định : “Đó là sự thoái hóa dần dần của một mô hình kinh tế.”

Nhật bị Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Mỹ qua mặt

Theo Les Echos, từ năm 2000 đến 2010, sản xuất điện tử của Nhật sụt giảm 41%, xuất khẩu giảm 27%, phần điện tử trong thặng dư thương mại giảm 68%. Trong một số sản phẩm then chốt, Nhật bị Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Mỹ qua mặt. Hiện nay trên hành tinh này, một máy truyền hình trên ba là do Samsung hay LG của Hàn Quốc chế tạo. Tình hinh đó buộc các tập đoàn Nhật Bản phải đánh giá lại chiến lược của mình.

Chủ tịch Panasonic công nhận trước tiên là các tập đoàn Nhật quá tin tưởng vào kỳ công của họ trên mặt công nghệ học và sản xuất và không chú ý đến đánh giá của người tiêu dùng trên các sản phẩm làm ra. Khuyết điểm thứ hai là đánh giá thấp sức cạnh tranh của đối thủ.

Một điểm khác nữa là các tập đoàn Nhật quá chú trọng đến thị trường nội địa với những đặc thù của nó, và những người lãnh đạo cho đến nay, chỉ hoạt động và thăng tiến trong một tập đoàn duy nhất, không linh hoạt, không tìm hiểu nhiều về những xu hướng, nhu cầu bên ngoài, cho nên đã không nhạy bén với những thay đổi và thiếu sự táo bạo cần thiết.

Thế nhưng, ngay cả trên thị trường Nhật, Les Echos cũng nhìn thấy là tập đoàn Hàn Quốc Samsung đang chiếm 10% lượng máy smartphone bán ra. Cho dù vậy, Les Echos, cho rằng có lẽ các tập đoàn Nhật Bản nói trên đang bừng dậy, và từ năm ngoái đã cố gắng tái cấu trúc, thay đổi lãnh đạo, cố tập trung trên những lãnh vực họ đang nắm ưu thế. Nhưng cái giá phải trả là sa thải hàng chục ngàn nhân công.

Pháp : Tranh cãi giữa Giáo hội Công giáo và chính phủ

Lược nhìn qua phần thời sự Pháp được quan tâm hôm nay, quả là không có gì đáng phấn khởi. Trước tiên là tình hình Pháp, với cảnh người vô gia cư trong mùa đông đang đến, như hai tờ le Figaro và La Croix nêu bật, hoặc đời sống khó khăn của thanh niên Pháp mà báo Le Monde ghi nhận ngay hàng tít lớn trang nhất : « 23% thanh niên trong tình trạng nghèo khó ». Trên bình diện kinh tế, báo Les Echos nhìn thấy là ngành xe hơi Pháp năm 2012 này sẽ tụt xuống mức thấp nhất từ 15 năm nay với lượng xe mới đăng ký sụt giảm 14%.

Trong thời gian qua, tranh cãi bắt đầu bùng lên giữa chính phủ Pháp và Giáo hội Công giáo Pháp. Gần đây nhất là lời kêu gọi của bà Cécile Duflot, Bộ trưởng Bộ Gia cư, muốn Tòa Tổng Giám mục Paris mở cửa các cơ sở không có người ở của mình, để tiếp nhận những người vô gia cư, đặc biệt nhân mùa đông rét giá đang đến.

Giáo hội Công giáo Pháp đã phản ứng gay gắt, và một số tờ báo Pháp không ngần ngại chỉ trích quan điểm của chính phủ. Nhật báo Công giáo La Croix chạy tựa : « Chỗ ở khẩn cấp : Câu trả lời của Giáo hội ». Theo tờ báo, « Giáo xứ Paris nhấn mạnh đến chính sách tiếp đón (người vô gia cư) của mình…, cho biết rằng tại Paris, Giáo hội không có các nhà bỏ trống và nhấn mạnh rằng từ lâu nay đã có nhiều hoạt động giúp đỡ những người không nhà, không cửa. »

La Croix cho rằng : "Giáo hội Công giáo không phải là mới đây mới hành động, và quả là bất công khi không công nhận điều đó". Đối với tờ báo Công giáo, lời kêu gọi của bà Duflot không phải là ngẫu nhiên : « Sự can thiệp của Giáo hội Công giáo về vấn đề cho phép hôn nhân đồng tính đã khiến cho những người chủ trương điều này rất khó chịu, đặc biệt là giới bảo vệ môi trường ».

Bộ trưởng Duflot chính là một người xuất thân từ đảng Xanh, theo xu hướng bảo vệ sinh thái. Tờ La Croix kết luận là khi đánh vào vấn đề chỗ ở cho người vô gia cư « có lẽ bà Bộ trưởng muốn "ghim" Đức Tổng Giám Mục Paris, Hồng y Vingt-Trois, đồng thời là Chủ tịch của Hội đồng Giám Mục Pháp. »

Pháp : Bốn lãnh vực ưu tiên cho ngành xuất khẩu

Les Echos hôm nay cũng dành nửa trang báo cho xuất khầu Pháp, ghi nhận rằng Paris đang đặt trọng tâm vào bốn lãnh vực ưu tiên.

Theo tờ báo, một nghiên cứu của bộ tài chính Pháp vừa đánh giá nhu cầu thế giới trong vòng 10 năm tới đây, qua từng nước, từng lãnh vực. Và Paris muốn đặt ưu tiên vào bốn lãnh vực mà Pháp có triển vọng ‘xuất khẩu' thành công : Lương thực thực phẩm, y tế, viễn thông và lãnh vực đô thị hóa.

Mong muốn của Pháp là dành lại hay mở rộng thị phần của mình ở Châu Âu và Châu Á. Tại các nước gọi là đang vươn lên của Châu Á như Indonesia, Philippines, Việt Nam... Paris tiếc là thị phần của mình ở mức dưới 1,5%.

Nhìn ra quốc tế, Libération giới thiệu trên trang nhất bài phóng sự tại « Syria bị tàn phá ». Chỉ có một tin vui được Le Figaro nêu bật và dành ảnh trang nhất : Ngai vàng Anh Quốc sắp có thêm một người thừa kế vì Kate đang ‘mang bầu’. Tin này được Hoàng cung thông báo hôm qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.